6 kinh nghiệm chuyển đổi số hiệu quả ở Thái Nguyên
Các hộ sản xuất - kinh doanh và người dân hào hứng tham gia chương trình ra mắt tuyến phố không dùng tiền mặt tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên.

Các hộ sản xuất - kinh doanh và người dân hào hứng tham gia chương trình ra mắt tuyến phố không dùng tiền mặt tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên.

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Cụ thể, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 7 về Chính quyền số, thứ 15 về Kinh tế số và thứ 9 về Xã hội số. Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Tỉnh cũng nằm trong tốp 10 tỉnh của cả nước dẫn đầu về hạ tầng số.

Thái Nguyên đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719), từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thông. 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; ngoài ra, thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân…

Để đặt được những thành tưu nổi bật trên và nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên đã đúc kết được một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể:

Một là, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của các cấp ủy đảng, làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đề cao vai trò, nhận thức của người đứng đầu; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 479/QĐ-TTg để triển khai thực hiện Nghị quyết Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với lộ trình rõ ràng, cụ thể, hiệu quả và đảm bảo phù hợp thực tiễn của tỉnh.

Hai là, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu. Huy động sự tham gia của các chuyên gia trong nước, các doanh nghiệp địa phương trong triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, giáo dục, du lịch… áp dụng cho các địa phương khó khăn để bứt phá vươn lên trong phát triển trụ cột Kinh tế số và Xã hội số.

Ba là, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh, phát triển thương mại điện tử, đưa hàng hóa nông sản của nông dân lên sàn thương mại điện tử, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn. Xây dựng thành phố thông minh tại các thành phố trên địa bàn tỉnh gồm TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên.

Bốn là, tích cực phối hợp với Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi số. Thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng Kế hoạch số 827/KHPH-BCA-UBND ngày 14-7-2022 giữa Bộ Công an và UBND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Năm là, quan tâm xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số; sẵn sàng thí điểm các giải pháp công nghệ mới, điều kiện cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Sáu là, tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên tin tưởng rằng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp Thái Nguyên sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn và hiện đại không chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc mà còn của cả vùng Thủ đô Hà Nội. Đó cũng chính là quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên (ngày 1-1-1964), đó là xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất