Ba giải pháp nêu gương xây dựng quân nhân mẫu mực
Bộ đội Biên phòng đi địa bàn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang"[1]. Trước những thời cơ và thách thức của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và xây dựng Quân đội trong tình hình mới, thực sự là lực lượng nòng cốt "giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội" đòi hỏi Quân đội ta phải không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, trong đó lấy xây dựng con người là nhân tố cơ bản. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, củng cố và tăng cường bản lĩnh chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng cho quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những nhiệm vụ thường xuyên.

Nêu gương là hoạt động hằng ngày, diễn ra thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoạt động của quân nhân và tập thể quân nhân. Ở đó, mỗi quân nhân và tập thể quân nhân bằng những chuẩn mực và hành vi đạo đức của mình, thông qua hoạt động thực tiễn để định hướng, xác lập chuẩn mực đạo đức chung của toàn đơn vị. Đồng thời, quá trình đó các giá trị, chuẩn mực, hành vi và quan hệ đạo đức của mỗi quân nhân và tập thể quân nhân ngày càng hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, để nêu gương đạt được hiệu quả cao đòi hỏi mọi quân nhân phải có những chuẩn mực, hành vi và quan hệ đạo đức, có vai trò định hướng trong mọi hoạt động của cá nhân và tập thể và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải có những cách làm hay, bằng nhiều biện pháp phù hợp để nhân rộng các điển hình tiên tiến, làm cho các tấm gương đạo đức thực sự có sức lan tỏa, giáo dục trong đơn vị. Để trở thành quân nhân mẫu mực, hành động nêu gương phải được thể hiện cụ thể trên các mặt sau:

Thứ nhất, mỗi quân nhân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức


Tấm gương về đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên trong đơn vị có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục đạo đức quân nhân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, tác phong công tác, thực sự là những người "vừa hồng, vừa chuyên", là những người "gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Mỗi chỉ huy, lãnh đạo phải là tấm gương tích cực trong đấu tranh tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Đồng thời, mỗi quân nhân trong tự phê bình và phê bình phải "thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Nêu gương về đạo đức trong đơn vị phải được tiến hành thường xuyên, trở thành ý thức tự giác, cấp trên làm gương cho cấp dưới, quân nhân làm gương trước đồng đội. Nêu gương về đạo đức để tập thể ngày càng gắn bó, đoàn kết, chung lòng với nhiệm vụ.

Thứ hai, nêu gương để tăng cường kỷ luật, xây dựng đoàn kết trong và ngoài đơn vị


Tăng cường kỷ luật là cơ sở để đấu tranh chống các tư tưởng, biểu hiện tiêu cực, sai trái, những hành vi vi phạm đạo đức trong đơn vị. Mỗi quân nhân tự giác nêu gương chấp hành kỷ luật quân đội không chỉ là sự cụ thể hóa pháp luật Nhà nước vào trong hoạt động đặc thù – hoạt động quân sự mà chấp hành nghiêm kỷ luật còn là biểu hiện cao đẹp của đạo đức quân nhân và hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ". Tăng cường kỷ luật phải phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên kết hợp với các hoạt động, các phong trào thi đua. Kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm các tư tưởng, hành vi trái với đạo đức quân nhân và động viên, khen thưởng những cá nhân, tập thể có những cách làm hay, hành động đẹp trong hoạt động thực tiễn. Có như vậy hành động nêu gương mới ý nghĩa và bền vững trong nâng cao đạo đức quân nhân.

Thứ ba, mọi quân nhân phải trở thành tấm gương trong công tác


Mỗi quân nhân phải trở thành tấm gương trong công tác. Hoạt động quân sự đòi hỏi cao tinh thần tập thể, bằng hoạt động thực tiễn của mỗi quân nhân. Hăng hái công tác, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trên giao, "chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm"; những tấm gương ấy có sức lan tỏa to lớn, góp phần tạo nên động lực phấn đấu của cả tập thể, góp phần hình thành nên phong trào.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới đòi hỏi ngày càng cao những phẩm chất chuẩn mực của quân nhân, trong đó, chuẩn mực đạo đức là tiêu chí cao nhất. Để xứng đáng là người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mỗi quân nhân phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ toàn diện, thấm nhuần tư tưởng "đạo đức là cái gốc của người quân nhân cách mạng". Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời, tạo nên sức mạnh to lớn của quân đội cách mạng.

---------------------------------------
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, tập 9, tr. 283, 293


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất