Hừng đông bên dãy Hoành Sơn
Dự án phát triển đô thị Thị xã Kỳ Anh thành đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Tư liệu.

Dự án phát triển đô thị Thị xã Kỳ Anh thành đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Tư liệu.

Thời gian khó chưa xa

“Từ chỗ phải tha phương để mưu sinh, kiếm sống thì nay ngay trên chính mảnh đất cằn năm xưa, người dân xã Kỳ Nam đã thu nhập hàng chục, có hộ hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chuyển đổi cây trồng, nhất là trồng cây mai vàng bản địa”. Tâm sự trải lòng của Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn bên ly cà phê sáng cuối năm Quý Mão đã khơi mở ý tưởng để tác giả hình thành bài ký trên số Xuân Giáp Thìn này!

Kỳ Nam là xã nằm ngay chân đèo Ngang, phân chia địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Một thời chưa xa, khi nhắc đến đất này, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Luyện nhớ lại: “Ngày trước, hầu như năm nào người dân quê tôi cũng phải oằn mình chống chọi với những cơn bão lớn, rồi những đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, mùa màng mất trắng, người dân phiêu bạt mọi miền kiếm sống, những đứa trẻ phải lên đồi hái sim bán dọc quốc lộ, nghèo túng đeo bám tưởng không dứt ra được”.

Nằm trên dãy Hoành Sơn thuộc dãy Trường Sơn vắt ngang ra Biển Đông, Kỳ Anh - Đèo Ngang trở thành biên trấn vững chãi suốt dọc dài lịch sử. Những năm 90 của thế kỷ trước, thị xã Kỳ Anh và cả huyện Kỳ Anh bây giờ luôn là những huyện nghèo nhất nước. Đất bạc màu xen với gió Lào, cát trắng mà “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Kết cấu hạ tầng, đường sá xập xệ, dân cư thưa thớt, suốt dọc Quốc lộ 1A đi qua, chỉ thấy những bóng nhà tranh xiêu vẹo, đúng như Bà Huyện Thanh Quan khắc họa cách đây trên 200 năm: “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà…”.

Hẳn muôn người Kỳ Anh còn hằn trong ký ức năm tháng sinh tồn vật lộn với miếng ăn đứt bữa qua ngày, còn rùng mình nhớ lúc vượt núi, băng khe đi kiếm kế mưu sinh và những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt từ gió biển, mưa nguồn… Bước vào sự nghiệp đổi mới, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh xưa, Hà Tĩnh nay từng phải trăn trở, lo toan vì một vùng đất ruột thịt với cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất thuần nông nhỏ hẹp, công nghiệp cọc cạch, nhỏ lẻ, buôn bán cũng chỉ mớ rau, con cá… Người trẻ, khỏe đi phiêu bạt khắp nơi kiếm ăn, dành dụm, đắp đổi qua ngày.

Thành quả kết tinh từ tâm huyết, tư duy tiên phong, đột phá

Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành vốn trầm tĩnh, kiệm lời nhưng khi được gợi mở về sự nghiệp đổi mới và bước đi, cách làm của quê mình đã hào hứng, sôi nổi hẳn. Anh khẳng định: “Con người Hà Tĩnh vốn thủy chung, cứng cỏi, can trường, hiếu học, trung thực, chịu khó, chịu khổ giỏi, khổ mấy cũng có thể chịu được, nhưng nghèo thì không thể. Đó là sức mạnh nội sinh được kết tinh, chưng cất qua nhiều thế hệ để gặp khó không nản chí, gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Bởi thế, từ trong cơ cực, người Kỳ Anh thể hiện bản chất kiên gan, bền chí, đoàn kết, siết chặt đội ngũ, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới.

Trong suốt hành trình dựng xây, kiến thiết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo. Kỳ Anh cho thấy tinh thần chủ động, dám làm, vì dân để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển, vùng trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch của khu vực phía Nam tỉnh Hà Tĩnh. Những thành tựu mà thị xã đạt được thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn trong chủ trương và hành động, vun đắp và nuôi dưỡng tâm huyết, khát vọng vươn lên chưa bao giờ vơi cạn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế Kỳ Anh được phục hồi, phát triển tích cực, toàn diện. Quy mô kinh tế tăng 1,4 lần so với năm 2020; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hằng năm 6,55%; các khu, cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng. Từ năm 2021 đến nay đã thành lập mới 328 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp lên 1.054 và trên 5.000 hộ kinh doanh cá thể, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh tăng trưởng. Hiện có 3 xã là Kỳ Ninh, Kỳ Hà và Kỳ Hoa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/6 phường đạt chuẩn đô thị văn minh; 396 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Giải phóng mặt bằng đúng tiến độ cho 56/64 dự án trọng điểm; xử lý dứt điểm 81/86 vụ việc tồn đọng từ nhiều năm. Cải cách hành chính năm 2022 xếp thứ 3 tỉnh Hà Tĩnh. Thu ngân sách hằng năm vượt 150% chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 56,15 triệu đồng.

Dọc theo Quốc lộ 1A, tại các xã, phường Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Hưng Trí..., đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được nhịp sống mới, bắt gặp những con người chất phác, hồn hậu, giàu tình cảm. Kỳ Anh đang như một công trường hối hả với Khu kinh tế Vũng Áng thu hút 153 dự án, trong đó 97 dự án trong nước và 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Từ những khu tái định cư dưới chân núi tới các làng ven biển, ở đâu cũng nhận ra chốn định cư của những người là chủ vùng đất trọng điểm phát triển kinh tế nhộn nhịp. Đèo Ngang giờ không còn “đang nghèo” như cách nói lái vui của nhiều người vẫn truyền nhau ngày trước.

Theo Bí thư Thành, để có được những thành tựu vượt bậc đó, Đảng bộ thị xã kế thừa thành tựu của nhiều thế hệ. Đội ngũ cán bộ biết kiến tạo, lo trước, nghĩ sau, cùng nhau hợp sức vượt trước thời gian, xây dựng Kỳ Anh sớm trở thành một đô thị lớn, phát triển mạnh mẽ với sức vóc xứng tầm. Đặc biệt sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, bằng nội lực, tư duy tiên phong, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, đề ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, 6 chương trình trọng điểm được tiến hành đồng bộ với lộ trình bài bản, khoa học. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai quy củ, có nhiều cách làm mới, có chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Đây chính là hành trang, tiền đề để Kỳ Anh tiến gần hơn mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động của khu vực phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Trên cơ sở đường lối, chủ trương chung, xuất phát từ thực tiễn, thị xã Kỳ Anh đã vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển theo phương châm “tầm nhìn cả nước, hành động địa phương”. Việc hoạch định chủ trương, kiến tạo tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ việc đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nơi đây nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội”.

Ai đó nói rằng, dưới chân đèo Ngang, bên dãy Hoành Sơn cảnh đẹp, người thuần, nhưng thiên nhiên không mấy ưu ái. Nhưng rồi chính dòng xoáy của thiên tai, địch họa đã tạo nên một vùng đất lịch sử văn hóa, hun đúc nên cốt cách con người biết sống và sáng tạo, đi lên trong tâm thế tự tin, chủ động. Tất cả đều được bắt nguồn từ sức mạnh văn hóa, từ những con người của vùng đất có bề dày truyền thống gan góc và kiên trung, đằm thắm và dịu dàng, hào hiệp và cần cù, trong sáng và bản lĩnh, chắt chiu và hào sảng.

Trả lời câu hỏi “Vì sao Kỳ Anh có chuyển biến mau lẹ, đúng hướng, được người dân đồng tình mà trước đây là bài toán khó giải”, Bí thư Thành tâm đắc: “Đoàn kết thực chất là yếu tố hàng đầu; kế đến là dân chủ được thực hiện đầy đủ ở cơ sở, sau đó là mọi chủ trương, đường hướng, mục tiêu phát triển đều phải được bắt nguồn từ thực tiễn, tất cả vì cuộc sống của người dân”.

Tiếp nối nguồn mạch trên, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Phan Duy Vĩnh say sưa phác họa về nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ thị xã. Để khai mở tiềm năng vùng đất biển, bàn giao 3.000 ha mặt bằng cho dự án FDI lớn nhất Việt Nam là Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh, Kỳ Anh đã hoàn thành di dời 4 xã Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương với 2.500 hộ dân, trên 2.000 ngôi mộ, 56 nhà thờ lớn và nhà thờ họ… Khối lượng công việc khổng lồ, việc phát sinh sự cố môi trường biển, thiên tai, tình hình an ninh trật tự… đòi hỏi việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân phải được đặt lên trên hết, trước hết. Cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, lòng dân yên mọi việc sẽ thuận.

Đổi mới phương thức lãnh đạo luôn được Đảng bộ thị xã coi trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ thị xã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề, trong đó 4 nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi nghị quyết là một chủ trương sát với yêu cầu thực tiễn nên nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống và khơi dậy các nguồn lực trong tổ chức thực hiện. Sau khi nghị quyết ban hành, cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ xắn tay vào cuộc với việc thành lập Đoàn công tác gồm 116 thành viên là cán bộ từ phó, trưởng phòng, ban, ngành của thị xã được phân công bám chi bộ thôn, tổ dân phố sinh hoạt, cùng bàn bạc, cùng lo việc dân, cùng bàn việc Đảng.

Phó Bí thư Vĩnh thông tin: Để tập trung hiện thực hóa đột phá về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, BTV Thị ủy triển khai rà soát, sàng lọc đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư, đưa trên 40 đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng và hàng trăm đảng viên vào diện giáo dục, giúp đỡ. Tiến hành 100 cuộc sinh hoạt điểm cấp ủy, chi bộ và tổ chức rút kinh nghiệm tại chỗ sau sinh hoạt, 3 hội nghị rút kinh nghiệm toàn thị xã và 1 hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ giảng dạy, cán bộ lão thành có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng. Đến khi nhuần nhuyễn về nhận thức, thống nhất về phương pháp, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp mới ban hành nghị quyết để lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

Đến nay, đã có trên 500 cuộc sinh hoạt điểm chi bộ và cấp ủy được tổ chức với sự tham gia của bí thư, phó bí thư các chi bộ trong cùng loại hình để góp ý, bổ khuyết lẫn nhau, đồng chí Ủy viên BTV Thị ủy chủ trì, rút kinh nghiệm tại chỗ sau sinh hoạt điểm. Đây được coi là lộ trình xây dựng sinh hoạt mẫu trong mỗi loại hình để mỗi cấp ủy, chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt. “Khâu yếu còn khá phổ biến lâu nay là việc phân công nhiệm vụ đảng viên không rõ nên đánh giá đảng viên cũng qua quýt, làm mất động lực, vai trò “đi trước” của đảng viên chưa được phát huy đúng mức. Tổ chức sinh hoạt mẫu như trên và giao việc cụ thể, đánh giá đúng thực chất đảng viên gắn với động viên, khen thưởng sát sao, xử lý nghiêm minh là cách làm mới mà thị xã Kỳ Anh đang tiến hành rất hiệu quả”, đồng chí Vĩnh nhấn mạnh.

Bắt nhịp cùng dòng chảy hội nhập

Trải bao thăng trầm, qua bao cuộc bể dâu vẫn vững vàng trước đầu sóng ngọn gió, can trường chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, đi lên phía trước, đó chính là nền tảng, gốc rễ, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Kỳ Anh hôm nay bồi đắp thêm ý chí, quyết tâm, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Kỳ tích khởi đầu của Kỳ Anh không chỉ mang lại những thành quả khích lệ cho vùng quê trước đây chỉ có “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, mà còn truyền cảm hứng để các thế hệ người dân nơi đây tự tin, giữ gìn và phát huy cốt cách con người bên dãy Hoành Sơn.

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hoài Sơn cho rằng, phát triển công nghiệp cần trên cơ sở 4 trụ cột theo hướng công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo; trung tâm logistic và dịch vụ cảng biển; phát triển dịch vụ, thương mại; lấy Khu liên hiệp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh làm vai trò hạt nhân. Sớm đưa Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II vào vận hành; ưu tiên phát triển điện khí, điện gió, điện mặt trời; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tại các khu tái định cư. Gắn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với bảo vệ môi trường; nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, công nghệ cao tại các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà...

Trên hành trình đi tới, Bí thư Thị ủy Đặng Văn Thành nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Kỳ Anh tiếp tục chủ động biến tiềm năng thành nguồn lực, hóa giải các nguy cơ, tự lực, tự cường với tinh thần nhất quán, xuyên suốt: “Đổi mới, sáng tạo, hành động”. Định hình không gian phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kỳ Anh không chỉ vươn lên tầm cao mới, mà còn khẳng định bước đột phá cho vùng đất trọng điểm của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, con người, gìn giữ nền văn hóa giàu bản sắc; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của nhân dân.

Bước đi, cách làm và khả năng lắng nghe với tầm nhìn xa của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã mang lại bước tiến vững chắc cho Kỳ Anh, mang lại mô hình phát triển kinh tế bền vững mà một số địa phương lân cận đang tham khảo, học hỏi. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị chắc tay và đội ngũ cán bộ được trui rèn từ thực tiễn sinh động, chắc chắn sẽ vươn tới những kỳ vọng như mong đợi, làm cho vùng quê dưới chân đèo Ngang trở thành nơi đáng sống, sâu nặng nghĩa tình.

Kỳ Anh bây giờ đã vững chãi một tiền đồ rộng mở. Vẫn sừng sững một Hoành Sơn hùng vĩ, trên mảnh đất “bom cày, đạn dội” năm xưa giờ là những xanh ngắt niềm tin, nuôi đắp khát vọng với những khu công nghiệp quy mô, sầm uất; là những ngôi nhà với kiến trúc hiện đại, bề thế, vươn cao; những con đường huyết mạch, giao thương cả nước tụ về. Những thành quả đó được dựng xây bằng bàn tay, khối óc, bằng tâm huyết vươn tới không ngừng. Người Kỳ Anh biết nâng niu, trân trọng quá khứ, nền móng từ ông cha dựng xây, biết chắt chiu những giọt mồ hôi để tạo dựng cơ đồ.

Mùa Xuân đã về. Nghe xôn xao gió thổi trăm miền. Nguồn điện năng từ những nhà máy mới, những lò thép rực hồng như sức sống mùa xuân… Rộn rã tiếng còi của những con tàu từ cảng Vũng Áng - Sơn Dương vang vọng Hoành Sơn đè sóng hướng tới phía hừng đông.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất