Xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Kết quả

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số luật; trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan xây dựng và ban hành 17 nghị định, 5 nghị quyết về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đến năm 2021 và các năm tiếp theo.

Bộ Nội vụ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Rà soát chức năng, nhiệm vụ được thực hiện bảo đảm nguyên tắc: Một việc chỉ do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm; những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp thực hiện. Nhờ vậy đã giảm sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số ngành, lĩnh vực có mối quan hệ liên thông, gắn kết được rà soát, sắp xếp giao cho một bộ quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu chuyển những công việc không nhất thiết do Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp thực hiện để giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm. Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Chính phủ có các văn bản quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, giảm cấp trung gian, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc sắp xếp đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sau sắp xếp, kiện toàn, cấp Trung ương đã giảm 11 vụ và tương đương thuộc bộ; giảm 8 vụ thuộc tổng cục, 492 chi cục, 4.070 phòng. Ở địa phương, đã giảm được 7 cơ quan chuyên môn và 1 tổ chức hành chính thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn; cấp huyện giảm 451 cơ quan chuyên môn và tương đương. Bộ máy hành chính nhà nước từng bước được đổi mới, kiện toàn, bước đầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế đạt mục tiêu giai đoạn 2015-2021, đã giảm 10,01% biên chế công chức, 11,67% biên chế viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước. Đến nay, đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã) theo đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, kế hoạch và lộ trình đề ra.

Tập trung đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đó là động lực để triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số mà hiệu quả đã thể hiện rõ trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP ngày 10-1-2022 “về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” theo ngành, lĩnh vực giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương, qua đó bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất thông suốt của Chính phủ phát huy tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực.

Mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Hạn chế

Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng. Vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một lĩnh vực, vừa chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ, vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm. Phân cấp, phân quyền một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính... Việc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; định mức kinh tế - kỹ thuật ở một số ngành, lĩnh vực còn chậm được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chưa kịp thời, gây khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức quản lý chuyên ngành (cục, tổng cục) với tổ chức tham mưu quản lý tổng hợp (vụ) trong bộ vẫn mang tính thủ tục hành chính.

Việc quản lý biên chế ở một số địa phương chưa chặt chẽ, nhất là quản lý theo vị trí việc làm còn hạn chế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp. Tinh giản biên chế đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và theo vị trí việc làm.

Nhiệm vụ trọng tâm

Một là, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền đúng thời hạn; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra. Chính phủ nghiêm túc thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, ở địa phương trực tiếp là BTV cấp ủy cấp tỉnh.

Hai là, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực khẩn trương hoàn thành việc ban hành thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn theo ngành, lĩnh vực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí cụ thể, phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập; vị trí việc làm; cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; định mức biên chế... theo quy định để làm cơ sở cho bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, triển khai cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong (gồm các tổng cục, cục, vụ, phòng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc) gắn với tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, bảo đảm tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bốn là, UBND cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát và đề xuất phương án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ.

Năm là, hoàn thiện các quy định để tiếp tục thực hiện thành lập, giải thể, nhập, chia tách điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình phù hợp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Sáu là, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, thực hiện tinh giản biên chế (khối Chính phủ quản lý) giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở để giao biên chế hằng năm theo quy định của Chính phủ.

Bảy là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý biên chế và tinh giản biên chế, định kỳ báo cáo theo quy định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất