Từ đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, tập trung chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ cấp tỉnh
Đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXV trao đổi trong giờ giải lao.

Trước đó, theo báo cáo của 67/67 tỉnh ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đã có 89 đảng bộ cấp huyện (6,31 %) thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy; 28 tỉnh chọn 1 đảng bộ cấp huyện và 9 tỉnh lựa chọn 2 đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Một số tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh chọn nhiều đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. 27/67 tỉnh không tổ chức đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy.

Đại hội của hầu hết các đảng bộ diễn ra trong 2,5 ngày (gồm cả phiên trù bị). Ninh Bình, Lai Châu tổ chức đại hội cấp huyện trong 3 ngày. Đa số các đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở ở Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Quân đội diễn ra trong 1,5 ngày. Hầu hết các đại hội tiến hành đủ 4 nội dung theo Chỉ thị số 36-CT/TW. Riêng Đảng bộ Ngoài nước do đặc thù nên các chi bộ, đảng bộ trực thuộc ở ngoài nước chỉ tổ chức đại hội hoặc hội nghị với 2 nội dung.

Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Dự thảo văn kiện đã được các cấp ủy chủ động chuẩn bị sớm, tổ chức thảo luận nhiều lần trong cấp ủy và lấy ý kiến tham gia rộng rãi. Nội dung của báo cáo chính trị bám sát đặc điểm địa phương, đơn vị, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có phụ lục số liệu so sánh các chỉ tiêu chủ yếu của cả nhiệm kỳ. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy chú trọng ưu, khuyết điểm, hạn chế, trách nhiệm của tập thể BCH, BTV, thường trực cấp ủy và trách nhiệm cụ thể của đồng chí bí thư, phó bí thư trong nhiệm kỳ.

Thảo luận báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy tại đại hội được thực hiện ở hội trường, trung bình mỗi đại hội có khoảng 8-12 ý kiến. Một số nơi (Ba Chẽ - Quảng Ninh, Tương Dương-Nghệ An…) có nhiều ý kiến thảo luận. Các ý kiến của đại biểu đồng tình với báo kiểm điểm của cấp ủy. Một số ý kiến tham gia làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm tập thể cấp uỷ cũng như từng cấp ủy viên trên các lĩnh vực công tác được phân công phụ trách, nhất là việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ của đảng bộ. Nhiều ý kiến đã được đoàn chủ tịch tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo chính trị, dự thảo nghị quyết đại hội với những mục tiêu, giải pháp lớn được đại hội thông qua. Tại đại hội đều tổ chức thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp tỉnh. Đại hội đã thống nhất thông qua toàn văn báo cáo tổng hợp với tỷ lệ cao.

Chuẩn bị nhân sự và tiến hành bầu cử đúng quy trình, cơ bản bảo đảm tốt yêu cầu về tiêu chuẩn và số lượng theo Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Ứng cử, đề cử thực hiện ở các tổ. Tỷ lệ số dư trong danh sách bầu cử cơ bản bảo đảm theo quy định của Trung ương. Một số đại hội, chẳng hạn, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh số dư cao (29,6%). Hầu hết các đại hội đảng bộ không có ứng cử, đề cử ngoài danh sách nhân sự do cấp uỷ chuẩn bị, bầu chỉ một lần đủ số lượng BCH. Trong thời gian đại hội, cấp ủy khóa mới tổ chức họp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Số lượng ban thường vụ được bầu ở các đảng ủy từ 11 đến 15 đồng chí. Đa số danh sách bầu ban thường vụ đều bảo đảm số dư từ 10-15%.

Tổng số cấp ủy khóa mới có 36.778 đồng chí, trong đó, số cấp ủy viên tham gia lần đầu 10.896 (29,77%, nhiệm kỳ trước 41,2%). Các đảng bộ đạt tỉ lệ cấp ủy viên tham gia lần đầu trên 1/3 là: Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương (51,2%), Bình Định (46,2%), Lạng Sơn (39,6%), Cao Bằng (38,7%), Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (37,9%).

Cấp ủy viên nữ có 5.082 đồng chí (14,3%  nhiệm kỳ trước 14%). Có 25/67 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ trên 15%: TP. Hồ Chí Minh 25%, Bình Dương 24%, Lạng Sơn 21%, Bắc Cạn 19,8%, Tuyên Quang 19%… Cấp ủy viên trẻ (dưới 35 tuổi) có 2.496 đồng chí (7,05% nhiệm kỳ trước 8,6%). Có 9/67 tỉnh đạt tỉ lệ cấp ủy viên trẻ trên 10%: Lai Châu 14,3%, Lạng Sơn 12,4%, Sơn La 12%, Gia Lai 11,7%, Tuyên Quang 11,3%… Những nơi tỷ lệ cấp ủy viên trẻ thấp dưới 5%) là: Thái Bình 4,6%, Hải Dương 4,8%, Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương 2,1%, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương 2,9%. Cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số là 4.009 đồng chí (11,1%) tương đương với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số. Những nơi có tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số cao là: Cao Bằng 88,1%, Bắc Kạn 70,8%,  Lạng Sơn 69,2%, Hòa Bình 61,7%, Sơn La 40,6%, Tuyên Quang 38,1%...

Cấp ủy viên có trình độ đại học trở lên là 33.438 đồng chí (93,6%, nhiệm kỳ trước 87%). Nhiều đảng bộ đạt tỷ lệ 100%: Khối Các cơ quan Trung ương, Đồng Nai, Trà Vinh, Long An, Phú Thọ, Hải Dương. Cấp ủy viên có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị là 28.116 đồng chí (77,8%, nhiệm kỳ trước 66,8%). Những nơi đạt tỷ lệ cao: Đồng Nai 98,7%, Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương 94%, Kiên Giang 91,6%, Quảng Nam 91%, Tiền Giang 87,3%, Phú Thọ 87%, Thái Bình 83,9%, Hà Nam 82,8%, Quảng Ninh 82,3%. Tuổi bình quân cấp ủy viên là 46. Một số nơi có tuổi bình quân cao: Đồng Tháp 54, Quảng Ngãi 49,9; Đà Nẵng 47,6. Địa phương có tuổi bình quân thấp: Kiên Giang 42,2 , Nghệ An 43,7, Phú Thọ 43,8.

Số cấp ủy viên đương nhiệm được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử là 405 đồng chí. Có 27 ủy viên ban thường vụ bầu khác dự kiến của đề án nhân sự. Một số đại hội, đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử. Bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên đúng quy chế, đủ số lượng được phân bổ. Đại biểu được bầu đều bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, tỷ lệ phiếu bầu trúng cử cao.

Từ kết quả đại hội cho thấy:

Quá trình chuẩn bị tiến hành đại hội, các đảng bộ cấp huyện đã quán triệt, chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, hướng dẫn của cấp trên, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy trách nhiệm của từng cấp ủy viên, các cơ quan tham mưu và toàn đảng bộ. Việc xây dựng và thảo luận văn kiện trình đại hội ở nhiệm kỳ này đã có đổi mới, tổ chức lấy ý kiến tham gia văn kiện có nhiều tiến bộ. Các cấp ủy làm tốt công tác tư tưởng, ý thức, trách nhiệm chính trị cho đại biểu, nhất là những nơi có khó khăn. Nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, phát huy được trí tuệ của đại biểu, tạo được không khí phấn khởi, dân chủ, đoàn kết tại đại hội cũng như trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp uỷ được thực hiện dân chủ, khách quan, đúng quy trình, hướng dẫn và được cấp ủy cấp trên trực tiếp thẩm định, phê duyệt. Trình độ học vấn, lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Công tác bầu cử được thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục. Phần lớn các đồng chí cấp ủy viên đương nhiệm được giới thiệu tái cử được đại hội tín nhiệm bầu vào BCH khóa mới. Cán bộ chủ chốt cơ bản trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao (86-100%).

Công tác tổ chức đại hội, điều hành của đoàn chủ tịch đại hội, hoạt động của các cơ quan như đoàn thư ký, ban kiểm phiếu, ban thẩm tra tư cách đại biểu cơ bản đảm bảo yêu cầu, đúng quy chế bầu cử và quy chế làm việc của đại hội. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh và bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ đại hội.

Tuy nhiên, việc chỉ đạo, tổ chức đảng bộ cấp huyện còn những hạn chế: Ở một số đảng bộ, việc chuẩn bị văn kiện nội dung chưa đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc ở địa phương, đơn vị. Một số chỉ tiêu, giải pháp chưa đồng bộ, chưa khoa học và thiếu tính khả thi. Có nơi báo cáo kiểm điểm của cấp ủy còn trùng  với báo cáo chính trị, nội dung còn nặng về kiểm điểm tình hình, chưa kiểm điểm thật rõ nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Nội dung báo cáo chú trọng nhiều về kinh tế - xã hội, ít đánh giá về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị.  Thời gian dành cho thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện tại đại hội  ít, ý kiến phát biểu tại đại hội chưa nhiều, mang tính một chiều, hình thức, nặng về báo cáo thành tích của địa phương đơn vị, ít tranh luận. Ít ý kiến tham luận về công tác xây dựng đảng. Ý kiến tham góp vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên còn chung chung, nhiều nơi chỉ thông qua báo cáo tổng hợp góp ý của các đại hội cấp dưới. Việc thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy cấp trên trực tiếp còn nhiều hạn chế, có nơi không tổ chức thảo luận.

Tỉ lệ cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ cấp uỷ viên trẻ đạt thấp. Số dư bầu BTV cấp ủy một số nơi không bảo đảm quy định. Bầu thiếu cấp ủy viên (422) ủy viên ban thường vụ (228) so với số lượng đại hội quyết định. Quy trình, thủ tục thực hiện thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội chưa thống nhất giữa các văn bản và còn có điểm chưa thật hợp lý.

Nguyên nhân hạn chế là do một số cấp uỷ cấp tỉnh có lúc, có nơi chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đại hội đảng bộ cấp huyện nhất là đối với một số đảng bộ có khó khăn, mất đoàn kết.Một số cấp uỷ cấp huyện chưa quán triệt rõ Chỉ thị 36, Hướng dẫn 26, Quy chế bầu cử trong Đảng và các quy định hướng dẫn của Trung ương nên trong tổ chức đại hội còn lúng túng. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương ban hành chưa kịp thời, có điểm chưa thống nhất.

Để chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ cấp tỉnh cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:  

1. Cấp ủy các cấp cần phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên để thực hiện đúng. Đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể địa phương, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy viên phụ trách, chỉ đạo đối với từng đảng bộ. Cấp ủy cần chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của đảng viên, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.

2. Cấp ủy triệu tập đại hội cần chủ động chuẩn bị tốt các nội dung của đại hội theo quy định; phát huy dân chủ, lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân. Trong đại hội phát huy trí tuệ tập thể để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện. Thời gian đại hội cần được bố trí cân đối nội dung về nhân sự và nội dung thảo luận, quyết định về các văn kiện.

3. Công tác chuẩn bị nhân sự cần thực sự phát huy dân chủ, thực hiện chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc, đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương. Cấp ủy các cấp cần bám sát nội dung, yêu cầu Chỉ thị số 36- CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Quy chế bầu cử trong Đảng để bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên. Đề cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy, phát huy trí tuệ của đại biểu đại hội. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng, những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, những ý kiến thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân đều phải được giải quyết kịp thời, tạo sự ổn định tư tưởng trước khi vào đại hội. Đối với cán bộ nữ, trẻ đủ điều kiện cơ cấu vào cấp uỷ khoá mới cần sớm rà soát quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bố trí vị trí công tác phù hợp.

4. Nhân sự tham gia đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban kiểm phiếu phải là những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, nắm chắc nguyên tắc, trình tự điều hành đại hội, đặc biệt thủ tục bầu cử, trình bày rõ ràng, mạch lạc và bảo đảm thời gian dự kiến.

5. Cần tổ chức tốt đại hội điểm và tổ chức rút kinh nghiệm trước khi thực hiện đại trà.

Qua đại hội đảng bộ cấp huyện, Ban Tổ chức Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề sau:

Cần sớm tổng kết thí điểm đại hội cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy để có chủ trương thống nhất trong toàn Đảng có tiếp tục hay không. Nghiên cứu sửa đổi các bước tiến hành đại hội trong Hướng dẫn 01 của Ban Bí thư theo hướng phù hợp với thực tiễn. Sửa đổi quy định về quy trình lấy phiếu giới thiệu chức danh bí thư cấp ủy thống nhất theo Quy chế bầu cử trong Đảng. Nghiên cứu hướng dẫn cụ thể cách thức thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy cấp trên để thực hiện được thuận lợi và thống nhất tại đại hội đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ tới. Nghiên cứu hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chủ trương bố trí 9 chức danh không phải là người địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất