Phụ nữ Việt Nam với chiến thắng Điện Biên Phủ

G. Roa - nhà báo kiêm nhà văn Pháp, trong một cuốn sách dày hơn 600 trang với tựa đề “Trận Điện Biên Phủ” đã không giấu nổi khâm phục khi đến thăm phòng trưng bày các di vật của Điện Biên Phủ, nhất là khi ông nhìn thấy đôi dép cao su bốn quai của một nữ dân công bên cạnh các chân bàn và chân giường của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông viết: Rồi đây, khi nào có một viện bảo tàng ở tầm nhân loại, người ta phải bày đối diện với đôi dép và những chân bàn, chân giường đó cái máy điều hoà không khí  trong phòng làm việc của Nava và cái ghế bành trong máy bay  của ông ta để chứng tỏ rằng trên đời này có những sức mạnh làm vươn cao vút những tâm hồn và sáng tạo ra sự thần kỳ: con người ta đã dám thách thức hai kẻ thù ghê sợ nhất của mình là khổ đau và chết chóc

Đôi dép lốp bốn quai đó chính là của nữ liệt sĩ Hà Thị Miễn - dân công Thanh Hoá đã hi sinh trên đường tải đạn Nà Nhạn - Mường Phăng…

Nhật ký của cố giáo sư Tôn Thất Tùng ghi ở mặt trận Điện Biên Phủ ngày 7-4-1954 đã viết: “Một chị dân công bị đại bác bắn vào chân. Bảo anh Quang chữa và cho thuốc men làm sao cố cứu chị. Mai sẽ đi gắn huy hiệu Hồ Chủ tịch cho chị. Chị đã lấy thân mình che chở cho thương binh lúc máy bay oanh tạc. Dũng cảm quá!”

Một nhà quân sự Việt Nam khi bàn về phát huy sức mạnh của hậu phương trong kháng chiến đã nhớ lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Những nữ dân công chuyển gạo bằng mảng trên sông Nậm Na dài hơn 80 km với 102 thác ghềnh đã lập nên những kỳ tích về trí thông minh sáng tạo và tinh thần lạc quan yêu đời. Những nữ dân công làm đường, giữ đường đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường, bám trụ đường dưới bom địch…”

Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết trong cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại” cho là: “Đi dân công, đây là những tiếng mới xuất hiện trong cuộc kháng chiến này. Nói đến dân công là nói đến phụ nữ”. “Hai phần ba dân công là phụ nữ “(Lời Hồ Chủ tịch ngày 3-1-1960)… 60 năm trước, phụ nữ Việt Nam từ Bắc đến, dù sống trong vùng địch tạm chiếm, vùng tranh chấp hay ở vùng tự do, chị em luôn hướng về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ bằng những hành động yêu nước, thiết thực nhất… Ngày ấy, người phụ nữ H’Mông đã xuống núi, người phụ nữ Thái đã rời bỏ xa quay và khung cửi dệt, người phụ nữ Kinh ở Liên khu 3, Liên khu 4, đặc biệt phụ nữ vùng tự do Thanh Hoá  đã rời miền xuôi lên miền ngược… Dòng thác cách mạng đã cuốn các chị đi tới chiến trường: từ vận tải, tải thương, bốc dỡ hàng, giữ kho, làm kho, sửa đường, giữ đường, nấu ăn, đến hộ lý, quân y hay văn công đến từng trận địa phục vụ bộ đội… Đặc biệt tiếng hò của chị em dân công vang động núi rừng:

Trèo đèo mới biết đèo cao

Có đi phục vụ mới biết công lao anh vệ quốc đoàn

Sự cảm phục của chị em dân công được các chiến sĩ ta kịp thời đáp lại:

Đố ai đếm được sao trời

Đố ai tính được sức người dân công

Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 2 triệu ngày công. Nhưng nếu tính cả toàn chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và ở cả các chiến trường phối hợp như Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên… thì con số trên phải nhân lên gấp 10 lần…

60 năm đã trôi qua, nỗi đau của những  người mẹ có con nằm ở chiến trường Điện Biên Phủ không thể phai nhoà, dẫu rằng mỗi lần đến được nghĩa trang tay càng thêm run khi thắp những nén nhang tưởng nhớ đến người con thân yêu của mình. Cũng như bà mẹ Thái Thị Thịnh, 60 năm qua, mẹ chịu tang hai người con hy sinh ở đầu hai chiến trường: một con thời chống Pháp ở Điện Biên Phủ; một con thời chống Mỹ ở Tiền Giang… 60 năm trước, người con trai đầu của mẹ Thịnh: Chu Mai Lâm là trung đội trưởng công binh đã dũng cảm đếm bom giặc rơi, đánh dấu lấy để cùng đồng đội phá bom nổ chậm, mở đường cho xe ta ra chiến trường. Kỷ niệm mẹ Thịnh còn giữ lại là hai bài báo của Trần Cư viết về Chu Mai Lâm: một bài đăng trên Cứu quốc hằng ngày năm 1954, một bài đăng trên báo Quân đội Nhân dân được tuyển trong tập “Điện Biên Phủ qua những bài báo viết về mặt trận”.

Một trong những bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ hầu như không một vị tướng lĩnh nào lại không nhắc đến: “Sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó là vô cùng tận. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”. Chính vì vậy, trả lời phỏng vấn của báo Phụ nữ Việt Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu lên những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng Điện Biên Phủ còn mang giá trị thời sự, trong đó bài học đầu tiên là: Trong cuộc chiến tranh toàn dân chống thực dân Pháp của dân tộc ta, chưa bao giờ đông đảo nhân dân ta ra trận như vậy, không chỉ ở Điện Biên Phủ mà còn trên chiến trường cả nước. Cũng chưa bao giờ toàn dân đã được tổng động viên sâu rộng như vậy, nhờ đó  đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Một chiến thắng vượt bậc và là chiến thắng  lớn đầu tiên của quân đội một nước nông nghiệp lạc hậu vốn là thuộc địa đã đánh thắng quân đội hiện đại của một cường quốc phương Tây; là chiến thắng lớn đầu tiên của phong trào giải phóng dân tộc. Điều đó chứng tỏ, nếu dựa vào sức dân thì việc gì cũng làm được…

Ngày nay, phát huy sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế là vấn đề quan trọng. Sự chủ động của các cấp hội cho đến từng hội viên là một yếu tố quyết định khơi dậy sức mạnh của phụ nữ Việt Nam.  Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, kiên quyết khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách góp phần phát triển kinh tế-xã hội hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đó cũng chính là thiết thực phát huy truyền thống Điện Biên trong thời bình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất