Xây dựng đội ngũ bí thư đảng ủy xã ở Đảng bộ Hà Nội

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội, Thủ đô tiếp nhận thêm các đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc tỉnh Hoà Bình. Theo đó, số xã, phường, thị trấn của thành phố tăng từ 232 xã, phường, thị trấn lên 577. Trong đó, 401 xã (69,5%), 154 phường  (26,6%) và 22 thị trấn (3,8%).

Khi hợp nhất, một trong những điều trăn trở lớn của lãnh đạo Thành phố là củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở, trong đó có đội ngũ  bí thư đảng ủy xã. Bởi sau khi hợp nhất, số bí thư đảng ủy xã đông, xuất phát điểm thấp, kiến thức, năng lực còn nhiều bất cập so với đội ngũ bí thư đảng ủy phường, thị trấn. Mặt khác, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là trong lãnh đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới, các đảng bộ xã của thành phố phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ các vấn đề: đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, quản lý đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý xây dựng, quản lý xã hội, trật tự an ninh.v.v…

Từ tầm quan trọng và yêu cầu thực tiễn, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng các chương trình, đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói chung, bí thư đảng ủy xã nói riêng, chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy ban hành kế hoạch, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã  thực hiện. Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng Kế hoạch số 07-KH/BTCTU ngày 10-4-2009 về “Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn các thành phố, quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội”; Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU ngày 24-3-2010 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn. Nội dung của kế hoạch và hướng dẫn bám sát Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”, Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-1-2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 01- CTr/TU ngày 18-8-2011 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015”; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 18-10-2011 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, đặt  mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, có đủ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đạt tiêu chí 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có đủ trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ cấp phường và trên 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học.

Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở cơ sở có chất lượng cao, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 5485 QĐ/UBND ngày 27-11-2012 kèm theo Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015. Đây là một trong những nguồn bổ sung cán bộ chủ chốt cơ sở xã, phường, thị trấn quan trọng của thành phố những năm tới.

Các cấp ủy đảng xác định và có  biện pháp  chỉ đạo một cách đồng bộ, quyết liệt từ Thành phố đến cơ sở nên chất lượng đội ngũ bí thư đảng ủy xã ngày một nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn thành phố hiện có 401 bí thư đảng ủy xã (375 nam, 26 nữ, 7 là người dân tộc thiểu số,169 chuyên trách; 211 đồng thời là chủ tịch HĐND, 21 đồng thời là chủ tịch UBND).

 Số bí thư đảng uỷ xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên là 324 đồng chí (80,8%). Trong đó, số có trình độ trung cấp là 121 (30,2%), cao đẳng 39 (9,7%), đại học trở lên là 164 (40,9%), sơ cấp và chưa được đào tạo chuyên môn còn 77 (19,2%, năm 2008 là 59,5%). Số bí thư đảng ủy xã có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên là 395 đồng chí, đạt 98,5%, số chưa qua đào tạo 6 đồng chí (1,5%). Từ 30-40 tuổi có 27 đồng chí (6,7), từ 41 – 50 tuổi có 165 đồng chí (41,14%) từ 51-60 tuổi có 209 (52,11%). Nhìn chung, đội ngũ bí thư đảng uỷ xã ở TP. Hà Nội đang có xu hướng trẻ hóa, trưởng thành từ cơ sở, từng bước nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Không ít bí thư đảng uỷ xã có tư duy mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhiều bí thư chủ động tháo gỡ khó khăn, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá chất lượng cao, bước đầu gắn sản xuất với thị trường, cung cấp hàng hóa nông sản, thủ công mỹ nghệ cho trung tâm Thủ đô và các tỉnh lân cận, phục vụ xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, tạo những chuyển biến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới ở địa phương.

Từ thực tế, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện tốt các khâu, các bước trong công tác cán bộ. Phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng tiêu chuẩn chức danh bí thư đảng ủy xã cụ thể, rõ, phù hợp với địa phương.

Hai là, tích cực tạo nguồn và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chọn, phát hiện cán bộ nguồn từ xa, chú ý những người đã tốt nghiệp đại học tình nguyện ở lại địa phương, bộ đội xuất ngũ, những hạt nhân trong các phong trào  quần chúng, những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể; đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của chính đội ngũ bí thư đảng ủy đương chức trong xây dựng nguồn kế cận.Có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển đội ngũ bí thư đảng ủy xã cụ thể, rõ ràng.

Ba là, kết hợp chặt chẽ xây dựng đội ngũ bí thư đảng ủy xã với việc xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các đảng bộ xã; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của các tổ chức cơ sở đảng.

Bốn là, phát huy vai trò quần chúng tham gia xây dựng bí thư đảng uỷ xã. Cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát bí thư đảng uỷ xã một cách có hiệu quả, thông qua việc duy trì thực hiện nghiêm quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa cấp ủy đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị, duy trì chế độ giao ban để bí thư đảng ủy xã nghe mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân phản ánh tình hình. Thực hiện tốt việc tiếp dân, tạo điều kiện để nhân dân chất vấn trực tiếp với bí thư đảng ủy về những chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng tổ chức thực hiện tại địa phương.

Năm là, thực hiện tốt chế độ bảo đảm vật chất, động viên tinh thần đối với cán bộ, đây là động lực quan trọng để động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần có quy định hợp lý để thu hút số cán bộ trẻ có trình độ văn hoá, chuyên môn sau đào tạo trở về địa phương công tác, yên tâm phục vụ lâu dài tại địa phương, góp phần trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và bí thư đảng uỷ xã.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất