Kết quả tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở Thành phố Hồ Chí Minh
Người dân nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).

Thu gọn đầu mối

Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy ban hành Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 25-6-2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá XII) “Một số vấn về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

BTV yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, giảm số lượng đầu mối, giảm số lượng cấp phó. Trong đó, UBND thành phố đã xây dựng và trình BTV Thành ủy thông qua Đề án sắp xếp lại các ban quản lý dự án của thành phố, quận - huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị, ban quản lý đầu tư các dự án ODA. Theo đó, thành phố còn 4 ban quản lý dự án chuyên ngành, 4 ban quản lý dự án khu vực, 3 ban quản lý dự án đặc thù và 24 ban quản lý đầu tư xây dựng công trình trực thuộc UBND quận, huyện, giảm 11 đầu mối (2 ban thuộc UBND thành phố và 9 ban thuộc sở, ngành), giảm hơn 110 biên chế. UBND thành phố phê duyệt danh mục vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố và trực thuộc các sở, ban, ngành thành phố làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy được sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy”. Thành phố triển khai thực hiện mô hình Văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy. Tổ công tác xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội tại các đảng bộ cấp trên cơ sở được thành lập, giúp BTV Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội tại các đảng bộ trực thuộc, bảo đảm khoa học, phù hợp đối với từng loại hình.

Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu BTV Thành ủy ban hành Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ thành phố; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập khối đảng, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; trong đó đã giải thể Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương và Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, thành phố hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Theo lộ trình, đến năm 2021 thành phố giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

Tinh giản biên chế

TP. Hồ Chí Minh hiện có gần 13 triệu dân với mức tăng dân số cơ học 8-10%/năm. Để đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, trong những năm qua thành phố đã duy trì số lượng biên chế công chức, viên chức khá lớn: Năm 2016, khối đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có 4.549 biên chế, vượt chỉ tiêu Trung ương giao 1.051 biên chế; khối chính quyền thành phố và các quận, huyện có 11.210 biên chế, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 2.897 biên chế; khối chính quyền cấp xã có 15.251 biên chế. Năm 2017 thành phố có 123.260 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện. Đến tháng 6-2018 có 71.455 người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”, BTV Thành ủy đã xây dựng Chương trình hành động, đề ra lộ trình thực hiện tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu là 10% biên chế so với biên chế Trung ương giao. Trong đó, thực hiện tuyển dụng mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Để đạt mục tiêu, Thành ủy, UBND thành phố chủ động giao biên chế giảm dần theo từng năm và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Cụ thể, năm 2017 giao khối đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội 4.234 biên chế, giảm 6,9% so với năm 2016; năm 2018 giao 3.924 biên chế, giảm 7,3% so với năm 2017. Kết quả thực hiện, đến tháng 6-2018 khối đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có 3.628 biên chế, giảm 20,2% so với năm 2016 và chỉ còn vượt chỉ tiêu Trung ương giao 160 biên chế. Về khối chính quyền, năm 2018, UBND thành phố giao 11.210 biên chế công chức, giảm 559 so với biên chế giao năm 2016. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cùng với giao chỉ tiêu số người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập giảm dần (năm 2018 giảm 13% so với năm 2016), thành phố khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa. Đến cuối năm 2018, có 40 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên. Trong đó, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Nhà xuất bản Tổng hợp, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ đã thực hiện tự chủ về tài chính và biên chế. Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố có 29 biên chế, giảm 7 biên chế so với năm 2017, Học viện Cán bộ thành phố có 186 biên chế, giảm 36 biên chế so với năm 2017.

Bài học kinh nghiệm

Một là, các cấp ủy tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và công tác dân vận tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội và trong mỗi cơ quan, đơn vị về việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.

Hai là, BTV Thành ủy, UBND thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch, Đề án thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, có lộ trình phù hợp. Phát huy vai trò người đứng đầu và đề cao trách nhiệm giải trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị.

Ba là, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đều xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng lộ trình tinh giản biên chế; bảo đảm công khai, minh bạch. Quá trình sắp xếp, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách hành chính và thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp. Tổ chức bộ máy của các cơ quan đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sắp xếp lại theo hướng giảm đầu mối và giảm số lượng cấp phó. Các cơ quan quản lý nhà nước sắp xếp lại theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc: Cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện, tránh chia nhỏ, phân tán hoặc chồng chéo nhiệm vụ. Giải thể những đơn vị hoạt động kém hiệu quả và chuyển những đơn vị có khả năng khai thác nguồn thu sang đơn vị tự trang trải kinh phí hoạt động.

Bốn là, việc thực hiện tinh gọn bộ máy được gắn với triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội và điều kiện thực tế của thành phố. Trong đó, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Đề án 4756/ĐA-UBND ngày 20-10-2018 “Về ủy quyền cho các sở - ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận - huyện, chủ tịch UBND quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố”; phê duyệt Đề án về thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giai đoạn 2018-2022. Tại kỳ họp thứ 7 khóa IX (tháng 3-2018), HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Năm là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc kết kinh nghiệm. Xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá, xếp loại hằng năm đối với tập thể, cá nhân. Không đề bạt, khen thưởng cán bộ là người đứng đầu, cấp phó phụ trách những đơn vị không hoàn thành các chỉ tiêu về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất