Truyền thống hơn 2.000 năm hiện diện trong lòng đất Việt, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc vì sự nghiệp dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất của đất trời, trăm hoa đua nở, vạn vật bừng lên sức sống tốt tươi. Với Phật giáo, xuân còn là tâm an lạc và giải thoát của phật tử. Phải chăng đó cũng là xuân của lòng người, của niềm tin, hy vọng hướng tới tương lai tươi sáng.
Truyền thống hơn 2.000 năm hiện diện trong lòng đất Việt, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc vì sự nghiệp dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhiều vương triều thuở trước đã nương theo lời dạy của Phật để xây dựng xã hội phát triển tốt đẹp, đặc biệt là thời Lý - Trần. Từng có thời kỳ đạo Phật đã được coi là quốc đạo. Với tinh thần “Tuỳ thuận thế duyên vô quái ngại” Phật giáo đã sớm hội nhập vào đời sống của dân tộc Việt Nam, lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui của chính mình, coi nỗi đau của nhân dân, của dân tộc là nỗi đau của chính mình. Vì vậy, trải qua giai đoạn lịch sử khá dài gần một trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, không phân biệt hoà thượng, thượng toạ, đại đức hay tăng ni, phật tử, mọi người đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước mong tìm đường hướng mang lại hạnh phúc cho chúng sinh, phật tử.
Và may mắn thay, sau những năm bôn ba từ Á sang Âu rồi châu Mỹ, châu Phi để tìm đường cứu nước, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam là Nguyễn Ái Quôc - Hồ Chí Minh, từ một nhà yêu nước trở thành người cộng sản đã cùng những học trò xuất sắc của Người đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930 - đúng vào mùa Xuân Canh Ngọ (sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay lại trở về với tên ban đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cùng với sự ra đời của Đảng cách mạng thì Mặt trận Việt Minh (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ra đời nhằm đoàn kết toàn dân ta vào sự nghiệp chống giặc ngoại xâm cứu nước. Trong những thời khắc lịch sử đó, giới Phật giáo Việt Nam đã hoà mình vô điều kiện vào các phong trào. Bởi thực sự đối với Phật giáo yêu nước và cứu nước cũng là cứu lấy chính mình. Trong lịch sử nước nhà đã từng lưu danh thơm những hoà thượng, những phật tử là liệt sỹ, nhiều hoà thượng, thượng toạ đã tham gia và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần vận động, giáo hoá các phật tử, chúng sinh hăng hái tham gia các phong trào phật sự ích nước, lợi đạo.
Ở miền Nam, thời kỳ chống thực dân Pháp phải nhắc đến Tổ Huệ Đăng ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Tổ Chí Thiền ở Châu Đốc (An Giang). Hai vị chân tu này dù tu hành ở vùng đất khá hẻo lánh nhưng với tài đức của mình, các ngài đã thu hút được nhiều tăng ni, phật tử yêu nước về chùa tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra còn có các bậc chân tu tiền bối của giới Phật giáo đã tích cực tham gia hoạt động bí mật như các Hoà thượng Thiện Chiếu, Trí Thượng, Trí Thiền ở chùa Tam Bảo (Rạch Giá); các Hoà thượng Pháp Linh, Pháp Trí ở chùa Thiên Thai (Bà Rịa), Hoà thượng Thái Không ở Trà Vinh đã đi sâu vào phật tử vận động họ góp công, góp của để xây dựng phong trào mà cách mạng cần cho công cuộc kháng chiến cứu nước.
Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có các tăng ni, phật tử mà nhiều vị hoà thượng tôn túc đã cởi áo cà sa mặc chiến bào, thoát ly vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp như các Hoà thượng Minh Nguyệt, Pháp Tràng (Mỹ Tho), Bửu Đăng, Pháp Dõng (Gia Định), Thiện Hào (Sài Gòn), Pháp Hoa (Gò Công), Trí độ (Bình Định), Thế Long (Nam Định)... Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa Tp.Sài Gòn, Tp.Huế thường xuyên nổ ra những cuộc xuống đường biểu tình của hằng ngàn, hằng vạn tăng ni, phật tử, có Hoà thượng đã biến chiếc áo cà sa thành giàn hoả thiêu trên thân mình để đòi tự do hành đạo, đòi độc lập dân tộc. Có thể khẳng định rằng, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có biết bao tấm gương hy sinh của các tăng ni, phật tử góp phần cùng toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu và đại thắng mùa Xuân 1975 vang dội năm châu. Ngày 30-4-1975 được xem như mốc son mở đầu một mùa xuân mới của dân tộc Việt Nam: Mùa xuân giành lại độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đây, các tăng ni, phật tử lại cùng nhân dân cả nước “dấn thân” vào cuộc đồng hành mới: xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong giai đoạn lịch sử mới này, các hệ phái Phật giáo Việt Nam đã được thống nhất thành một khối trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đường hướng hoạt động: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Các hoạt động phật sự đều hướng vào ích nước, lợi đạo, độ dân. Đây được xem là đường hướng hoạt động phù hợp với sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đã phát huy tốt truyền thống đồng hành cùng dân tộc, gắn bó, phụng sự dân tộc của giới Phật giáo. Ngày nay, giới Phật giáo được tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục... của đất nước. Hoạt động phật sự của tăng ni, phật tử phát triển ở khắp mọi miền đất nước hoà chung với các phong trào thi đua yêu nước của toàn dân như phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động. Nhờ đó, Phật giáo được chấn hưng cùng những thành tựu đổi mới của đất nước. Cho đến nay, có trên 4 vạn tăng ni và hằng triệu phật tử sinh hoạt trong hàng vạn chùa chiền, tự viện. Đặc biệt là nền giáo dục của Phật giáo phát triển, đạt đến tầng cao mới. Với 4 Học viện và nhiều trường Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp Phật học phát triển ở khắp 3 miền đất nước, đã không chỉ đào tạo được nhiều giáo sư, nhiều giảng viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ mà còn góp phần giáo dục, đào tạo lớp phật tử chân chính, sống đúng tinh thần đạo Phật là sống có ích cho bản thân, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Những thành quả vô cùng tốt đẹp này chính là mùa Xuân của Phật giáo Việt Nam hiện hữu trong mùa Xuân dân tộc.
Cùng nhân dân cả nước, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam mừng xuân Tân Mão trong niềm vui hân hoan đón chào thành công Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi kính chúc Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân hưởng Mùa Xuân của dân tộc vạn sự cát tường như ý.
Hoà thượng Thích Trí Quảng
Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam