Đồng bộ văn bản thực hiện Nghị quyết
Hệ thống các văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các chủ trương mà Nghị quyết đã đề ra.
Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; ban hành Kết luận số 17-KL/TW ngày 11-9-2018 về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021; ban hành Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ban Bí thư ban hành Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4-10-2018 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh; ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đồng thời, Quốc hội đã bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3-2-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội; ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 về ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đồng thời, ban hành các Nghị định như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức; Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22-11-2018 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Hiện Chính phủ đang hoàn thiện các dự thảo nghị định về sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các nghị định về tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, như: Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 10/2016/NĐ-CP quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; các Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Nghị định số 55/2012/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Thu gọn nhiều đầu mối, tinh giản nhiều biên chế
Để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị trực tuyến và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, học tập, phổ biến quán triệt Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt các địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chỉ đạo các cấp ủy cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết thành kế hoạch, chương trình hành động, đề án phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định rõ nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ theo lộ trình, thời gian thực hiện và nhiệm vụ cụ thể của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy... nhiều cấp ủy đã chủ động triển khai thí điểm thực hiện các mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị, giảm số lượng cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể địa phương; triển khai sắp xếp lại tổ chức chi cục thuế, kho bạc nhà nước... theo khu vực liên huyện. Một số địa phương đã hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện như: Sơn La, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Kon Tum, Bình Thuận, Bình Phước, Long An...
Sau 2 năm thực hiện đã giảm nhiều đầu mối và giảm đáng kể biên chế các tổ chức trong hệ thống chính trị:
Đối với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, về tổ chức hành chính, đã giảm 4 cơ quan, đơn vị; giảm 26 cục, vụ thuộc ban, bộ, ngành Trung ương; giảm 2.785 phòng và tương đương; giảm 3.866 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó đã bao gồm cả việc chuyển chi cục quản lý thị trường cấp tỉnh về Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương làm tăng số lượng lãnh đạo cấp cục thuộc tổng cục và 1.057 lãnh đạo phòng, đội thuộc chi cục thuộc cục của Bộ Công thương. Đồng thời, giảm 1.057 lãnh đạo phòng, đội thuộc chi cục của các địa phương.
Về đơn vị sự nghiệp, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương đã giảm 80 đơn vị và 207 cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về tổ chức hành chính đã giảm 4.139 tổ chức và 9.893 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Về đơn vị sự nghiệp, đã giảm 4.162 đơn vị và 6.229 cán bộ lãnh đạo, quản lý (chưa tính giảm cấp trưởng, cấp phó các đầu mối bên trong đơn vị sự nghiệp).
Về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố, cả nước có 46 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, trong đó có 42 tỉnh, thành phố có ĐVHC thuộc diện phải thực hiện, với 20 ĐVHC cấp huyện, 638 ĐVHC cấp xã; 4 tỉnh (Sơn La, Tây Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang) chủ động thực hiện sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã. Đến nay, Bộ Nội vụ đã thẩm định 35/46 đề án của 35 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Thuận, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh (Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Phú Yên ). Sau khi sắp xếp sẽ giảm 5 ĐVHC cấp huyện; 556 ĐVHC cấp xã. Các địa phương đã sắp xếp giảm 10.140 thôn, tổ dân phố.
Về tinh giản biên chế, cả nước giảm khoảng 236.000 biên chế, tương ứng giảm khoảng 6,5% so với biên chế thực tế tại thời điểm 30-4-2015. Cụ thể, cán bộ, công chức (từ cấp huyện trở lên) giảm trên 22.000 người (khoảng 6,3%); viên chức (từ cấp huyện trở lên) giảm trên 69.000 người (khoảng 3,8%); hợp đồng lao động khác giảm trên 18.000 người (khoảng 11%). Ở cấp xã, cán bộ, công chức giảm khoảng 1.000 người (khoảng 0,4%); người hoạt động không chuyên trách giảm khoảng 126.000 người (13,6%). Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ, cả nước giảm được khoảng 47.000 biên chế. Trong đó giảm do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy chiếm khoảng 13,6%; giảm do cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí được việc làm khác khoảng 16,3%; giảm do chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm chiếm khoảng 15,3%; do phân loại, đánh giá khoảng 41,9%; giảm do các trường hợp khác khoảng 13,1%.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên; riêng năm 2019 giảm khoảng 10.000 tỷ đồng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, góp phần tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm nợ công, đồng thời, vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm. Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 22,9%, năm 2017 đạt 25%, năm 2018 (chưa bao gồm số chi từ các nguồn tăng thu ngân sách địa phương tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết) đạt 25,4%; năm 2019 đạt 26,6%; nợ công năm 2019 là 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).
Đôi điều rút ra
Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và nhận thức ngày càng sâu sắc hơn trong toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp... Từng cấp, từng ngành đã triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khoa học, nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình bước đi phù hợp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phát huy vai trò từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đạt kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, có sức lan tỏa.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm cấp trung gian, giảm nhiều đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo, quản lý cấp phòng khối chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp và trong các cục, vụ ở cơ quan Trung ương; tích cực rà soát, sắp xếp giảm số lượng ban chỉ đạo, ban quản lý dự án. Nhiều địa phương tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; xây dựng đề án và thực hiện phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài Nhà nước.
Các địa phương đã chủ động thực hiệp sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.
Biên chế của cả hệ thống chính trị giảm mạnh, cơ bản bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đã đi vào thực chất gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phân loại, đánh giá, rà soát và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Những vấn đề đặt ra
Để tiếp tục triển khai các nội dung của Nghị quyết, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định, hướng dẫn của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để thực hiện một số nội dung mới về tổ chức bộ máy, biên chế đã được đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đẩy nhanh việc sắp xếp theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối trực thuộc các cơ quan, đơn vị để khắc phục tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các vụ, đơn vị trong cùng một cơ quan; giảm tối đa số lượng phòng trong vụ.
Đầu tư nguồn lực để nghiên cứu xây dựng Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra.
Khẩn trương ban hành chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu... để tạo động lực, khuyến khích thực hiện. Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và xác định tổng biên chế cần có của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Nguyễn Văn Tùng
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương