Vang mãi Tuyên ngôn độc lập

Tuyên ngôn độc lập là một áng văn bất hủ, tiếp nối truyền thống bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính lời lẽ của tổ tiên người Mỹ, người Pháp đã được ghi trong 2 bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Viện dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khéo léo, vừa kiên quyết, thể hiện sự nối tiếp văn hóa nhân dân loại và quyền bình đẳng, tự do, độc lập giữa các dân tộc. Trên cơ sở đó, Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Không chỉ khẳng định sự ngang bằng độc lập, tự do và quyền dân tộc thiêng liêng bình đẳng giữa quốc gia, dân tộc và Người còn đưa ra quyết tâm ở bản Tuyên ngôn độc lập bằng lời thề đanh thép: “Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ!”, cả biển người đồng thanh hô vang: “Xin thề!”.


Tư tưởng này là Lời thề độc lập - lời thề giữ nước của dân tộc Việt Nam! Lời thề thiêng liêng và tinh thần bất diệt của mùa Thu cách mạng Tháng Tám cũng như nền độc lập, tự do trong Tuyên ngôn độc lập vang vọng khắp non sông đất nước, bay cao, bay ra trên trường quốc tế, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để mọi người dân Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử, quyết tâm giữ vững và bảo vệ nền tự do, độc lập vừa giành được.

Niềm vui độc lập dân tộc chưa được bao lâu, nhà nước cộng hòa non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu buộc phải bước tiếp vào cuộc “trường chinh” chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do. Chính quyền cách mạng còn non trẻ đứng trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”, mong manh trước sức mạnh của “các loại” kẻ thù, đã tìm mọi cách để nhân nhượng, hòa hiểu dân tộc nhằm bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do vừa giành được. Song, chúng ta càng nhân nhượng, thì kẻ thù càng lần tới, chúng muốn cướp nước ta một lần nữa. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vang lên giữa mùa đông giá rét, kêu gọi toàn thể dân tộc thực hiện lời thế giữ nước: Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Sức mạnh của Lời thề giữ nước được mở đầu vào một tối mùa đông năm 1946, khi công nhân nhà máy điện Yên Phụ cắt điện làm hiệu lệnh, những khẩu pháo của quân dân Hà Nội tại Pháo đài Láng đã gầm vang, báo hiệu cuộc kháng chiến mới của dân tộc bắt đầu. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” một lần nữa làm bùng cháy ngọn lửa yêu nước trong trái tim toàn thể dân tộc Việt Nam. Cả nước “không phân biệt già, trẻ, gái trai, tôn giáo…” dưới ngọn cờ của Đảng cầm gươm, cầm súng đứng lên để giữ gìn những giá trị thiêng liêng, giữ gìn phẩm giá của công dân một đất nước độc lập, tự do. Tổ quốc những ngày tháng bi hùng ấy, các phố phường, làng mạc đều trở thành chiến lũy ngăn bước quân thù, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp, đưa Chính phủ kháng chiến trở về “Thủ đô gió ngàn” để rồi 9 năm sau Lời thề giữ nước của dân tộc Việt Nam được chứng minh bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cả nước mừng vui, Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón những người con thân yêu năm 1946 ra đi “Đầu không ngoảnh lại” với Lời thề sắt son, sẽ trở về giải phóng Thủ đô. Niềm vui ấy như vỡ òa khi Chính phủ kháng chiến trở về, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi, miền vui ấy chưa được bao lâu, cả nước tiếp tục bước vào cuộc trường chính thử lửa mới, đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hơn hai mươi năm là thời gian ròng rã cả nước chung lòng đấu cật chia lửa cùng miền Nam “vì miền Nam ruột thịt, miền Bắc nhiều đêm không ngủ”, giành lại sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng. Trong rừng sâu, giữa biển cả, dưới mưa bom bão đạn, cả nước hướng về thủ đô yêu dấu, nơi ấy có Trung ương Đảng, có Bác Hồ, nơi từng vang lên Lời thề giữ vững nền độc lập từ mùa Thu cách mạng. Vì mục tiêu, lý tưởng thiêng liêng ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, trước khi ngã xuống trước bom đạn quân thù, vẫn thiết tha mong muốn “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất trên nền tảng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là chiến thắng của sự gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

Cả nước bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước và hội nhập sâu và nền kinh tế thế giới. Đứng trước xu thế toàn cầu hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế bên cạnh thuận lợi để phát triển đất nước, Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng không nhỏ của chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang... Không ít các thế lực bên ngoài đang ngày đêm rình rập, xâm phạm nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước tình hình đó, Đảng ta chỉ rõ: Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước không một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không được một phút lơ lỏng, mất cảnh giác trên “sân chơi” quốc tế. Trên sân chơi quốc tế, Đảng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tranh thủ “đối tác” đấu tranh với đối tượng” để phát triển đất nước và bảo vệ vững nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Lời thề độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước trong Tuyên ngôn độc lập không chỉ trở thành ý chí của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay mà còn được “luật hóa” trong Hiến pháp năm 2013: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Thấm nhuần lời thề độc lập và lời dạy giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất