Vẫn còn cách một tầm tay…

Trong tầm tay tác nghiệp của người trong nghề và yêu nghề, sinh hoạt chi bộ vẫn còn bộc lộ không ít vấn đề cần nghiên cứu để tham mưu. Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một bước tiến so với Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012, nhưng chưa phải đã hoàn hảo đến mức “nhất thành bất biến”? Chẳng hạn, thời gian sinh hoạt chi bộ đang được yêu cầu phải bảo đảm từ 90 phút trở lên. Nếu kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu 120 phút.

Đối với người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng mà chỉ tham gia sinh hoạt chi bộ với tư cách đảng viên bình thường, yêu cầu này tưởng chừng không có gì để bàn. Có gì phải nghĩ ngợi khi cơ quan tổ chức các cấp hoàn toàn có thể bố trí sinh hoạt chi bộ trong giờ hành chính, rất thuận lợi. Nhưng nếu tham gia sinh hoạt chi bộ với tư cách đảng viên làm nghề tổ chức xây dựng Đảng, trong tầm tay tác nghiệp của người trong nghề và yêu nghề lại có nhiều điều phải suy ngẫm, thậm chí phải trăn trở, nhằm tham mưu cho Đảng sớm có giải pháp điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Không phải ngẫu nhiên Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW vẫn nêu nhiệm vụ “kịp thời nhân rộng những chi bộ tiêu biểu có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả tốt trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Trong thực tế Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, có được “những chi bộ tiêu biểu có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả tốt trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” không hề dễ. Làm thế nào phát hiện cho hết những chi bộ ấy, nhận diện cho đúng những giải pháp đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả tốt, càng khó hơn nữa là kịp thời nhân rộng những giải pháp đáng quý. Không ai khác ngoài người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng phải có trách nhiệm góp phần vào việc thực hiện các yêu cầu phát hiện hết, nhận diện đúng, nhân rộng kịp thời mà Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW yêu cầu.

Đơn cử, các đảng viên là cô giáo ở trường mầm non cả ngày đi sớm, về muộn, liên tục bận rộn với con trẻ, sắp xếp thời gian sinh hoạt chi bộ vào lúc nào và thời lượng bao lâu là đủ cho buổi sinh hoạt đạt chất lượng cao, sinh hoạt thường kỳ ra sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề ra sinh hoạt chuyên đề, mà không kéo dài quá mức cường độ lao động hằng ngày của họ. Chuyện này có thể bản thân các đảng viên là cô giáo ở trường mầm non cũng chẳng nghĩ ngợi gì, trên bảo sao làm vậy, nghiêm túc chấp hành, nhưng người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng lẽ nào lại có thể ngoài cuộc, dửng dưng?!

Ngay cả khi cấp ủy có thẩm quyền muốn quy định cụ thể thời gian sinh hoạt phù hợp với chi bộ có quá ít đảng viên như trong Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW nêu thì cũng không thể không dựa vào tham mưu của ban tổ chức cấp ủy, nghĩa là không thể không dựa vào tầm tay tác nghiệp của người trong nghề và yêu nghề! Chưa kể đến một số chi bộ đã ít đảng viên lại phải sinh hoạt ghép…

Hiệu quả của việc thực hiện chủ trương giải thể chi bộ cơ quan ở cấp xã và chuyển đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư (theo tinh thần Kết luận số 38-KL/TW ngày 13-11-2018 của Bộ Chính trị) là đảng viên công tác ở cơ quan cấp xã gần gũi hơn với người dân, nắm chắc hơn tình hình thực tế ở địa phương. Đồng thời sinh hoạt chi bộ chung với đảng viên công tác ở cơ quan cấp xã, đảng viên tại chỗ ở khu dân cư có điều kiện nắm chắc hơn nghị quyết của cấp ủy cấp trên, đặc biệt là nghị quyết của đảng ủy cấp xã, cũng như có thể tiếp cận thực tiễn địa phương trên quy mô toàn xã.

Tuy nhiên, trong tầm tay tác nghiệp của người trong nghề và yêu nghề có nhiều điều phải suy ngẫm, thậm chí phải trăn trở nhằm tham mưu cho Đảng sớm có giải pháp điều chỉnh. Chẳng hạn, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW yêu cầu rất đúng rằng “không tổ chức sinh hoạt chuyên môn lồng ghép với sinh hoạt chi bộ”, kiểu hai trong một, nhưng như thế không có nghĩa sinh hoạt chi bộ ở các cơ quan không bàn về chuyên môn với tư cách là nhiệm vụ chính trị hằng ngày. Vậy sau khi chi bộ cơ quan ở cấp xã được giải thể, bản thân được chuyển về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư, đảng viên công tác ở cơ quan cấp xã sẽ thảo luận về giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với nhau như thế nào trên tinh thần phát huy dân chủ trong Đảng, bảo đảm nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số trong sinh hoạt đảng?

Đảng viên tại chỗ ở khu dân cư - trong phạm vi hẹp của địa bàn mình - sẽ dựa vào đâu để đánh giá thật sâu sát kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn có quy mô toàn xã nhằm xếp loại đảng viên hằng năm đối với từng đảng viên công tác ở cơ quan cấp xã? Dựa vào đâu để đánh giá thật sâu sát kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn có quy mô toàn xã và cả động cơ vào Đảng nhằm xem xét kết nạp đối với các quần chúng ưu tú đang công tác ở cơ quan cấp xã? Trong tầm tay tác nghiệp của người trong nghề và yêu nghề tổ chức xây dựng Đảng sẽ còn dài dài những câu hỏi như vậy khi nghiên cứu thực trạng sinh hoạt chi bộ khu dân cư hiện nay…

Câu chuyện chuyển đảng viên công tác ở cơ quan cấp xã về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư cho thấy người trong nghề và yêu nghề tổ chức xây dựng Đảng muốn đặt sinh hoạt chi bộ trong tầm tay tác nghiệp của mình cần phải quan tâm không chỉ các loại hình chi bộ đang sinh hoạt mà cả loại hình chi bộ đã giải thể như chi bộ cơ quan cấp xã, không chỉ các chi bộ đông đảng viên - có khi ở mức ba con số, mà cả các chi bộ rất ít đảng viên - có khi chỉ ở mức tối thiểu, thậm chí là chi bộ sinh hoạt ghép. Cũng cần phải quan tâm đến vấn đề chất lượng đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, tránh tình trạng chi bộ đông mà không mạnh, mất đoàn kết, thiếu sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo chưa cao. Có như vậy, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng mới không thấy sinh hoạt chi bộ… cách một tầm tay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất