Phát triển bền vững – Chiến lược phát triển toàn cầu thế kỷ 21 Khái niệm “phát triển bền vững” xuất hiện từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) của Liên hiệp quốc, “phát triển bền vững” được định nghĩa: “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Bra-xin) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định “phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt: phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm), bảo vệ môi trường (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao được chất lượng môi trường sống). Kể từ đó, khái niệm “phát triển bền vững” đã trở thành cơ sở để từng quốc gia xây dựng định hướng, giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong các vấn đề phát triển. Như vậy, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần giải quyết hàng loạt vấn đề: Về kinh tế: Duy trì được trong khoảng thời gian dài một tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. Cơ cấu kinh tế luôn được dịch chuyển theo xu hướng tiến bộ và được kiểm soát trong khuôn khổ ngưỡng an toàn của các cân đối vĩ mô chủ yếu như thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại và nợ nước ngoài. Về xã hội: Được đánh giá bằng các tiêu chí như hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Đời sống xã hội hài hòa; sự bình đẳng giữa các giai tầng xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu - nghèo, mức sống giữa các vùng, miền không quá chênh lệch và có xu hướng gần lại. Về môi trường: Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Ở Việt Nam, quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam); Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định phương hướng phát triển cơ bản của nước ta là: “Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ, văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng, quan điểm phát triển bền vững càng được chú trọng và nhấn mạnh hơn. Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “Trong 5 năm tới bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hoà giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 khẳng định, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, trong những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, bằng những cơ chế, chính sách, các giải pháp quyết liệt, vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm các nguồn nước, không khí đã được tất cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia. Ý thức toàn dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Tuy nhiên, môi trường nước ta đang chịu nhiều hệ quả từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó là 283 khu công nghiệp, với hơn 550.000m3 nước thải/ngày, đêm; 615 cụm công nghiệp mà chỉ khoảng 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong hơn 500 nghìn cơ sở sản xuất đang hoạt động, có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm, công nghệ sản xuất lạc hậu. 787 đô thị thải ra bình quân 3 triệu m3 nước thải/ngày, đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Mỗi năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại... Việc phê duyệt các dự án kinh tế, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài còn bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém trong khâu thẩm định các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường kèm theo, đã và đang gây ra nhiều hậu quả xấu, điển hình là thảm họa môi trường ở bốn tỉnh miền Trung vừa qua do Formosa Hà Tĩnh gây ra; vụ xả nước thải ào ạt ở một số cơ sở sản xuất công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố phía bắc và vùng đồng bằng Nam Bộ. Việc chặt phá rừng vẫn tái diễn, có nơi rất nghiêm trọng; nạn săn bắt động vật quý hiếm; khai thác cát trái phép ở những dòng sông lớn; đặc biệt, gần đây việc giết mổ động vật các loại chưa bảo đảm vệ sinh, dẫn đến hiện tượng thực phẩm bẩn... Nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì những vấn đề nêu trên sẽ là mối nguy hại rất lớn tới môi trường sống. Phát huy vai trò của tổ chức đảng Để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào đời sống, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các chương trình, kế hoạch hành động bảo vệ môi trường được xây dựng và triển khai thực hiện. Khi cấp phép các dự án, xây dựng khu công nghiệp phải đặc biệt coi trọng đánh giá tác động môi trường, chỉ đạo dừng cấp phép, nếu yếu tố môi trường không được bảo đảm. Đồng thời với nhiều giải pháp bảo vệ môi trường là đẩy mạnh tuyên truyền và phát huy vai trò của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Ở nhiều địa phương, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiệm vụ gắn với vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia bảo vệ môi trường. Nhiều hoạt động thiết thực, nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu được tổ chức, nhân rộng. Mặt trận Tổ quốc ở nhiều địa phương đã triển khai chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Kết quả cho thấy, hiện nay ở hầu hết các khu dân cư đã thành lập các tổ thu gom rác trước khi đưa đi xử lý và phong trào làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm đi vào nền nếp. Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đã và đang được các chủ doanh nghiệp quan tâm hơn. Các hộ gia đình đã và đang từng bước chuyển đổi hành vi trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trong canh tác hoa màu bằng cách sử dụng phân bón an toàn và thân thiện với môi trường... Hội Phụ nữ có các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon”. Tại nhiều tỉnh, thành, Đoàn Thanh niên các cấp tích cực phát động và thực hiện phong trào “Đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ môi trường”, “Đoàn viên, thanh niên bảo vệ dòng sông quê hương”, “Tuần lễ Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường”, “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày đa dạng sinh học”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Chiến dịch mùa hè tình nguyện”… Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh có các hình thức tuyên truyền phù hợp như lồng ghép, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực. Để phát huy vai trò của tổ chức đảng trong bảo vệ môi trường, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp sau: Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp về phát triển bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen, hành vi tự giác bảo vệ môi trường trong nhân dân. Khắc phục khuynh hướng lãnh đạo ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường. Hai là, tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Ba là, quy định rõ hơn nữa về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phân công cụ thể, rõ ràng từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ môi trường. Bốn là, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội; đưa yêu cầu về bảo vệ môi trường vào công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá tổ chức, cá nhân, vào hương ước của bản làng, khế ước của các dòng họ, nội quy của cơ quan, đơn vị. Năm là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp trong công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt các nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước mà Chính phủ đã đề ra. |