Những điều đã làm được
Năm 2017, trước tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội cuối năm trước còn nhiều hạn chế, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hủy bỏ những quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, cởi trói cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, xác định lĩnh vực dân doanh là động lực chính của nền kinh tế. Thủ tướng chỉ rõ: Phải kiên quyết xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, loại trừ lợi ích nhóm, loại trừ tình trạng lạm dụng độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, loại trừ bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp... Nếu còn chưa làm tốt những công việc như vậy thì chưa thể thực sự phát triển được khu vực kinh tế tư nhân.
Tư duy về kinh tế có bước chuyển biến quan trọng, mạnh dạn thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế. Lần đầu tiên, Trung ương Đảng đã có một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) ngày 10-5-2017: “Cần xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”. Đồng chí Tổng Bí thư nhận định: Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, chúng ta đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng”. Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường. Sự nghiệp kinh tế là của toàn dân thì kinh tế tư nhân phải là động lực chủ yếu. Vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi, khuyến khích huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để bảo đảm phát triển bền vững và tự chủ.
Thông điệp đổi mới tư duy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường. Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã nhen lên niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Từ quý III, những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện. Đến cuối tháng 12, tăng trưởng GDP đạt được mức 6,7%. Kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức 210 tỷ USD với tốc độ tăng khoảng 20%. Vốn FDI đăng ký cũng đạt mức kỷ lục hơn 35 tỷ USD và số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua. Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2016 và tăng 30 bậc so với năm 2012. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc trong năm 2017, đứng thứ 55/137 nước và tăng 20 bậc so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, trong những thành quả của thời gian qua vẫn còn rất nhiều yếu kém cần phải được nhận diện và khắc phục.
Những hạn chế cần khắc phục
Trong phát triển kinh tế, động lực phát triển từ nhiều thập kỷ nay chủ yếu là từ khu vực FDI với vốn đầu tư và điều hành của các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Năm 2017, các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả nước và gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ sản xuất, xuất khẩu đến thị trường nội địa, các tập đoàn nước ngoài đang độc chiếm nhiều lĩnh vực then chốt, có khả năng dẫn đến nguy cơ Việt Nam mất chủ quyền kinh tế.
Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ lẻ, tự phát, không được đào tạo bài bản. Cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhà nước xuất phát từ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch tập trung chưa được đào tạo nâng cao để thích ứng với nhu cầu vận hành một nền kinh tế thị trường.
Hệ thống giáo dục, đào tạo chưa theo kịp những đổi mới cần thiết trong các chương trình giảng dạy. Sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, buộc phải trở về với đội ngũ lao động phổ thông, năng suất thấp. Những thành phần được doanh nghiệp tiếp nhận, đa số cần phải được đào tạo lại từ căn bản. Đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc hiện đại hóa phát triển giáo dục trở thành cấp bách.
Hệ thống tài chính, ngân hàng không những không đáp ứng được nhu cầu vốn phát triển và tín dụng ngắn hạn cho doanh nghiệp, mà còn đang chìm đắm trong một đại dương nợ xấu chưa có lối thoát. Chính sách tiền tệ chưa tiếp thu, ứng dụng được những kinh nghiệm của các nước phát triển để tạo đà cho nền kinh tế vươn lên. Cán bộ điều hành ngân hàng chưa được đào tạo bài bản. Hoạt động ngân hàng chưa thật sự chuyên nghiệp, còn đang mày mò tự phát, vừa học vừa làm, lại còn bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Tái cấu trúc và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã đạt được trên 90% số doanh nghiệp, nhưng thực tế mới chỉ thu hồi được khoảng 10% vốn của Nhà nước. Trong khi đó một số lớn các tập đoàn Nhà nước tiếp tục làm ăn thua lỗ. Các dự án lớn “đắp chiếu”, vốn đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng có nguy cơ bị mất trắng. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã được phát hiện và truy tố trước pháp luật, nhưng mới chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng trong hệ thống quản lý các doanh nghiệp nhà nước.
Chi phí không chính thức vẫn tiếp tục hoành hành trong nền kinh tế, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Phòng, chống tham nhũng đã khởi sắc, nhiều vụ án tham nhũng đã và đang được đưa ra ánh sáng, nhưng tầng tầng, lớp lớp những con vi khuẩn ác tính này đang phát triển mạnh mẽ và ăn sâu vào cơ thể của chế độ. Nếu không có những hành động quyết liệt để diệt tận gốc căn bệnh trầm kha này, thì trái mít thối trên cây sẽ tự nó rơi rụng mà không cần phải một thế lực phản động, thù địch nào rung cây phá hoại.
Theo báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc thực hiện về chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công thì tỷ lệ người dân phải chi “lót tay” cho công chức để làm giấy tờ về nhà đất… vẫn tiếp tục tăng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định “căn bệnh” trong công tác cán bộ thực chất là “nội thương”. Đồng thời, Nghị quyết khẳng định mục tiêu: Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ: Người dân bức xúc nhất là sự suy thoái của một bộ phận trong Đảng mà không cẩn thận sẽ là gây phá hoại từ trong phá ra chứ không phải bên ngoài chống phá. Thực chất đây là quốc nạn, không phải chỉ là một vấn đề chính trị, chế độ, mà là một thảm họa cho dân tộc. Gánh nặng nghìn cân của tham nhũng đang là nguy cơ dìm con Rồng Việt Nam xuống sình lầy không ngẩng đầu lên được. Nghèo nàn, lạc hậu đeo bám con cháu Lạc Hồng trong khi thế giới tiến mạnh, tiến xa. Nguy cơ là mất chủ quyền kinh tế, phải rơi vào cảnh làm thuê làm mướn cho nước ngoài hết thế hệ này qua thế hệ khác.
Mặc dù Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 về xử lý kỷ luật đảng viên với các hình thức là “khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ”, nhưng những quyết định gần đây về các vụ xử lý, kỷ luật phần lớn là “khiển trách, cảnh cáo” dù những sai phạm vô cùng nghiêm trọng, khiến dư luận trong xã hội bức xúc, giảm niềm tin. Nếu chúng ta không nghiêm minh hơn áp dụng hình thức “cách chức, khai trừ” đúng với mức độ vi phạm nhiều hơn thì kỷ luật đảng bị xem thường, chưa đủ sức răn đe, căn bệnh tham nhũng không mong gì chữa trị được.
Cùng với việc kiên quyết trong công tác cán bộ, cần phải xây dựng khung pháp lý rõ ràng và mạnh dạn hơn. Ở các nước phát triển, sở dĩ nạn tham nhũng được đẩy lùi là nhờ các quy định từ việc nhận quà đến nhận hối lộ đều rất rõ ràng, minh bạch, các biện pháp giám sát, kiểm tra cũng rất đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả và nghiêm khắc. Dưới đây là một danh sách ngắn về các luật phòng, chống tham nhũng ở một số quốc gia: Anh quốc: UK Bribery Act 2010; Ca-na-đa: Canadian Corruption of Foreign Public Officials Act (CFPOA); Châu Âu: European Anti-Corruption Conventions; Đức: German Anti-Corruption Legislation; Mỹ: US Foreign Corrupt Practices Act (FCPA). Đặc biệt ở Mỹ, không những chính phủ Liên bang mà tất cả các tiểu bang đều có luật về phòng, chống tham nhũng. Dưới luật còn có những quy định về giá trị tối đa của quà biếu mà công chức nhà nước được phép nhận. Luật Phòng, chống tham nhũng “đối ngoại” của Mỹ còn buộc các doanh nghiệp Mỹ phải trích ghi vào các hợp đồng với đối tác nước ngoài điều khoản về việc ngăn cấm đưa quà cáp cho cán bộ, viên chức nước ngoài, nêu rõ đây là một tội trạng hình sự bị luật pháp Mỹ nghiêm cấm.
Những quy định về thanh tra, phát hiện hành vi tham nhũng rất đơn giản. Công chức nhà nước cũng như mọi công dân đều phải khai báo thu nhập cá nhân và đóng thuế hằng năm. Mọi thu nhập, tài sản đều phải chứng minh rõ nguồn gốc. Tài sản không chứng minh được nguồn gốc, nguồn tiền không chứng minh được đã đóng thuế sẽ bị xem là tài sản bất hợp pháp. Nhà nước có quyền truy thu tiền thuế hoặc tịch thu phần tài sản đó mà không cần phải điều tra sâu vào các hành động tạo nên khối tài sản bất hợp pháp này. Tiếp theo, ngành thuế có nhiệm vụ chuyển hồ sơ qua cho ngành tư pháp để điều tra và xử lý tội trạng hình sự. Những quy định đó được áp dụng đối với tất cả gia đình, họ hàng, những người có quan hệ với viên chức bị điều tra, truy tố. Những phương thức xử lý ngắn gọn, minh bạch khiến các nguồn thu bất chính, không đóng thuế đều được nhận diện rõ ràng. Tất cả mọi công dân, từ tổng thống, bộ trưởng, đại biểu quốc hội, chánh án tòa án tối cao... đến công chức các cấp và thường dân đều bình đẳng trước cơ quan thuế và pháp luật, không thể che dấu được tài sản bất chính. Nếu học hỏi được những điều này, thủ đoạn tinh vi của các quan tham Việt Nam sẽ không còn là lực cản của chiến dịch bài trừ tham nhũng.
Đông qua, Xuân đến! Những đám mây u ám rồi cũng sẽ được ánh Thái dương đẩy lùi. Những khó khăn trước mắt rồi cũng sẽ được khối đại đoàn kết toàn dân quét sạch. Những phần tử thối nát, hại nước hại dân rồi cũng sẽ bị loại trừ. Quyết chí chiến đấu nhất định thắng lợi. Đất nước Việt Nam nhất định sẽ vươn lên những đỉnh cao mới.
Bùi Kiến Thành