Nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng

 Tự phê bình và phê bình là một vũ khí tư tưởng sắc bén để xây dựng Đảng, làm cho tổ chức đảng trong sạch, đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng cao năng lực cầm quyền để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chiến lược cách mạng đề ra trong từng giai đoạn, đưa nước ta không ngừng tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: "Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình mới tiến bộ. Đảng cũng thế"(1) . Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn coi tự phê bình và phê bình như không khí, cơm ăn, áo mặc để sống.

Từ ngày thành lập đến nay, do có đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược thắng lợi, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành được những thắng lợi rất to lớn, làm vẻ vang cho dân tộc và đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh những thành quả đạt được, Đảng ta cũng có những sai lầm, khuyết điểm. Đảng ta không che giấu những sai lầm, khuyết điểm đó. Trái lại, Đảng ta công khai nhận những thiếu sót, khuyết điểm và đề ra những biện pháp sửa chữa, khắc phục để không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vun đắp lòng tin của cán bộ, đảng viên và của nhân dân.

Một trong những biện pháp có tác dụng tích cực phát hiện sai lầm, khuyết điểm và sửa chữa kịp thời cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là thực hiện dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở tuy đã có nhiều cố gắng thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Việc tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn mang tính hình thức.

Vậy tiến hành tự phê bình và phê bình như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất và sửa chữa được sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên?

Một là, các tổ chức đảng phải tiến hành một cách nghiêm túc và thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình theo đúng Điều lệ Đảng đã quy định, tránh lối làm hình thức, chiếu lệ. Yêu cầu của tự phê bình và phê bình phải đạt được là: Nói thật, nói hết những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải trước tổ chức đảng; trước quần chúng nhân dân; việc xử lý những sai lầm, khuyết điểm đó phải được tiến hành công minh và theo phương châm "trị bệnh cứu người". Qua đó lựa chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ cách mạng giao phó. Trong tự phê bình và phê bình phải đề cao tính tự giác, mọi cán bộ, đảng viên phải chủ động và nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng tháng 3-1986 và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII). Có như vậy mới thật sự tạo ra được không khí dân chủ, cởi mở để nội bộ Đảng cũng như quần chúng nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên một cách thẳng thắn, đầy đủ. Đối với những đảng viên giữ chức vụ, quyền hạn càng cao thì càng phải tự phê bình và phê bình nghiêm túc để mở đường cho sự phê bình thẳng thắn của đảng viên và quần chúng. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, đảng bộ, không phải chờ đến khi khai hội hoặc tổng kết mới làm. Bác Hồ đã dạy: "Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”(2). “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm"(3).

Hai là, tự phê bình và phê bình phải gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, có như vậy mới có tác dụng giáo dục và tìm ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục khuyết điểm, nhân rộng ưu điểm, tạo điều kiện cho đơn vị và từng người đều tiến bộ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ba là, tự phê bình phải thật thà, nói đầy đủ cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm về thực hiện những nhiệm vụ được giao; về quan điểm và tác phong công tác. Đối với khuyết điểm phải nói hết, nói đúng, không né tránh, không đổ lỗi cho khách quan. Cần phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm; khi đã được tập thể tổ chức đảng và quần chúng xác nhận, phải báo cáo đầy đủ và trung thực lên cấp trên. Bác Hồ dạy: "Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ, cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích"(4). “"Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc”… Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm… Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình… Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực… Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ, càng không nên "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng"”(5). Tự phê bình cũng cần nói đầy đủ ưu điểm, nói đúng với tầm vóc của nó, không thổi phồng, làm ít nói nhiều; không lấy kết quả của người khác biến thành của mình. Khi đã được quần chúng thừa nhận những ưu điểm thì cơ quan cấp trên có những hình thức cổ vũ, động viên, khen thưởng thỏa đáng để họ phấn khởi nâng lên, nhân ra và phát huy cao hơn nữa. Khuyết điểm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật được quần chúng đề nghị tiếp tục giữ vị trí công tác, thì người cán bộ, đảng viên đó phải trình bày trước tổ chức đảng và quần chúng nơi mình công tác các phương án và biện pháp sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

Đối với người phê bình cần có thái độ đúng đắn, khuyết điểm đến mức nào thì phê bình đến mức đó, tránh lối phê bình theo kiểu "đao to búa lớn"; cần đề phòng việc gắn hiềm khích cá nhân để nói cho hả dạ hoặc lợi dụng phê bình để hạ bệ nhau. Việc phê bình người khác phải nhớ lời Bác dạy: Nghiêm túc nhưng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Bác Hồ còn dạy: "Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ... Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”(6). Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. “Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ"(7). Qua tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở nên tự xem xét mình có còn đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhiệm vị trí công tác của mình nữa hay không? Nếu không thì phải tự nguyện rút lui để nhường chỗ cho những người có đức có tài thay mình. Tổ chức đảng và quần chúng ở đó cũng phải giải quyết sòng phẳng vấn đề này, nếu cán bộ, đảng viên còn đủ điều kiện giữ vị trí công tác đó hoặc cao hơn thì ủng hộ, tạo điều kiện cho họ phát triển. Nếu không còn đủ điều kiện nữa thì kiên quyết bãi miễn và cử người có đủ đức, tài lên thay.

Bốn là, việc thi hành kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm nặng thì cách làm phải dân chủ, có lý có tình. Kỷ luật rồi phải thông báo cho tổ chức quần chúng và nhân dân được biết, cho chính người bị kỷ l

(*) Những lời dạy của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình đều trích từ: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4 tr 165 - 166 và tập 6 tr 209 - 212, Nxb CTQG, H, năm 2002

 
uật biết.

Cần khắc phục việc tự phê bình và phê bình một cách hình thức, dĩ hòa vi quý. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo phải tự giác, gương mẫu thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc để phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Đó chính là biện pháp quan trọng nhất để tăng cường và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng - hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

 PGS. TS Cao Duy Hạ

 

_____

(1, 2, 3, 4, 5, 6, 7) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 6, tr.209, 211, 210, 241, 242.

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất