Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn chống phá quyết liệt Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, chúng coi phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là một mục tiêu trọng điểm, phủ nhận sạch trơn, xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tư tưởng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác tư tưởng được Đảng coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nội dung chiến lược trong đường lối cách mạng. Đảng đã ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng, lý luận chính trị. Tuy vậy, công tác tư tưởng ngày càng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Để công tác tư tưởng phát huy được vai trò tiên phong, bên cạnh làm tốt công tác giáo dục lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận làm sáng rõ những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn, đang có nhiều ý kiến khác nhau. Đội ngũ cán bộ, tổ chức chuyên trách làm công tác tư tưởng là lực lượng nòng cốt của Đảng, muốn hoàn thành nhiệm vụ phải tự mình nâng cao năng lực, rèn luyện đạo đức, phát huy  vai trò trách nhiệm, có tác phong gần gũi nhân dân, nắm chắc tình hình tư tưởng trong nhân dân để giải thích, uốn nắn kịp thời những tư tưởng sai lệch. Trong  đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động, các cơ quan cần cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin chính thống để mọi người có cơ sở, chủ động. Chấn chỉnh ngay những yếu kém trong: “hoạt động thông tin, tuyên truyền… báo chí”[1], phát huy tối đa các công cụ: đài phát thanh, truyền hình, sách, báo, mạng internet, cùng các phương tiện khác làm cho các hoạt động này đi đúng đường lối, bảo đảm tính thống nhất, nhanh nhạy, hiệu quả. Các cơ quan, ban ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương khắc phục tình trạng tự ý, manh mún.

Hai là, tổ chức đồng bộ hoạt động của các cơ quan hữu quan. Thực hiện chủ trương của Đảng, các hoạt động tổ chức đấu tranh chống các quan điểm phản động đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả đạt được so với yêu cầu còn nhiều hạn chế, bất cập. Biểu hiện ở chỗ nhận thức chưa đúng đắn về vị trí, vai trò của đấu tranh tư tưởng, chống các quan điểm phản động, công tác cung cấp thông tin còn chậm, thiếu tài liệu chính thống, hoạt động đấu tranh còn chủ quan, tự ý, manh mún, mang tính tình thế, công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, năng lực của một số cán bộ, tổ chức chuyên trách chưa cao: “Việc xem xét, giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên còn lúng túng”[2]. Trong công tác tổ chức đấu tranh, cần bảo đảm sự thống nhất, ăn khớp trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới  địa phương.

Để công tác đấu tranh bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ban hành các quy chế quy định thống nhất nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng, nhất là đối với chính quyền, cấp ủy đảng các cấp từ Trung ương tới địa phương. Cung cấp kịp thời cho cấp dưới, cho nhân dân nắm được nội dung, thủ đoạn chống phá, chỉ đạo các cấp thành lập các lực lượng nòng cốt. Các tổ chức đảng luôn phải coi đấu tranh tư tưởng là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, là nhiệm vụ thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, và là tiêu chí  đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng. Để cho hoạt động đấu tranh liên tục, mạnh mẽ, đồng bộ, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực này, nhất là cơ chế quy định về trách nhiệm trong phối kết hợp các lực lượng, giữa lực lượng nghiên cứu với xuất bản sách, báo chí; giữa nghiên cứu với tuyên truyền, giữa tổ chức đảng với chính quyền. Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật làm cơ sở  thống nhất quản lý về các hoạt động báo chí, tuyên truyền, thông tin. Phát hiện, xử lý đúng đắn, kịp thời những kẻ, những tổ chức lợi dụng tuyên truyền để chống đối Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh tư tưởng. Xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh chủ động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chống quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ  tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI,, Nxb CTQG - ST, H. 2012. tr. 36.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2001. tr. 174

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất