Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có tuyến biên giới giáp tỉnh Pờ-rây-veng (Căm-pu-chia) dài 48,7 km, trong đó biên giới đường thuỷ dài 38,1 km, đường bộ dài 10,6 km. Đồng Tháp có 9 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố với 144 xã, phường, thị trấn; riêng khu vực biên giới có 2 huyện và 1 thị xã với 8 xã có đường biên giới giáp với Căm-pu-chia và dân số khoảng 94.000 người.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ (BVCTNB) luôn được Tỉnh uỷ Đồng Tháp quan tâm, đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 12-6-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới”; Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị “một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Những năm gần đây, Tỉnh uỷ Đồng Tháp ban hành nhiều chủ trương, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BVCTNB. Ngày 24-3-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 467-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo công tác nhân quyền, tôn giáo và an ninh tư tưởng văn hoá tỉnh. Thực hiện Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới, ngày 24-4-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU đề ra nhiệm vụ và giải pháp để chủ động phòng ngừa, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Nhằm tăng cường công tác bảo vệ bí mật trong thông tin liên lạc, ngày 6-5-2010, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Công văn số 572-CV/TU về việc quản lý thiết bị điện tử không dây lắp đặt vào máy tính, mạng máy tính ở các cơ quan, bộ phận, trọng yếu cơ mật. Ngày 3-4-2008, Tỉnh ủy ra Quyết định số 312-QĐ/TU về quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ BVCTNB giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Uỷ ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Quân sự, Đảng ủy Công an, Đảng ủy Bộ đội biên phòng và Ban cán sự đảng UBND tỉnh...
Trên cơ sở những chủ trương của Tỉnh ủy, cấp uỷ các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã nhận thức đầy đủ hơn công tác BVCTNB trong tình hình mới. Từ đó tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời phát hiện, uốn nắn kịp thời tư tưởng bi quan, dao động, mơ hồ, mất cảnh giác trong đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của địch.
Hiện nay, các cấp uỷ cơ bản nắm vững lịch sử chính trị của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từng bước làm trong sạch chính trị nội bộ, làm tốt công tác thẩm định tiêu chuẩn chính trị đầu vào: vào Đảng, vào cơ quan, bộ phận trọng yếu cơ mật, vào cấp ủy, bố trí làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt... Cấp ủy cơ sở đã tăng cường công tác quản lý đảng viên, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh có liên quan đến chính trị nội bộ. Kiên quyết ngăn chặn, không để những phần tử cơ hội chính trị, phản động chui vào nội bộ Đảng.
Gắn kết chặt công tác BVCTNB với công tác xây dựng đảng, các cấp uỷ triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình, thủ tục của Trung ương về công tác cán bộ, nhất là ở khâu đầu vào, tuyển chọn, bố trí luôn đảm bảo độ tin cậy về chính trị. Đối với những trường hợp vào cơ quan trọng yếu, cơ mật đều được bộ phận BVCTNB thẩm định cho ý kiến trước khi tuyển dụng. Trong công tác phát triển đảng viên, các cấp uỷ thận trọng hơn khi xem xét tiêu chuẩn chính trị của người xin vào Đảng. Với những người có vấn đề lịch sử chính trị nhưng tâm huyết, có mục đích, động cơ tốt phấn đấu vào Đảng, các cấp ủy xem xét cẩn thận, đánh giá từng trường hợp cụ thể, căn cứ quá trình rèn luyện, phấn đấu của bản thân, đánh giá độ tin cậy về mặt chính trị và động cơ vào Đảng để quyết định.
Các trường hợp vi phạm những điều trong Quy định 57 đều được thẩm tra, xác minh đủ cơ sở chứng cứ xác thực mới kết luận cụ thể, không xử lý oan sai cán bộ, đảng viên có vấn đề lịch sử chính trị. Những trường hợp sau khi xử lý, được bố trí nhiệm vụ thích hợp để cán bộ, đảng viên có điều kiện tiếp tục cống hiến; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, từng bước khắc phục tình trạng giản đơn, vận dụng tuỳ tiện hoặc máy móc, thành kiến, hẹp hòi khi xem xét, kết luận về chính trị của cán bộ, đảng viên. Bảo đảm trong sạch nội bộ, không để địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ.
Sự phối hợp hoạt động giữa cơ quan chuyên trách công tác BVCTNB đảng với bộ phận chuyên trách bảo vệ an ninh chính trị trong các lực lượng vũ trang của tỉnh tích cực và đồng bộ hơn. Qua đó đã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, không để những phần tử cơ hội chính trị, phản động bên ngoài có điều kiện tập hợp lực lượng hoạt động chống phá Đảng, chống phá chính quyền. Việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các cấp chính quyền tỉnh Pờ-rây-veng đã tạo môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực biên giới, có điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng chống các hoạt động chống phá của các tổ chức phản động trong người Việt lưu vong ở địa bàn Căm-pu-chia; phối hợp giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh giữa nhân dân hai bên biên giới, góp phần ngăn chặn, vô hiệu hoá âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách gây chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, lâu dài của chính quyền và nhân dân hai nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác BVCTNB tại Đồng Tháp vẫn bộc lộ những hạn chế: Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, dao động trước mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hoài nghi con đường đi lên CNXH; một số cấp ủy, tổ chức đảng còn nhận thức chưa đúng tác hại của âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn buông lỏng; công tác rà soát chính trị nội bộ chưa được thường xuyên. Trong quá trình rà soát chính trị nội bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn đặt nặng vấn đề lịch sử chính trị, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề chính trị hiện nay. Từ đó, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả công tác BVCTNB.
Bên cạnh đó, tình hình liên quan đến công tác bảo vệ chính trị còn có những vấn đề phức tạp: Lợi dụng địa bàn biên giới, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động xâm nhập phá hoại; tuyên truyền chiến tranh tâm lý, xuyên tạc lịch sử vùng đất Tây Nam bộ, phá hoại việc thực hiện hiệp định phân giới cắm mốc biên giới quốc gia giữa Việt Nam - Căm-pu-chia ở địa bàn tỉnh; kích động hằn thù dân tộc, tư tưởng ly khai; lợi dụng vấn đề biên giới, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, kích động những phần tử phản động, cơ hội chính trị, những phần tử cực đoan trong một số tôn giáo trên địa bàn ủng hộ các phần tử chống đối để gây rối. Lợi dụng việc tranh chấp đất đai của người dân chưa được giải quyết thoả đáng, lôi kéo, xúi giục khiếu kiện đông người, gây mất an ninh chính trị ở địa phương.
Để tăng cường công tác BVCTNB, thời gian tới các cấp ủy ở Đồng Tháp tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BVCTNB, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác BVCTNB. Qua đó nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng trong toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác BVCTNB trong tình hình mới, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.
Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng - chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện và khắc phục những sơ hở, yếu kém không để địch lợi dụng thâm nhập, phá hoại nội bộ. Chú trọng công tác đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”; kiểm soát, vô hiệu hóa các hoạt động thu thập tình báo của cơ quan nước ngoài; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động thâm nhập, cài cắm người vào nội bộ của địch.
Ba là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy định 57-QĐ/TW của Bộ Chính trị, chủ động ngăn chặn không để lọt những trường hợp không đủ tiêu chuẩn về chính trị vào Đảng, vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội; chủ động phòng ngừa cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, mất cảnh giác để các thế lực thù địch móc nối, mua chuộc.
Bốn là, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ công tác BVCTNB, nắm chắc tình hình chính trị nội bộ và kết quả công tác BVCCTNB ở từng địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện những sơ hở, mất cảnh giác của cán bộ, đảng viên và những biểu hiện sai trái về quan điểm, tư tưởng, đạo đức, lối sống... để báo cáo cấp ủy tiến hành thẩm tra và giáo dục, kiểm điểm xử lý kịp thời, không để khuyết điểm về đạo đức, lối sống dẫn cán bộ đến thoái hoá biến chất về chính trị.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác BVCTNB.
Cao Thanh Xuân
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Tháp