Được thành lập từ năm 1996, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (KD&CN) Hà Nội là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên theo chủ trương xã hội hóa giáo dục - đào tạo của Đảng, Nhà nước. Ngay từ khi mới phôi thai, những người sáng lập trường đã xác định quan điểm: đào tạo phi lợi nhuận, chú trọng đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Hơn 20 năm giữ vững phương châm đó, những “người chèo đò” ở Đại học KD&CN Hà Nội đã cống hiến hết mình, rèn giũa lớp lớp thế hệ trẻ thành những công dân có tài năng, trí tuệ, nhân cách, đã và đang từng ngày góp sức vun đắp tương lai.
Nền tảng vững chắc
Trường Đại học KD&CN Hà Nội được sáng lập bởi GS. Trần Phương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam. Năm 1986 nghỉ hưu, với ý thức của một đảng viên - cán bộ cao cấp của Đảng, ông vẫn trăn trở về nhiều vấn đề của đất nước, đặc biệt là việc đào tạo thế hệ trẻ. Năm 1996, GS. Trần Phương đã tập hợp những người cùng chí hướng, tự nguyện góp vốn xây dựng nên Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, sau đổi tên thành Đại học KD&CN Hà Nội. Hơn 20 năm dồn tâm trí lực, những người sáng lập đã gây dựng, phát triển ngôi trường có tầm vóc như ngày hôm nay. Từ một cơ sở đào tạo ban đầu với 3 khoa, Đại học KD&CN Hà Nội đã hội tụ được những nhà trí thức có kinh nghiệm, uy tín trên nhiều lĩnh vực, xây dựng Trường thành một cơ sở đào tạo đa ngành (trên 27 ngành), đa cấp (cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), đa hình thức (chính quy, liên thông, vừa học - vừa làm, trực tuyến). Từ khóa học đầu tiên với 850 sinh viên, tới nay Trường đã tiếp nhận 117.000 sinh viên, trong đó có 1.000 sinh viên Lào, Căm-pu-chia.
Để phát triển ngôi trường cần phải có một nền móng vững chắc, theo đó Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường tập trung 3 yếu tố quan trọng: xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và con người. Lúc mới thành lập còn thiếu phòng học, phải đi thuê, mượn, với phương châm “phi lợi nhuận”, phần lớn nguồn thu Trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ học tập, đến nay Trường đã có quy mô lớn với 3 cơ sở tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, với tổng diện tích 22ha, đủ phòng học, phòng thực hành, phòng tập đa năng, thư viện... Mỗi phòng học đều được trang bị hệ thống máy chiếu, âm thanh và mạng in-tơ-nét không dây phủ khắp khuôn viên trường. Các phòng học chức năng dành cho việc học tập, nghiên cứu khoa học, thư viện, kiểm tra và thi hết học phần đều được trang bị hệ thống máy tính hiện đại, có ca-mê-ra giám sát. Từ lúc còn thiếu giảng viên, đến nay Trường có đội ngũ cán bộ giảng dạy với trên 1.116 người, trong đó có 79 giáo sư, phó giáo sư, 105 tiến sĩ và 675 thạc sĩ. Trong dịp đến thăm Trường nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đội ngũ cán bộ, giảng viên là nguồn tài sản vô giá của nhà trường”.
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, Đảng ủy nhà trường chỉ đạo lấy định hướng đào tạo nghề nghiệp - thực hành là kim chỉ nam trong suốt quá trình hoạt động, vừa trau dồi kiến thức đi đôi với rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển tư duy tìm tòi, sáng tạo, kết hợp lý luận với thực tiễn. Không chỉ quan tâm phát triển tài năng, mà còn bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhằm đào tạo lớp trẻ thành những cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Nhằm đào tạo những sinh viên đáp ứng yêu cầu của thời đại, vừa giỏi chuyên môn, vừa thành thạo về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, Trường đã cấu tạo chương trình môn Tiếng Anh và Tin học ứng dụng cao hơn so với chương trình đào tạo hệ đại học tại Việt Nam. Hợp tác quốc tế cũng được chú trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trường đã thực hiện 14 chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài, gửi sinh viên đi đào tạo ở các nước Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
PGS, TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc kết hợp giữa học với hành, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động được Đảng ủy, Ban Giám hiệu coi trọng hàng đầu trong chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo. Theo tinh thần đó, Nhà trường đã xây dựng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp nhằm kết nối doanh nghiệp và sinh viên trên một số lĩnh vực, tạo môi trường và điều kiện thích hợp để sinh viên được rèn luyện và thực hành trước khi ra trường. Trường thành lập “Vườn ươm khởi nghiệp” có các phòng họp, khu làm việc, phòng hội thảo được trang bị đầy đủ máy móc như một môi trường làm việc hiện đại. Sinh viên được trình bày ý tưởng, trao đổi, thảo luận, nhận tư vấn từ những chuyên gia về khởi nghiệp, CEO các doanh nghiệp. Nhiều ý tưởng có cơ hội được hiện thực hóa, nhiều ước mơ khởi nghiệp cũng được ươm mầm từ đây. Các hội thảo, tọa đàm về khởi nghiệp dành cho sinh viên thường xuyên được tổ chức nhằm trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết cho con đường sự nghiệp sắp tới, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, đột phá trong suy nghĩ và hành động của các sinh viên.
Cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên vững vàng, phương pháp giáo dục đổi mới là nền tảng vững chắc để hơn 20 năm qua, Trường Đại học KD&CN Hà Nội tự hào cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước. Hơn 80% sinh viên tốt nghiệp đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, được các cơ quan tuyển dụng và người sử dụng lao động đánh giá cao. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã khởi nghiệp thành công, trở thành những doanh nhân trẻ thành đạt như: Nguyễn Thành Phương, cựu sinh viên khóa I ngành Thương mại, là Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kagaroo; Trần Quân, cựu sinh viên khóa 12 chuyên ngành Quản lý kinh doanh, 4 năm khởi nghiệp với chuỗi 11 cửa hàng thực phẩm sạch trải rộng khắp Hà Nội; Nguyễn Thanh Hương, cựu sinh viên khóa 6 với thương hiệu Cám MIO - cám chim cao cấp quen thuộc với người nuôi chim Việt; cựu sinh viên Đinh Ngọc Phượng xây dựng thành công thương hiệu thời trang nam Veneto…
Với hơn 20 năm xây dựng, Trường Đại học KD&CN Hà Nội là một trong những mô hình về đóng góp sức người, sức của, vật chất, trí tuệ… cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học Việt Nam nói riêng, nhất là những chính sách và giải pháp để nâng cao tính tự chủ trong quản trị đại học.
Phan Nam