Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía đông bắc của Tổ quốc, có 11 huyện, thành phố, với 226 xã, phường, thị trấn, dân số trên 74 vạn người, trong đó 83,5% là dân tộc thiểu số, gồm: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa…. Tỉnh hiện có 111 xã (91 xã vùng III, 20 xã vùng II) đặc biệt khó khăn, đó là những xã ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí thấp; nền kinh tế mang nặng tính tự cung tự cấp... Trong số 111 đảng bộ xã đặc biệt khó khăn, có 2.331 chi bộ trực thuộc, đa số cán bộ, đảng viên các đảng bộ xã này là người dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, chất lượng phân bố không đều. Nhiệm kỳ này, 92,41% ủy viên ban chấp hành là người dân tộc thiểu số.
Những năm qua, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn để bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc ở những địa bàn có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng này. Cấp ủy các cấp đã tăng cường bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, luân chuyển cán bộ huyện về đảm nhận các vị trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND từ 1 đến 2 nhiệm kỳ, giúp các đảng bộ xã nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới. Nhờ đó, tuy là xã đặc biệt khó khăn nhưng hiện có gần 50% bí thư đảng ủy xã có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên môn, 70% bí thư có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Cấp ủy đảng, chi bộ ở các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn đã có sự đổi mới việc ra nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch sát đúng với đặc điểm địa phương; tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, … Nhờ đó, đã đưa sản lượng lương thực bình quân ở các xã lên 420 kg/người/năm. Lãnh đạo bảo đảm ổn định an ninh, trật tự xã hội và an ninh biên giới, không có điểm nóng xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, năng lực lãnh đạo của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn ở tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số cán bộ, đảng viên trình độ văn hóa và chính trị thấp; không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tính chủ động, không phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ ít được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng và cập nhật kiến thức mới. Việc truyền đạt nghị quyết của nhiều bí thư đảng ủy rất yếu. Một số đảng ủy xã xây dựng chương trình hành động còn chung chung, chưa có được những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiếu sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên. Việc thực hiện quy chế làm việc của một số đảng ủy xã chưa nghiêm túc, còn tùy tiện theo lối kinh nghiệm, thậm chí kiểu gia đình.
Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo cho các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn ở Lạng Sơn thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, coi trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn ở tỉnh Lạng Sơn trong tình hình mới.
Trước hết cấp ủy các cấp cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn. Các đảng bộ xã trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức sẽ là yếu tố quyết định đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, bảo đảm quốc phòng trên địa bàn xã. Trách nhiệm xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn là của các cấp ủy đảng từ Tỉnh ủy đến các huyện ủy có các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn; là bản thân các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn, trong đó trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và các ban đảng của huyện ủy. Khắc phục tình trạng “khoán trắng” mọi việc cho cấp ủy cơ sở mà không có sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Bản thân mỗi đồng chí bí thư và đảng ủy viên của xã cần nghiên cứu, nắm vững, thực hiện đúng những quy định về chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối, phong cách làm việc của đảng ủy, chi ủy, chi bộ; lãnh đạo theo đúng chương trình, kế hoạch, quy chế.
Cần đổi mới cách ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết phù hợp với đặc điểm của xã đặc biệt khó khăn. Bí thư cấp uỷ phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và tạo điều kiện để mọi người phát huy tự do tư tưởng, góp ý kiến vào sự lãnh đạo của chi, đảng bộ. Xây dựng nền nếp làm việc của đảng ủy, ban thường vụ, thường trực cấp uỷ theo đúng quy chế. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của đảng bộ, của cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, việc thực hiện nghị quyết vẫn còn là khâu yếu của nhiều đảng bộ xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, sau khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy phải có kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cho từng cấp ủy viên, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt, khâu đột phá. Sau thời gian thực hiện phải có đánh giá cụ thể những việc làm được, những mặt chưa làm được, tìm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp để tiếp tục thực hiện. Nếu ra nghị quyết nhiều, nhưng không kiểm tra, giám sát thì khó tạo ra được những chuyển biến thực sự rõ nét trên thực tế.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cấp ủy viên của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn.
Cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chính trị cho cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên được học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trước mắt, cấp ủy cấp trên cần tập trung giải quyết dứt điểm những yếu kém, bức xúc của một số đảng bộ xã để tạo động lực, sự đồng thuận của đảng viên, cấp ủy viên ở những đảng bộ đó tích cực tham gia xây dựng Đảng. Phải xác định rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến yếu kém, phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách và có biện pháp củng cố cho phù hợp với từng cơ sở. Nếu do cán bộ năng lực yếu thì cần tăng cường cán bộ ở cấp trên về thay thế; nếu nội bộ mất đoàn kết thì phải chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và xử lý nghiêm túc, thậm chí phải thay thế cán bộ.
Cùng với sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn còn yếu kém phải đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nghiêm túc đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của tập thể, cá nhân đảng viên, có các giải pháp khắc phục. Hằng tháng, các chi bộ cần kiểm điểm, đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên được phân công để có biện pháp kịp thời. Cần tổ chức việc bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, công tác quần chúng, kỹ năng lãnh đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng cho đội ngũ cấp ủy viên các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn.
Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ.
Sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ là những hình thức hoạt động chủ yếu của Đảng, thông qua đó mà tổ chức đảng thực hiện chức năng lãnh đạo. Do đó, để nâng cao năng lực lãnh đạo của các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn phải chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng bộ, chi bộ, các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn ở Lạng Sơn cần thực hiện nền nếp chế độ sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng. Trong sinh hoạt đảng, chú ý đảm bảo về tính chất lãnh đạo, giáo dục, chiến đấu. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, định kỳ 6 tháng một lần, đối với cấp ủy cơ sở về thực hiện chế độ sinh hoạt đảng định kỳ. Nội dung sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ, sự quan tâm của đảng viên, quần chúng; đúng với tầm xử lý của đảng bộ, chi bộ, không quá to tát nhưng cũng không quá chi tiết, vụn vặt, lấn sân sang việc của chính quyền, đoàn thể.
Các cấp ủy cần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, kỹ thuật tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ cho bí thư chi bộ; đồng thời mỗi bí thư chi bộ cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ra sức học tập, tìm tòi và thường xuyên rút kinh nghiệm về cách tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.
Năm là, xây dựng chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở xã vững mạnh.
Gắn xây dựng chính quyền với cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác truyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân bằng các hình thức phù hợp với trình độ, tập quán của đồng bào dân tộc. Thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng bộ máy chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.
Phối hợp với cấp trên chăm lo, tạo điều kiện bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, nhất là kiến thức và kỹ năng công tác đoàn, hội cho cán bộ làm công tác quần chúng để nâng cao chất lượng hoạt động trong điều kiện không có cán bộ chuyên trách. Vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra, giúp đỡ của cấp ủy cấp trên đối với các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn.
Huyện ủy cần phân công cấp ủy viên có kinh nghiệm phụ trách các đảng bộ xã đặc biệt khó khăn để theo dõi sát các đảng bộ này, có biện pháp khắc phục đối với những khó khăn, hạn chế của từng đảng bộ. Chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cấp ủy viên về mọi mặt, có khả năng vận dụng, cụ thể hóa đường lối của cấp trên và đề ra nhiệm vụ của cấp mình tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó. Trong đó phải chú ý thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng đảng và kỹ năng công tác cấp ủy cho các cấp ủy viên và đảng viên, nhất là sau mỗi kỳ đại hội, đối với những đảng viên mới được bầu vào cấp ủy.
Triệu Văn Du
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn