Từ tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” của V.I.Lê-nin, suy nghĩ về xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Sau khi Ph.Ăng-ghen mất (1895), những người đứng đầu Quốc tế II và những người đứng đầu các đảng dân chủ - xã hội ở Tây Âu đã xét lại chủ nghĩa Mác, từ bỏ những tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Mác, biến Quốc tế II và các đảng dân chủ - xã hội thành những đảng cải lương, hoàn toàn mất tính giai cấp và tính chiến đấu.  Tháng 7-1903, Đại hội II của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga được triệu tập. Tại đây đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa phái Bôn-sê-vích đứng đầu là V.I.Lê-nin và phái Men-sê-vích đứng đầu là Mác-tốp và Ác-xen-xrốt. Cuối cùng phần thắng thuộc về phái Bôn-sê-vích. Đó là một bước tiến lớn của phong trào công nhân và những người dân chủ - xã hội Nga. Tuy nhiên, sau Đại hội, phái Men-sê-vích đã phản kích lại: xuyên tạc kết quả Đại hội, chiếm Ban Biên tập báo "Tia lửa", vu khống bịa đặt, nói xấu V.I.Lê-nin và những người Bôn-sê-vích. Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga lại lâm vào khủng hoảng, chia rẽ về mặt tổ chức. Đó là bước lùi lớn của phong trào. Thực tiễn đặt ra cho V.I.Lê-nin và những người Bôn-sê-vích nhiệm vụ phải đánh bại bọn cơ hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ những quan điểm mác-xít về mặt tổ chức trong Đảng. Đáp ứng tình hình đó, tháng 5-1904, V.I.Lê-nin đã viết tác phẩm “Một bước tiến hai bước lùi”.

Tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” ra đời đã góp phần vạch trần đặc điểm, bản chất của chủ nghĩa cơ hội về mặt tổ chức, bảo vệ tính đảng của giai cấp công nhân, đã phát triển và cụ thể hoá học thuyết của C.Mác - Ph.Ăng-ghen về Đảng Cộng sản, vạch ra một cách đầy đủ và hoàn chỉnh những nguyên tắc tổ chức cơ bản của chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản, trong đó, Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng. V.I.Lê-nin chỉ ra rằng: “Có quán triệt đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng và có chấp hành kỷ luật nghiêm minh thì mới biến được uy thế của các tư tưởng thành uy thế quyền lực khiến các cơ quan cấp dưới phải phục tùng các cơ quan cấp trên của Đảng"[1]. V.I.Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh chế độ tập trung trong Đảng nhằm chống lại quan điểm của bọn cơ hội đồng thời để khắc phục tình trạng tiểu tổ, phân tán, lối làm việc thủ công nghiệp, cục bộ địa phương của các tổ chức đảng. Theo V.I.Lê-nin, đảng phải có cương lĩnh, điều lệ thống nhất do đại hội vạch ra. Toàn đảng phải nghiêm chỉnh chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của đảng. Đảng phải có một cơ quan lãnh đạo thống nhất, toàn đảng phục tùng sự lãnh đạo của ban chấp hành trung ương, đảng viên phải tự giác phục tùng tổ chức, kỷ luật của đảng, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức. V.I.Lê-nin đòi hỏi trong đảng phải có chế độ tập trung chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh, nếu thiếu nó thì đảng có thể biến thành một câu lạc bộ cãi vã, sẽ mất hết sức chiến đấu. Mặt khác trong đảng phải có dân chủ. Nếu trong đảng không có dân chủ, đảng đó sẽ có nguy cơ thoái hoá thành một tổ chức quan liêu. Tập trung phải đi đôi với dân chủ, tập trung và dân chủ là hai mặt không tách rời trong tổ chức của đảng vô sản.

Những tư tưởng của V.I.Lê-nin trong tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” là cống hiến lớn lao cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã đặt cơ sở cho sự nghiệp xây dựng đảng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và hoạt động của mình, Đảng ta luôn xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động. Vì vậy, Đảng ta luôn thống nhất, tập trung được sức mạnh, đứng vững chèo lái con thuyền cách mạng vư­ợt qua muôn vàn khó khăn giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Tuy nhiên, việc nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng vẫn còn những biểu hiện vi phạm ở các cấp với những hình thức biểu hiện và mức độ khác nhau. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: "Công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nên nếp. Nhiều khuyết điểm, sai lầm của của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt"[2]. Do vậy, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là một vấn đề cấp bách trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Từ những nội dung mang tính nguyên tắc trong tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” của V.I.Lê-nin cho thấy, để công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đi đến thành công cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước hết cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:

Một là, phải tăng c­ường giáo dục cho cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, đầy đủ và thống nhất về nguyên tắc tập trung dân chủ theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu vì xét đến cùng, mọi hoạt động của con người đều bắt đầu từ nhận thức. Khi có nhận thức đúng, sẽ tạo ý thức trách nhiệm, tính tích cực, tự giác để đạt hiệu quả cao trong hoạt động. Do vậy, cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung, bản chất và mối quan hệ biện chứng giữa tập trung và dân chủ, gắn với việc liên hệ, kiểm điểm về nhận thức và thực hiện nguyên tắc; chỉ ra những việc đã làm đúng, chư­a làm đúng; nguyên nhân chủ quan của việc thực hiện chư­a tốt hoặc cố tình vi phạm nguyên tắc để khắc phục, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động. Đối với những tổ chức và cá nhân vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý kỷ luật nghiêm, trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này, đồng thời có biện pháp để chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ trì đơn vị. Mặt khác, cần cụ thể hóa nội dung, yêu cầu của nguyên tắc thành chức trách nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ, chế độ công tác của từng cán bộ, đảng viên, của từng cấp ủy, tổ chức đảng.

Hai là, giữ vững và nâng cao chất l­ượng sinh hoạt định kỳ của cấp uỷ và tổ chức đảng.

Các cấp uỷ, cấp uỷ viên phải đ­ược cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin cần thiết để nắm chắc tình hình, có điều kiện đóng góp vào quá trình ra các quyết định. Các cuộc họp và sinh hoạt đảng phải chuẩn bị chu đáo nội dung, mở rộng dân chủ, thảo luận thẳng thắn, kết luận rõ ràng. Phải tôn trọng và tập hợp hết ý kiến đúng đắn của đảng viên tr­ước khi quyết định một nội dung lãnh đạo. Khi có ý kiến khác nhau phải thảo luận kỹ, nhất là đối với những vấn đề quan trọng phải biểu quyết, khi cần thiết có thể cho tiến hành điều tra, khảo sát, làm thí điểm rồi mới kết luận. Tất thảy mọi đảng viên đều phải nghiêm chỉnh thực hiện nội dung nghị quyết đã được thông qua.

Ba là, ban hành các qui định cụ thể hoá nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và mở rộng sinh hoạt dân chủ.

Muốn phát huy dân chủ trong Đảng phải nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tính đảng cho đảng viên và các tổ chức đảng. Song dân chủ không chỉ là vấn đề nhận thức tư tưởng của mỗi đảng viên mà còn là vấn đề tổ chức với một cơ chế dân chủ trong sự lãnh đạo tập trung. Nói cách khác, cơ chế tập trung trên cơ sở dân chủ trong Đảng là vấn đề rất quan trọng và cấp bách hiện nay với việc cần phải ban hành quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, xác định rõ chế độ, chức trách của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, có quy định cụ thể về nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tăng cường công tác kiểm tra của cấp uỷ cấp trên đối với cấp uỷ cấp dưới. Thực hiện nghiêm chế độ về việc bảo lưu ý kiến và nghiên cứu các khiếu nại của đảng viên, bổ sung và hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ. Xây dựng thành quy chế, quy định cán bộ đi cơ sở, nhất là đi đến các đơn vị ở xa, có nhiều khó khăn để chỉ đạo tại chỗ và giúp cấp dưới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc và có nề nếp chế độ tự phê bình và phê bình.

Tự phê bình và phê bình lúc nào cũng quan trọng, là “phương thuốc hay” để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Trước những biểu hiện tiêu cực phát triển khá phổ biến và nghiêm trọng như hiện nay thì càng phải thực hiện nghiêm túc chế độ này. Người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình trên cơ sở lấy ý kiến góp ý, phê bình của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng. Dân chủ trong sinh hoạt chính là phải biết bảo vệ người thẳng thắn phê bình, đồng thời xử lý nghiêm những hiện tượng lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích hãm hại đồng chí, đồng đội gây rối nội bộ. Phê bình và tự phê bình phải thẳng thắn, dân chủ, công khai, trên tinh thần đồng chí giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục cho được tình trạng nể nang, né tránh, hình thức, chiếu lệ, bao che cho nhau, thấy đúng không kiên quyết bảo vệ, thấy sai không dám phê phán đấu tranh hoặc khi được phê bình thì tiếp thu một cách miễn cưỡng và không sửa chữa khuyết điểm.

Năm là, đề cao tính đảng, ý thức trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, cần có quy chế để cấp uỷ và tổ chức cơ sở đảng quản lý chặt chẽ đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú. Mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng đi đôi với đề cao kỷ cương, kỷ luật. Mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật, cố tình không chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, gây chia rẽ, bè phái làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất về tư tưởng, tổ chức của Đảng đều phải xử lý nghiêm minh. Mọi sự năng động, sáng tạo phải trên cơ sở đường lối, nghị quyết của đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội. Luôn đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với nguyên tắc tập trung dân chủ, kịp thời khắc phục những nhận thức và hành động sai trái trong nội bộ.

Như vậy, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nội dung của nguyên tắc rất phong phú, phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc là yêu cầu khách quan, bảo đảm cho Đảng luôn luôn là một khối đoàn kết thống nhất, phát huy được trí tuệ, sức mạnh, để Đảng đủ sức lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa cách mạnh đi đến thành công. Vì vậy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là một quá trình lâu dài, là trách nhiệm của các cấp uỷ từ trung ương đến địa phương, trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, của mọi cấp, mọi ngành. Điều quan trọng là nhận thức phải đi đôi với hành động thì công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng mới thực sự có hiệu quả.

Nguyễn Văn Thưởng
Khoa Sư phạm quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị



[1] V.I.Lê-nin, (7-1904) Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va,1979, tập 8, tr.30. (2) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XI, tr.175.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất