Nam Định tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với mặt trận Tổ quốc
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức MTTQ các cấp của tỉnh Nam Định đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Hoạt động của MTTQ ngày càng đi vào chiều sâu với những nội dung cụ thể, thiết thực; góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; tạo sự thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi địa phương.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với MTTQ trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu tất yếu, để MTTQ thực sự làm tốt vai trò là cơ sở chính trị, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy đảng, chính quyền; đại diện cho ý chí, trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân. Từ thực tế lãnh đạo của các cấp ủy đối với MTTQ ở Nam Định vừa qua, rút ra một số vấn đề sau:

Một là, cấp ủy đề ra các chỉ thị, nghị quyết đúng đắn lãnh đạo mặt trận trong từng thời kỳ. Nội dung lãnh đạo của cấp ủy thể hiện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; làm rõ vai trò, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của MTTQ theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị do cấp ủy đề ra.

Hai là, lãnh đạo mặt trận đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng về cơ sở, đem lại những giá trị thiết thực, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp nhân dân. Lãnh đạo MTTQ phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc tại mỗi địa phương và đem lại những kết quả thiết thực cho các tầng lớp nhân dân, nhằm tăng cường đoàn kết, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Ba là, lãnh đạo chính quyền thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy về công tác mặt trận, đảm bảo cho mọi hoạt động của mặt trận hiệu quả theo đúng định hướng chính trị của cấp ủy. Lãnh đạo chính quyền cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của cấp ủy thành quy chế phối hợp hoạt động với MTTQ trong các lĩnh vực. Đảm bảo cho chức năng phản biện, giám sát của mặt trận được thực hiện một cách nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả. Chủ động phối hợp lấy ý kiến của mặt trận và nhân dân trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng của mỗi địa phương. Đảm bảo các mục tiêu đề ra phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Bốn là, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng và đảng viên của mặt trận thật sự vững mạnh, đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ công tác mặt trận. Có lập trường tư tưởng vững vàng; có tri thức, am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của cấp ủy. Cụ thể hóa các chủ trương lãnh đạo của cấp ủy thành các chương trình thống nhất, phối hợp hành động để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Tham mưu kịp thời cho cấp ủy những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, biết phối hợp hoạt động có hiệu quả với các tổ chức thành viên và chính quyền trong hoạt động của MTTQ. Có đạo đức, uy tín và năng lực chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng làm công tác vận động quần chúng, công tác mặt trận, được dân tin yêu, mến phục.

Năm là, định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động của MTTQ, nội dung kiểm tra, giám sát của cấp ủy phải giúp cho mặt trận thấy được những ưu điểm, kết quả và những hạn chế, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định; nội dung, nhiệm vụ chính trị phải thực hiện. Đồng thời coi trọng việc kiểm tra, giám sát các cấp ủy trực thuộc trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cấp ủy cấp trên đối với mặt trận; tạo điều kiện, giúp đỡ tổ chức MTTQ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sáu là, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân; thường xuyên, rèn luyện phong cách công tác và có thái độ chân thành, thẳng thắn, cởi mở, gần dân, hiểu dân, tin dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, sâu sát cơ sở và không sợ khuyết điểm, cầu thị và tận tình, trách nhiệm với nhân dân,… Đó là những yêu cầu hết sức cần thiết để cán bộ MTTQ tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất