Ngày 10-12-2016, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2020. Đây cũng là thời điểm TP. Hà Nội tổ chức triển khai nhiều nghị quyết quan trọng của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng nên các nội dung phối hợp của Chương trình đều đạt kết quả tốt, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, nổi bật là:
Tinh gọn tổ chức bộ máy
Kiện toàn, sắp xếp giảm mạnh các ban chỉ đạo. Thành phố đã kiện toàn, sắp xếp, giảm 5/17 ban chỉ đạo do BTV Thành ủy thành lập (giữ nguyên 10; sắp xếp lại, bổ sung chức năng nhiệm vụ của 4 ban thành 2 ban; giải thể 3); giảm 74/102 ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố (giữ nguyên 17; sắp xếp lại, sáp nhập 36 ban thành 11; giải thể 49).
Sắp xếp, kiện toàn, thu gọn đầu mối một số cơ quan, đơn vị khối cơ quan đảng, tổ chức chính chị - xã hội thành phố. Hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Du lịch; sắp xếp các ban đảng Thành ủy, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố. Sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), tổ chức chính trị - xã hội thành phố: chuyển đổi Khu điều dưỡng cán bộ Hà Nội tại Đồ Sơn, Hải Phòng thành đơn vị của doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy; giải thể Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo thuộc Hội Cựu chiến binh thành phố; hợp nhất 2 đơn vị thuộc Hội Nông dân thành phố thành Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp…
Sắp xếp, kiện toàn, thu gọn đầu mối một số cơ quan, đơn vị khối chính quyền. Chỉ đạo Đảng đoàn HĐND thành phố xây dựng dự thảo phương án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Hà Nội. Giải thể cơ quan Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố, thành lập Phòng Công tác giải phóng mặt bằng thuộc Văn phòng UBND thành phố. Sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 5 ban quản lý dự án chuyên ngành thuộc thành phố, 3 ban quản lý dự án duy tu trực thuộc sở, 3 ban quản lý dự án giữ nguyên theo đặc thù và 30 ban quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã (giảm 29 đơn vị). Sáp nhập Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Phát triển đất thành phố và Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Xây dựng phương án sắp xếp một số đơn vị trực thuộc cấp sở.
Đối với cấp huyện, chấm dứt hoạt động của hội nông dân tại 7 quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ). Thống nhất phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp.
Các nhánh Đề án thí điểm thực hiện các mô hình mới về tổ chức; kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng 6 (khóa XII) được các đơn vị chủ trì tích cực triển khai đang được lấy ý kiến các quận, huyện, thị ủy để hoàn thiện theo tiến độ.
Nhiều đổi mới trong công tác cán bộ
Về tinh giản biên chế: Thành phố đã xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế của thành phố báo cáo Chính phủ. Ngày 31-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế, trong đó đã tiếp thu, bổ sung 4/5 nhóm đối tượng tự nguyện tinh giản biên chế do TP. Hà Nội đề xuất.
Về tổ chức xét thăng hạng viên chức và thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính theo phân cấp. BTV Thành ủy Hà Nội đã tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức năm 2017 bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, chất lượng, khách quan, công bằng. Quá trình tổ chức thực hiện thường xuyên nhận được quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Tổ chức Trung ương. Kết quả đã thăng hạng đối với 15/22 viên chức đủ điều kiện (10 chuyên viên chính, 4 giảng viên chính, 1 phóng viên chính); 82/124 thí sinh dự thi trúng tuyển chuyên viên lên chuyên viên chính. Hiện đang thực hiện kế hoạch thi nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức năm 2018.
Thực hiện phân cấp tổ chức các đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài theo Đề án 165. Thành ủy Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 165 tổ chức 2 đoàn: 1 đoàn đi bồi dưỡng về nâng cao năng lực lãnh đạo tại Trường Đại học quốc gia Chung Nam - Hàn Quốc, gồm 19 đồng chí là lãnh đạo các ban đảng, Văn phòng Thành ủy; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; bí thư, phó bí thư thường trực các quận, huyện và đảng ủy khối. Đoàn khác đi bồi dưỡng về xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Học viện Hành chính Pháp (ENA) - Cộng hòa Pháp, gồm 20 đồng chí là lãnh đạo các ban đảng, Văn phòng Thành ủy; phó giám đốc các sở, ban, ngành thành phố; phó bí thư thường trực các quận; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị. Nội dung, chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp với mục đích, yêu cầu cần đào tạo; gắn giữa học lý thuyết với khảo sát thực tế, thiết thực, hiệu quả. Kết quả sau khóa đào tạo, bồi dưỡng đã giúp đội ngũ cán bộ tiếp cận được với những thành tựu mới về khoa học, kinh nghiệm tiên tiến của các nước để vận dụng vào công tác.
Nhiều đề tài, đề án nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên
Bảo vệ Đề tài khoa học cấp thành phố “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tổng công ty trực thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội trong giai đoạn mới” đạt kết quả xuất sắc. Căn cứ phương án sắp xếp, tổ chức lại mô hình tổ chức đảng các tổng công ty thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội. Đồng thời, ban hành Quy định tạm thời số 01-QĐi/TU ngày 29-5-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội để thống nhất thực hiện.
Thực hiện Đề án “Thí điểm đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ quận, huyện, thị xã và tương đương ở Đảng bộ TP. Hà Nội”. Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác đánh giá phân loại TCCSĐ, Ban Tổ chức Thành ủy đã nghiên cứu xây dựng đề án và trình BTV Thành ủy ban hành Quyết định số 2566-QĐ/TU ngày 18-8-2017 về quy định tạm thời đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; ban hành kèm theo Quy định có 5 biểu điểm được lượng hóa, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình đảng bộ cấp trên cơ sở. Kết quả đánh giá, phân loại năm 2017 có 4 đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; 29 đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, 19 đảng bộ đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ, 4 đảng bộ đạt hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2018, thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 24-9-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, Thành ủy ban hành Kế hoạch số 105-KH/TU ngày 25-10-2018 để chỉ đạo thống nhất thực hiện.
Triển khai kiện toàn sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn; khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không là đảng viên. BTV Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy hoàn thành Chuyên đề “Đánh giá thực trạng đảng bộ bộ phận thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Hà Nội”. Hiện trên địa bàn thành phố có 24 đảng bộ bộ phận. Việc thành lập đảng bộ bộ phận thôn, tổ dân phố tuy bảo đảm sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất của các tổ chức trong hệ thống chính trị, song đã bộc lộ không ít hạn chế. Thành ủy chủ trương không phát triển mở rộng mô hình này, giao các quận, huyện, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy cơ sở nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của các đảng bộ bộ phận nơi đã thành lập.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-4-2013 của BTV Thành ủy, đến nay toàn thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố (giảm 20,1%); 5.236 chi bộ thôn, tổ dân phố (giảm 7,1%). Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và người hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước giảm 9.539 người. Qua khảo sát cho thấy còn 9 thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng do mới được thành lập, chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ; có 3.151 trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không là đảng viên (39,5%). Trong thời gian tới, Thành ủy sẽ tích cực chỉ đạo khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, thực hiện thí điểm mô hình khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố ở một số địa phương có điều kiện phù hợp và tự nguyện đăng ký.
Mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình mới
Nghiên cứu Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị, Thành ủy đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, khảo sát, tổng hợp số liệu về tổ chức bộ máy, kết quả hoạt động của 88 đơn vị trong hệ thống chính trị; trực tiếp khảo sát tại 4 quận, huyện, thị xã, 10 sở; đồng thời tham khảo thêm một số mô hình trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng 8 chuyên đề khoa học làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đề án. Đến nay, cơ bản hoàn thành dự thảo Đề án, báo cáo Bộ Chính trị trong quý IV năm 2018.
Triển khai đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. BTV Thành ủy ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 về Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của thành phố. Kết quả thực hiện Quy định góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, đơn vị. Phối hợp tốt với đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương và một số tỉnh, thành ủy khảo sát việc đánh giá, xếp loại cán bộ ở thành phố.
Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí xác định cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật. BTV Thành ủy đã thành lập Tổ soạn thảo Đề án do Ban Tổ chức Thành ủy là cơ quan Thường trực với sự tham gia của 8 đơn vị. Quá trình triển khai Đề án luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương. Đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn thành, xác định được hơn 20 cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang thành phố thuộc danh mục.
Một số kinh nghiệm
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền khi thực hiện chương trình phối hợp, tạo sự quan tâm sâu rộng và đóng góp thiết thực của cán bộ, công chức thuộc Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy Hà Nội. Thiết thực hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III - năm 2018 gắn với Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TP. Hà Nội lần thứ I - năm 2018.
Hai là, lựa chọn đúng, trúng nội dung đưa vào Chương trình phối hợp là những nội dung mới, khó, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với quyết tâm cao, có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện.
Ba là, tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời thông tin đến đầu mối của hai bên để theo dõi, báo cáo Lãnh đạo hai cơ quan về kết quả triển khai công tác phối hợp, về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác xây dựng đảng nói chung, về công tác tổ chức - cán bộ nói riêng.
Bốn là, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung nội dung phối hợp và các giải pháp tổ chức thực hiện.
Vũ Đức Bảo - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội