Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X của Đảng đã đưa ra Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó yêu cầu thành lập “cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả” để khắc phục những hạn chế của quản lý nhà nước về biển và hải đảo theo ngành. Thực hiện Chiến lược này, ngày 04/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Tiếp đó Thủ tướng Chính phủ banh hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Việc ra đời cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quản lý biển và hải đảo ở nước ta.
Kể từ đó đến nay, trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tập hợp được trên 700 công chức, viên chức và người lao động với chức năng xuyên suốt là xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo phương thức quản lý tổng hợp với các lĩnh vực quản lý điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quản lý khai thác biển và hải đảo, kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đã bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Đặc biệt, trong giai đoạn Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), bám sát phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, ngành quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã và đang từng bước nâng tầm nhận thức lý luận, đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng chiến lược quốc gia về quản lý biển và hải đảo phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dự báo và chất lượng hoạch định, triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý để vươn lên trở thành cơ quan tham mưu tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cấp ủy và chính quyền địa phương đối với sự nghiệp quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Vì những thành tựu đạt được trong 10 năm qua, Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân Chương lao động hạng Nhì ngay trong buổi lễ long trọng này.
Phát biểu tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên biểu dương và ghi nhận những thành tích quan trọng mà Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tiễn hiện nay đang ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, lực lượng công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các Chi cục Biển và Hải đảo cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục thực hiện tốt 8 nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ để cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 30/5/2007 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 10/12/2015 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và tổ chức xây dựng Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn sau năm 2020.
Thứ hai, đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm khai thác bền vững tài nguyên, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để bảo đảm tính thực tiễn, khả thi trong tổ chức, thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương nhằm tạo ra sự thông suốt trong chỉ đạo, điều hành đối với công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Xây dựng cơ chế liên ngành, liên vùng trong quản lý tổng hợp thống nhất biển đảo.
Thứ tư, tổ chức triển khai pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiệu quả. Đặc biệt sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng biển và hải đảo. Rà soát, ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường biển và hải đảo nói riêng.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông, bảo đảm quốc phòng – an ninh các vùng biển đảo, phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững.
Thứ bảy, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ biển và hải đảo phục vụ quốc phòng - an ninh trên biển, khai thác bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, phòng chống thiên tai trên biển.
Thứ tám, mở rộng hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế tại các diễn đàn song phương và đa phương để trao đổi kinh nghiệm, tận dụng nguồn lực về khoa học, công nghệ và tài chính, phương pháp quản lý phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo ở nước ta một cách hiệu quả, khoa học. Triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước và thỏa thuận quốc tế về biển và hải đảo. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.