Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và trong quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động cuối cùng bảo đảm cho bản án, quyết định của toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Do đó làm tốt công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng là góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhờ đó công tác thi hành án dân sự đã có nhiều tiến bộ. Tính từ năm 2008 đến 2012, các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương đã ban hành 54 chỉ thị, 43 nghị quyết, 106 kế hoạch, 67 chuyên đề lãnh đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Thành ủy đã có Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 04-5-2012 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trong tình hình mới.
Kết quả những năm qua cho thấy, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố đã được coi trọng, đem lại những kết quả thiết thực trong thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương. Qua đó cũng thể hiện vai trò, vị thế của cơ quan thi hành án dân sự trong hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự đã được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra; sự đoàn kết thống nhất trong toàn ngành được tăng cường, phát huy được tính sáng tạo của từng Chấp hành viên, cán bộ, công chức. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự được củng cố, kiện toàn ở các cấp. Hệ thống tổ chức bộ máy thi hành án dân sự tại các địa phương được củng cố, tăng cường về cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ và phương tiện cho công tác; công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn nghiệp vụ luôn được quan tâm… tạo ra những điều kiện, tiền đề cho công tác thi hành án dân sự TP. Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2008 tổng thụ lý thi hành án 38 ngàn việc, đã giải quyết xong 20 ngàn việc, tồn chuyển sang 2009 là 18 ngàn việc. Năm 2009 tổng thụ lý thi hành án 37 ngàn việc, đã giải quyết xong 22 ngàn việc, tồn chuyển sang 2010 là 15 ngàn việc. Năm 2010 tổng thụ lý thi hành án 34 ngàn việc, đã giải quyết xong 20 ngàn việc, tồn chuyển sang 2011 gần 11 ngàn việc. Năm 2011 tổng thụ lý thi hành án 31 ngàn việc, đã giải quyết xong hơn 21 ngàn việc, tồn chuyển sang 2012 hơn 9 ngàn việc. Năm 2012 tổng thụ lý thi hành án hơn 30 ngàn việc, đã giải quyết xong hơn 22 ngàn việc, tồn chuyển sang 2013 hơn 7 ngàn việc.
Số lượng việc thụ lý mới hằng năm của các cơ quan thi hành án dân sự TP. Hà Nội những năm gần đây khoảng trên 20 ngàn việc, nhưng giá trị phải thi hành tăng lên rất nhiều. Năm 2008 tổng giá trị phải thi hành án là: 1.421 tỷ đồng; năm 2009 là: 1.824 tỷ đồng; năm 2010 là: 2.013 tỷ đồng; năm 2011 là: 2.114 tỷ đồng, tồn chuyển sang năm 2012 là: 869 tỷ đồng; năm 2012 là hơn 2.647 tỷ đồng, tồn chuyển sang năm 2013 là hơn 1.564 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên, trước hết, Thành ủy và các cấp ủy đã nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của thi hành án dân sự và tăng cường sự lãnh đạo, tập trung chỉ đạo trực tiếp và đúng hướng, kịp thời những vấn đề trọng tâm trong hoạt động của công tác thi hành án dân sự.
Hai là, đổi mới công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, có định hướng chính trị cho hoạt động của thi hành án dân sự, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy huyện, quân, thị xã đối với công tác thi hành án dân sự; có Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trong tình hình mới.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của chính quyền, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của công tác thi hành án dân sự và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án dân sự các cấp hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Bốn là, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, chức năng của công tác thi hành án dân sự, đã đề cao trách nhiệm đối với hoạt động của thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự từ thành phố đến quận, huyện và thị xã đã được kiện toàn về tổ chức bộ máy và cán bộ, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng tốt hơn.
Năm là, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự được trẻ hóa, trình độ và năng lực công tác được nâng lên, có tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tranh thủ được sự chỉ đạo của chính quyền, chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, do mở rộng địa giới hành chính, địa bàn thi hành án dân sự rộng, số lượng vụ việc phải thi hành lớn, trong đó có nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp tồn đọng. Còn những hạn chế, bất cập trong trình tự thủ tục thi hành án; trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong thi hành án dân sự chưa cụ thể, chặt chẽ; bản án tuyên không rõ, không khả thi. Người phải thi hành án không rõ địa chỉ, không có điều kiện thi hành án, không tự giác tuân thủ pháp luật. Việc hoãn thi hành án, kháng nghị thi hành án còn chưa chính xác. Sự chỉ đạo của các ban chỉ đạo thi hành án dân sự chưa kịp thời, có khi chưa đúng luật gây ra ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi hành án. Trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ chấp hành viên chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ... Sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác thi hành án dân sự cũng còn những bất cập. Việc triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, thể chế pháp luật, cơ sở vật chất còn chậm.
Trước những yêu cầu mới của công tác thi hành án dân sự, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ về nhiều mặt từ thể chế, pháp luật, đến cơ chế, chính sách, điều kiện vật chất và nguồn nhân lực có trình độ cao. Trong đó, phải đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đảng đối với công tác thi hành án dân sự ở một số định hướng cơ bản sau:
1- Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn của công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay và sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự.
2- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy cơ sở đối với công tác thi hành án dân sự. Trong đó việc Thành ủy định hướng chính trị đúng về mục tiêu, phương hướng hoạt động trước mắt và lâu dài của công tác thi hành án dân sự là rất quan trọng. Hướng vào việc thực hiện hiệu quả các bản án dân sự, giải quyết dứt điểm các bản án tồn đọng, giữ vững kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân góp phần xây dựng cấp ủy đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
3- Định hướng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Thành ủy và cơ quan thi hành án dân sự về công tác thi hành án dân sự, thực hiện chức năng, quyền hạn của thi hành án dân sự được quy định trong Luật thi hành án dân sự. Tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao đạo đức xã hội và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
4- Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự cấp trên, lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ của thi hành án dân sự, từng bước tạo ra đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự trẻ, có cơ cấu hợp lý, có chất lượng. Thực hiện nghiêm nguyên tắc: Thành ủy thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của thi hành án dân sự theo phân cấp quản lý. Đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự trong việc xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của công tác thi hành án dân sự và địa phương.
5- Xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức thi hành án dân sự từ thành phố đến cơ sở, tập trung củng cố các tổ chức thi hành án dân sự yếu kém, chỉ đạo kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp đáp ứng với yêu cầu mới.
6- Lãnh đạo đổi mới hình thức hoạt động, tập trung hơn vào việc xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp hoạt động các thành viên trong Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Chỉ đạo thi hành án dân sự quy chế hoá cách làm việc, chương trình hoá công việc và từng bước hiện đại hóa phương tiện làm việc.
7- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy đối với thi hành án dân sự, tập trung vào xây dựng các quy chế lãnh đạo giữa Ban Thường vụ Thành ủy với Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, sắp xếp, bố trí một đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách nội chính của chính quyền làm trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự.
8- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, quyết định của Thành ủy, đồng thời coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác và hoạt động của thi hành án dân sự và cần được duy trì thành nề nếp và phải thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức.
Lê Quang Tiến
Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội