Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế (TGBC) luôn là vấn đề khó; tuy nhiên, với cách làm nghiêm túc, bài bản, công khai, minh bạch, thận trọng, nhân văn và quyết tâm trên nguyên tắc: "dễ làm trước, khó làm sau", "làm thí điểm trước, nhân rộng sau", việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và Nghị quyết số 18,19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp bộ máy và TGBC của tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả đáng phấn khởi.
Bộ máy được sắp xếp tinh gọn
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị (tính đến 30-4-2015), toàn tỉnh có 37 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh với 353 phòng, ban, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và 357 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; cấp huyện có 835 cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị sự nghiệp với 3.807 biên chế công chức, 22.798 biên chế viên chức, 4.092 biên chế cán bộ, công chức cấp xã; 9.562 biên chế người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố.
Thực hiện TGBC và sắp xếp bộ máy, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cũng thành lập ban chỉ đạo để chỉ đạo triển khai thực hiện ở địa phương, đơn vị mình.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, định hướng tư tưởng được đẩy mạnh, đi trước một bước nên các cấp, ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên đều nhận thức đầy đủ, đúng đắn và đồng thuận cao, không phát sinh những vấn đề phức tạp.
Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo cho ý kiến để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định việc sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập và phê duyệt 41 đề án, phương án sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và thống nhất chủ trương để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 10-4-2018 "về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng"; UBND tỉnh phê duyệt, ban hành 47 đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với TGBC theo đúng thẩm quyền để triển khai thực hiện, để các tổ chức, cơ quan, đơn vị mới chính thức đi vào hoạt động đồng bộ từ ngày 1-7 và một số từ ngày 1-8-2018…
Với cách làm bài bản, thận trọng nhưng quyết tâm, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tỉnh đã xác định phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp đối với 266 cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị đảm bảo số lượng theo quy định. Việc sắp xếp đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và phù hợp với điều kiện cán bộ của địa phương, đơn vị.
Đối với các đồng chí nguyên là trưởng, phó các cơ quan trước khi sáp nhập có thể điều động giữ các chức vụ khác hoặc luân chuyển để đào tạo (nếu đủ tiêu chuẩn); nếu không đủ tiêu chuẩn thì có lộ trình giảm để trong thời gian 3 năm đảm bảo số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị theo quy định. Để triển khai việc sắp xếp hiệu quả, các địa phương trong tỉnh thực hiện tổng rà soát, địa phương nào đủ điều kiện sẽ thực hiện trước.
Đối với các đơn vị sự nghiệp và tổ chức bên trong, người đứng đầu được lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu công khai, hoặc được điều động từ các cơ quan, đơn vị khác có cán bộ dôi dư, đáp ứng được vị trí công việc; người không được lựa chọn sẽ bố trí xuống làm cấp phó; một số cấp phó dôi dư sẽ bố trí xuống làm cán bộ, công chức và được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời gian bổ nhiệm lại.
Đồng thời, hỗ trợ cho đi đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công việc khác phù hợp cho 1.653 viên chức sự nghiệp và các chức danh kế toán, lái xe, y tế học đường, bảo vệ, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phục vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư sau sắp xếp.
Đi trước một bước trong sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, TGBC theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến tháng 12-2018, tỉnh Yên Bái đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm, thu gọn được 404 đầu mối và tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị, bằng 25,39% so với tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015 (1.591 cơ quan, đơn vị); trong đó, giảm được 289 đầu mối và thu gọn được 115 tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị.
Tinh giản gần 4.000 biên chế, tiết kiệm gần nghìn tỷ đồng bổ sung đầu tư phát triển
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và 19, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tinh giản được 1.196 biên chế (trong đó, công chức là 342, viên chức là 411, hợp đồng là 68, cán bộ không chuyên trách cấp xã là 67 và cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố là 308 biên chế). Đưa tổng số biên chế tinh giản được từ khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đến nay trong toàn tỉnh là 3.980 biên chế, bằng 13,85% so với số biên chế được giao năm 2015 (28.729 biên chế).
Trong đó, tinh giản 593 biên chế công chức (bằng 16,9% biên chế công chức được giao năm 2015); tinh giản 3.023 biên chế viên chức (bằng 14,35% biên chế viên chức được giao năm 2015); tinh giản 355 cán bộ, công chức cấp xã (bằng 8,7% biên chế cán bộ, công chức cấp xã được giao năm 2015); cắt giảm được 180 chỉ tiêu hợp đồng nhân viên thú y cấp xã.
Kinh phí tiết kiệm do thực hiện việc TGBC khoảng 925 tỷ đồng; trong đó, năm 2016 tiết kiệm được khoảng 170 tỷ đồng, năm 2017 tiết kiệm khoảng 340 tỷ đồng, năm 2018 tiết kiệm khoảng 415 tỷ đồng.
Ngoài số kinh phí tiết kiệm trên, việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, tiết kiệm chi ngân sách trong các năm tiếp theo do không phải cấp kinh phí chi thường xuyên cho các đối tượng đã tinh giản hoặc chuyển sang làm việc tại các cơ sở ngoài nhà nước, không phải bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc… góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách. Nguồn kinh phí tiết kiệm được, phần lớn được bổ sung cho đầu tư phát triển như: tập trung cho các công trình trọng điểm, công trình trường, lớp học, xây dựng nông thôn mới…
Sắp xếp bộ máy và TGBC tại Yên Bái từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhận được sự đồng thuận trong toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đây là yếu tố quyết định nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.