Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam của Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp về hang động, sông, suối, bãi biển, rừng nguyên sinh và các di tích văn hóa, lịch sử mang đậm nét đặc trưng của đất và người phương Nam. Đặc biệt, Kiên Giang có đảo Phú Quốc với nhiều tiềm năng phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Đề án nêu rõ: “...Từng bước xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều khách quốc tế và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước”. Với điều kiện địa lý thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các ngành, các cấp, những năm qua ngành du lịch của Kiên Giang đã phát triển nhanh. Số khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm đều tăng. Tổng số khách đến các khu du lịch và cơ sở lưu trú năm 2001 là 1,1 triệu lượt người đến năm 2010 là 3,2 triệu lượt người. Số lượt khách tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2001-2010 là 15,1%.
Hoạt động du lịch trong tỉnh bước đầu có những chuyển biến tích cực, một số doanh nghiệp đã tạo được mối quan hệ hợp tác với các công ty lữ hành trong nước và nước ngoài. Một số khu, điểm du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái ở Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, U Minh Thượng, Phú Quốc đã được đưa vào khai thác đem lại kết quả rất khả quan. Thị trường du lịch đã có những bước phát triển cơ bản, phong phú hơn, đa dạng hơn, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm du lịch và việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch không ngừng tăng lên, các loại hình du lịch được du khách đánh giá cao, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá rừng, biển, hang động; du lịch mạo hiểm; du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử - văn hóa; các loại hình vui chơi giải trí bờ biển, ven biển,... Do đó, khách du lịch đến Kiên Giang ngày một nhiều hơn, doanh thu du lịch tăng lên qua các năm. Hoạt động du lịch đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những nhu cầu cơ bản về hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho khách du lịch đến tỉnh đã được đáp ứng khá đầy đủ, giá cả tương đối ổn định.
Cơ cấu thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch đã phát triển theo hướng đa dạng hơn. Hoạt động du lịch thuộc thành phần kinh tế nhà nước đã được tổ chức lại và từng bước thể hiện vai trò nòng cốt trên các phương diện, phục vụ có hiệu quả các chương trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch từng bước được nâng lên. Các dự án đầu tư phát triển hệ thống giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc; các dự án đầu tư khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn quốc tế đang được nhà nước, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp gấp rút thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Từ thực tiễn những năm qua, rút ra một số kinh nghiệm về lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch của Tỉnh ủy là:
Một là, lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế du lịch.
Đây là nội dung quan trọng của Tỉnh ủy trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng. Tỉnh uỷ đã bám sát các mục tiêu, chủ trương, định hướng của Đảng, từ đó cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, dự án trọng điểm và chuyên đề công tác trọng tâm, chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh theo vùng và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế du lịch từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Hai là, tập trung lãnh đạo phát huy nội lực, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, tranh thủ các nguồn ngoại lực đầu tư cho phát triển du lịch, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương.
Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương thông qua nhiều hình thức để tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch về tầm quan trọng của kinh tế du lịch giai đoạn hiện nay
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch những quy định pháp luật về du lịch; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động du lịch tại các khu, điểm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc được phản ánh từ doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Cải cách một bước thủ tục đăng ký kinh doanh, xây dựng cơ bản, giao và cho thuê đất; tuy chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nhưng cũng đã thông thoáng hơn.
Tỉnh uỷ quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến kinh tế du lịch, là một trong những ngành được xác định sẽ là thế mạnh của tỉnh.
Ba là, lãnh đạo xây dựng và phát triển các mô hình, loại hình du lịch, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Áp dụng khoa học công nghệ vào quảng bá, xây dựng ngân hàng dữ liệu phục vụ cho ngành du lịch.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mô hình du lịch truyền thống là công tác hiện nay đang được quan tâm. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, những năm qua ngành du lịch của tỉnh đang phát huy tối đa các ưu thế và các nguồn lực, kết hợp tranh thủ sự hợp tác với bên ngoài để phát triển du lịch biển - đảo - rừng - núi nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp, độc đáo, có chất lượng và uy tín cao trên thị trường du lịch trong nước và khu vực, phát triển đa dạng các tuyến du lịch, các loại hình du lịch ven biển, trên biển, trên hệ thống đảo và quần đảo.
Công tác quảng bá, xúc tiến, liên doanh, liên kết về phát triển du lịch trong những năm qua được tiến hành thường xuyên và thu được nhiều kết quả. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã xây dựng được chuyên mục du lịch trên Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang; đang triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và quảng bá du lịch, thành lập Website Du lịch Kiên Giang để tăng cường quảng bá qua mạng In-tơ-nét. Phối hợp với Báo Du lịch Việt Nam, Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam (HTCV), kênh truyền hình CNN... đưa thông tin giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch Kiên Giang. Cùng với công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trên các ấn phẩm, công tác quảng bá du lịch nhân các sự kiện, lễ hội, hội chợ, thông qua việc liên doanh, liên kết trong và ngoài nước được quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt.
Bốn là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.
Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đồng bộ để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn (hệ thống cầu, đường các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống giao thông đô thị, nông thôn; cảng biển, cảng hàng không), hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, thủy lợi, thông tin liên lạc... theo quy hoạch. Tỉnh ủy kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế du lịch theo định hướng phát triển mà Trung ương và Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra
Tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành nhiều chủ trương sát với tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở đó cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất. Từ đó đã nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tập trung phát triển kinh tế du lịch.
Năm là, lãnh đạo đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh.
Tỉnh ủy lãnh đạo tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tăng cường sự liên kết để cùng phát triển. Xây dựng chương trình phát triển các vùng: Tứ giác Long Xuyên phát triển thành trung tâm công nghiệp lớn, dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng, sản xuất và chế biến nông - thủy sản. Vùng U Minh Thượng phát triển nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí, dịch vụ du lịch lịch sử - sinh thái, dịch vụ hậu cần nghề cá. Vùng biển - đảo phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản, phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, dịch vụ vận tải biển, dịch vụ cảng. Tập trung phát triển các đô thị lớn làm động lực thúc đẩy phát triển vùng, đồng thời hỗ trợ các vùng khác phát triển và làm đầu tàu kinh tế của tỉnh.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và phát huy tốt vai trò tham mưu của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn phát triển du lịch; tiếp tục tuyên truyền và triển khai có hiệu quả chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư; tập trung xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, thoát nước cho các khu du lịch, có biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; chú trọng bảo vệ tốt các loại rừng, môi trường biển, sinh thái; xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tác động của mực nước biển dâng; chú trọng quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên hợp lý, có hiệu quả, đúng pháp luật.
Bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; hoàn thành phục dựng các khu di tích cách mạng trong kháng chiến để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đầu tư nâng cấp, xây dựng mới một số thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động sáng tạo, văn hóa của nhân dân.
Tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế du lịch.
Đỗ Thị Minh Thùy
Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Kiên Giang