Người làm nghề tổ chức trong mùa đại hội

Thường những người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng nghĩ rằng đến mùa đại hội, Ngành mình chỉ cần làm tốt công tác nhân sự là đủ, còn chuyện văn kiện đại hội đã có các đồng chí Ngành Tuyên giáo “đứng mũi chịu sào”. Nghĩ thế không sai, nhưng nếu chỉ vậy thì dường như vẫn… thiếu, vẫn chưa “tròn vai”. Bởi lẽ, trong văn kiện đại hội đảng bộ các cấp có không ít nội dung liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, từ việc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua cho đến việc hoạch định nhiệm vụ và giải pháp công tác tổ chức xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới. Để đánh giá và hoạch định nội dung này trong văn kiện đại hội đảng bộ sao cho chính xác và có sức thuyết phục cao cần sự tham gia trực tiếp của những người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng trong từng cấp ủy cũng như trong các cấp ủy cấp trên và cấp dưới có liên quan.

Bước vào mùa đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng cảm thấy tự tin hơn trong quá trình tác nghiệp về nhân sự đại hội khi được trang bị thêm nhiều “gậy chống”, như các quy định mới về tiêu chuẩn cấp ủy và các chức danh chủ chốt… Chỉ riêng yêu cầu “kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn” cũng đã làm cho công tác nhân sự đại hội lần này bận rộn hơn, bao gồm những công việc sau “sàng lọc” như tái bố trí công tác cho người bị loại… Trong bối cảnh dân chủ trong Đảng được mở rộng, quy định bầu cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy nhất thiết phải có số dư, ý thức về quyền được tự lựa chọn qua lá phiếu của đại biểu dự đại hội ngày càng được nâng lên… cũng làm cho kết quả bầu cử trong Đảng có khi không đúng với dự kiến phân công cấp ủy trước đại hội. Điều này sẽ khiến công tác nhân sự đại hội thêm tất bật, kể cả việc phải dành thời gian định hướng thông tin nhằm làm cho trong Ngành và nhất là ngoài Ngành thấy đây là việc bình thường, lành mạnh.

Cái khó của người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2020 là vừa phải tham mưu chuẩn bị thật chu đáo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó trực tiếp tham gia công tác nhân sự và góp ý phần văn kiện có liên quan, lại vừa phải bảo đảm các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Ngành như tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện những chỉ thị, nghị quyết Trung ương khóa XII về tổ chức xây dựng Đảng - đặc biệt vẫn phải thường xuyên duy trì việc chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, vẫn phải thường xuyên duy trì việc xem xét kết nạp đảng viên theo hướng coi trọng chất lượng, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, vẫn phải thường xuyên duy trì công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xem đây không chỉ là việc trực tiếp phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp mà về lâu dài còn nhằm bảo đảm yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Một công việc vừa thường xuyên, vừa lâu dài mà người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng cần hết sức quan tâm trong năm 2020 là phải xây dựng nội bộ cơ quan thật chuyên nghiệp và phù hợp với thực tiễn từng cấp, từng địa phương. Bước vào mùa đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều cơ quan tổ chức cấp ủy vẫn tiếp tục phát huy vai trò “cận vệ đỏ”, “gác cổng” cho Đảng. Không ít cơ quan tổ chức cấp ủy đã có sự điều chỉnh cân đối các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, không chỉ tập trung vào công tác tổ chức và cán bộ, mà còn chú trọng đúng mức công tác tổ chức đảng và đảng viên, hoạt động nghiệp vụ mang tính đặc thù của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Không ít cơ quan tổ chức cấp ủy đã chú trọng đúng mức việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức của mình… Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cơ quan tổ chức cấp ủy đang lúng túng về mô hình hoạt động mới thử nghiệm, chẳng hạn như mô hình hợp nhất cơ quan tổ chức - nội vụ cùng cấp, mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung cho các cơ quan tham mưu giúp việc - là mô hình xem ra chỉ phù hợp với điều kiện trụ sở làm việc tập trung, không phù hợp với điều kiện trụ sở làm việc phân tán ở nhiều địa điểm cách xa nhau…  

Người viết bài rất tâm đắc với phương châm “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc ấy”, trong đó ấn tượng nhất là yêu cầu “nghĩ phải chín”. Có người cho rằng ban tổ chức chỉ là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, nên chỉ cần “nghĩ” ở mức độ vừa phải, đủ để phác thảo những đường nét cơ bản, còn việc nghĩ cho “chín” đã có tập thể thường trực cấp ủy, tập thể BTV cấp ủy hoặc cao hơn là tập thể cấp ủy. Đúng là khi ban tổ chức trình một nội dung tham mưu về tổ chức xây dựng Đảng ra tập thể thường trực cấp ủy và tập thể BTV cấp ủy, các đồng chí thường trực cấp ủy và BTV cấp ủy vẫn tiếp tục “nghĩ” nhằm hoàn thiện nội dung tham mưu ấy, nhưng điều đó không hề có nghĩa rằng ban tổ chức chỉ cần “nghĩ” ở mức độ vừa phải. Ngược lại, ban tổ chức cần phải nghĩ “chín” đến mức các đồng chí thường trực cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy sau khi nghĩ tiếp đều chấp nhận hoàn toàn nội dung tham mưu, không cần bổ sung, sửa đổi gì nữa - được như vậy thì ban tổ chức mới gọi là tròn vai “cận vệ đỏ”, “gác cổng” cho Đảng.

Đối với nội bộ từng ban tổ chức cấp ủy theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đương nhiên người phải nghĩ cho “chín” hơn ai hết là đồng chí trưởng ban. Tuy nhiên, để có được một nội dung tham mưu “chín” đến mức khi trình ra đều được các đồng chí thường trực cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy chấp nhận hoàn toàn, không cần bổ sung sửa đổi gì, đồng chí trưởng ban phải biết truyền cảm hứng để mọi người trong cơ quan, từ các phó trưởng ban cho đến lãnh đạo và chuyên viên các phòng nghiệp vụ, nhất là phòng nghiệp vụ liên quan đến nội dung tham mưu cùng nghĩ cho “chín”, cho thấu đáo mọi nhẽ. Điều quan trọng nhất là đồng chí trưởng ban vừa có chính kiến độc lập, lại vừa có tinh thần cầu thị, biết gạn đục khơi trong, biết lắng nghe những ý kiến của các cộng sự, nhất là những ý kiến mang tính phản biện khác với ý kiến của mình, từ đó tiếp tục nghiền ngẫm để có một nội dung tham mưu “chín” nhất.

Đối với những người làm nghề tổ chức, “nghĩ phải chín” không chỉ là đòi hỏi khi tham mưu cho cấp ủy hoặc BTV cấp ủy ban hành chỉ thị, nghị quyết về tổ chức xây dựng Đảng mà còn là đòi hỏi khi theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, nhất là khi tiến hành sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết. Trong giai đoạn chỉ thị, nghị quyết tác động trở lại vào cuộc sống, vào thực tiễn tổ chức xây dựng Đảng, nếu không “nghĩ cho chín”, người làm nghề tổ chức khó có thể khẳng định tính đúng đắn, hợp quy luật, sát thực tiễn của nội dung tham mưu của Ngành mình, càng khó có thể phát hiện những hạn chế của chỉ thị, nghị quyết trong khâu quán triệt và tổ chức thực hiện, đặc biệt là những hạn chế của chỉ thị, nghị quyết ở một số nội dung qua thời gian đã không còn phù hợp với thực tiễn sinh động, đặc thù… Chính những thu hoạch khi “nghĩ cho chín” ở giai đoạn này sẽ giúp người làm nghề tổ chức tiếp tục đề ra nội dung tham mưu mới và bắt đầu một quá trình “nghĩ cho chín” mới.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất