Để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay, cần quán triệt và thực hiện tốt theo phương hướng sau:
1. Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn
Hình thành nền nông nghiệp hàng hoá lớn ở nông thôn, có khả năng cạnh tranh cao, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá nông thôn ở trong và ngoài nước, củng cố vị thế của các hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới.
Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế nông thôn và cơ cấu nội tại của các ngành đó theo hướng coi trọng giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng và hiệu quả theo điều kiện cụ thể của mỗi vùng. Trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng toàn dụng, có hiệu quả nguồn nhân lực ở nông thôn và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho CNH, HĐH đất nước.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, sử dụng khoa học-công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thủy lợi hóa, cơ khí hiện đại, thông tin hóa… thay thế lao động thủ công, thay đổi phương thức canh tác lạc hậu để sử dụng đất đai, tài nguyên, lao động có hiệu quả. Phát triển trồng trọt, tạo ra khu vực chuyên sản xuất hàng hóa, thâm canh, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại của hộ gia đình và tổ sản xuất. Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo rừng… đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gần với khu vực có tài nguyên và thị trường.
Tăng cường chế biến thành phẩm. Đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề ở nông thôn; khuyến khích sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ động - thực vật; phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nhanh và nâng cao dịch vụ nông thôn, có các chính sách ưu tiên về thuế, thanh toán, dịch vụ tài chính - ngân hàng... Đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
2. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với việc xây dựng đô thị ở nông thôn
Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước ở vùng thường xuyên bị khô hạn; phát triển thủy lợi nhỏ kết hợp với thủy điện ở vùng núi bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho cây trồng, nuôi trồng thủy sản và các loại cây có giá trị kinh tế cao, cấp nước cho dân cư và công nghiệp, dịch vụ. Củng cố hệ thống đê sông, hệ thống chống nước cạn, lũ lụt; xây dựng và hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý thủy lợi có hiệu quả, nâng cao năng suất sử dụng các công trình thủy lợi. Phát triển giao thông nông thôn, cứng hóa đường giao thông nông thôn, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng trước đây để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.
Quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ đến các vùng trung du, miền núi để phát triển công nghiệp và đô thị. Thường xuyên nâng cao chất lượng giao thông nông thôn. Phát triển giao thông đường thủy, xây dựng các cảng và các phương tiện vận tải thủy. Phát triển mạng lưới điện, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng hệ thống chợ nông sản, hội chợ phù hợp với từng vùng. Quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với khu công nghiệp, dịch vụ và phát triển thành thị ở các vùng nông thôn.
Thực hiện chương trình nông thôn mới gắn với sắp xếp lại các làng, xã phù hợp với đặc điểm từng vùng. Xây dựng các thôn, xóm gắn với phát triển mạng lưới thị trấn theo quy hoạch, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư; thực hiện tốt chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có công.
Quy hoạch lại dân cư ở những vùng không có điều kiện sinh sống làm ăn, những vùng hay gặp thiên tai; quy hoạch nghề tại chỗ cho nhân dân.
Triển khai xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, công trình giảm ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu. Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh nông thôn, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Tập trung xây dựng, thành lập các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ sở chuyển giao khoa học - công nghệ nông nghiệp trong từng khu vực; phát triển nhanh các trung tâm, trạm giống, cơ sở khuyến khích nông nghiệp ở các huyện, xã, thôn. Đầu tư nâng cấp mạng lưới trung tâm y tế xã, huyện, xây dựng phòng khám và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, trường học ở các xã, thôn, nhà trẻ, nhà văn hóa, thể thao tại thôn, xóm.
3. Củng cố các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn
Cần tiếp tục đổi mới,cụ thể hóa chính sách phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển mối liên hệ giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, các hội, nhất là hội thương mại hoặc đơn vị dịch vụ thu mua sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ gia đình.
Có chính sách cho các doanh nghiệp phát triển, cấp vốn, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn. Rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất rừng, thu hồi đất rừng sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, giao lại cho các tổ chức, cá nhân thuê và sử dụng có hiệu quả.
Tạo môi trường thuận lợi để phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng các nguyên liệu và thu hút nhiều lao động; phát triển mạnh doanh nghiệp công nghiệp chế tạo máy, vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức lại hợp tác xã, hỗ trợ kinh tế tập thể và đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo lao động. Tăng cường phân cấp thu và quản lý ngân sách cho các địa phương, bao gồm cả cấp huyện và xã; ưu tiên cho vay vốn lãi thấp cho nông dân, giảm hoặc không thu thuế trong khoảng thời gian thích hợp để nông dân có thể vươn lên tự phát triển. Tiếp tục thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản phù hợp với luật pháp quốc tế. Nghiên cứu ban hành chính sách giá cả nông sản, nhất là giá các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao và sản lượng xuất khẩu nhiều.
4. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
Cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy việc chuyển giao và ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ; cải tiến cơ chế quản lý khoa học, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ sinh học để đưa nông nghiệp, nông thôn vươn lên đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.
Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn, xây dựng các vùng sản xuất nông sản không có hóa chất, sản phẩm an toàn.
Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xây dựng trường dạy nghề và nâng cao chất lượng dạy nghề, mở rộng các chương trình bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, phát triển nhiều hình thức hợp tác sản xuất nông nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật, giao thông vận tải, sửa chữa, chế biến, cơ khí nhỏ sử dụng tại chỗ… hợp tác với các nước để xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động; tăng thu từ ngành nghề khác không phải nông nghiệp cho dân cư nông thôn.
Cần có chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề.
5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng ở nông thôn
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện ở nông thôn; củng cố nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.
Tổ chức đảng phải chú trọng khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu của nông dân, xứng đáng là chủ thể sáng tạo, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai đồng bộ thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước với nội dung thiết thực; chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thanh thiếu niên và nhi đồng. Xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
ThS. Nguyễn Thị Tố Uyên
Học viện Xây dựng Đảng