Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về báo chí cách mạng”, giới thiệu với bạn đọc tư tưởng của Bác về vai trò của cán bộ báo chí, nhiệm vụ của báo chí, của người làm báo, của tờ báo Đảng... Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người căn dặn, báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.
Chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, có bài “Đổi mới tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ thực tiễn một số địa phương” của tác giả Xuân Phong. Bài viết từ chỗ chỉ ra những hạn chế, bất cập như: Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chưa cao; tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều đầu mối, nhiều tổ chức, số lượng công việc không đều; bất cập, chồng chéo trong hoạt động của đảng bộ khối và đảng đoàn, ban cán sự đảng… Từ đó, tác giả đã tổng hợp nhiều đề xuất, kiến nghị qua một số cuộc khảo sát, lấy ý kiến của các địa phương về đổi mới mô hình tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh.
Bài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý” phóng viên Thu Thủy (Tạp chí Xây dựng Đảng) đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng (UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội) xung quanh những kết quả Đảng bộ thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua, những khó khăn, hạn chế và những biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Góp phần tổng kết 20 năm Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Tạp chí đăng một loạt bài về công tác cán bộ. Bài “6 giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận” tác giả Minh Anh đã phân tích thực trạng và đề ra các giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của MTTQ Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ. Bài “Để phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ”, TS. Trần Đắc Hiến (Bộ Khoa học và Công nghệ) đi sâu khái quát sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, nhờ đó đội ngũ này không ngừng lớn mạnh. Tuy nhiên, bài viết cũng mạnh dạn nhìn nhận một thực tế đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ tuy tăng mạnh về số lượng và bằng cấp, nhưng chất lượng thậm chí còn thấp. Nguyên nhân do đâu và giải pháp ra sao? Bạn đọc quan tâm sẽ tìm thấy lời giải khi đọc bài viết này.
Cũng trong Chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, bài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm” của tác giả Đoàn Duy Anh có cách tiếp cận mới gắn với tình hình việc làm và vị trí việc làm đang được các tổ chức trong hệ thống chính trị tích cực triển khai thực hiện. Bài viết cho bạn đọc thấy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo việc làm là các chuỗi đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức với các mục tiêu cụ thể, nhấn mạnh đến cách làm đồng bộ, có kế hoạch và quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về đạo đức, chuyên môn, kết hợp lý luận và thực tiễn gắn với việc làm, vị trí chức danh của cán bộ.
Bài “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ ở một số tỉnh phía bắc”, tác giả Gia Lương đã chỉ rõ hiệu quả từ cách làm đúng đắn, những hạn chế, khó khăn và một số giải pháp phù hợp về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác hội của hội phụ nữ các cấp, để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ hiện nay.
Bài viết “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ở Tuyên Quang”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) đề cập đến những kết quả nhiều mặt trong công tác cán bộ nữ của Tuyên Quang, đồng thời nêu ra 5 kinh nghiệm cụ thể để các địa phương khác có thể nghiên cứu, học tập.
Bài viết “Xây dựng đội ngũ cán bộ từ thực tiễn Nghệ An”, tác giả Nguyễn Hữu Lậm (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) khẳng định những đổi mới trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ở tỉnh Nghệ An và cách làm đó đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Bài “Đắk Nông tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ chốt”, tác giả Mai Thị Xuân Trung (Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) đi sâu phân tích cách làm phù hợp của một tỉnh miền núi biên giới ở Tây Nguyên để có được những kết quả nhiều mặt trong tạo nguồn cán bộ chủ chốt các cấp.
Bài “Tạo nguồn và sử dụng cán bộ nữ, trẻ ở Bến Tre” của tác giả Đinh Thành nêu bật cách làm, kết quả và kinh nghiệm trong tạo nguồn, bố trí và sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở các cấp, các ngành của Bến Tre.
Bài “Thành phố Sóc Trăng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường” của tác giả Nguyễn Thị Kiều Linh (Ban Tổ chức Thành ủy Sóc Trăng) đi sâu phân tích những kinh nghiệm của Sóc Trăng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường, nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi, bài viết “Để tiếp tục thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới” của tác giả Phạm Văn Định đã đề xuất những giải pháp để tiếp tục thực hiện Chiến lược cán bộ nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đó là: hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình trong công tác cán bộ; mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ; tăng cường trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, đặc biệt là của người đứng đầu trong công tác cán bộ và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ.
Bài “Bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước” của ThS. Đào Lộc Bình (Học viện Chính trị khu vực IV) làm rõ quan niệm về bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp phải thể chế hóa sự cầm quyền của Đảng bằng pháp luật, cụ thể là thể chế hóa nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước cũng như cơ chế vận hành mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước.
Bài “Giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên của các đảng bộ xã ở Thanh Hóa” của ThS. Trịnh Gia Hiểu (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội). Bài viết trao đổi những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Thanh Hóa hiện nay. Bài viết cũng gợi mở cách làm cho các địa phương khác trong cả nước trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Trần Hữu Nghĩa (Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh) đề cập đến kết quả, kinh nghiệm và những đề xuất, kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 23-10-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về việc tiếp tục thực hiện Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Chi bộ lưu học sinh Bắc Kinh - Một địa chỉ đỏ” của Lan Phương. Tác giả viết về cách làm sáng tạo của Chi bộ Lưu học sinh tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức quần chúng lưu học sinh thực hiện các nghị quyết của Đảng và của Chi bộ, bước đầu thu được những kết quả quan trọng.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Người làm báo trước hết là công dân gương mẫu” của Minh Hằng viết về kinh nghiệm của toàn thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Thái Nguyên nghiêm túc học tập và làm theo Bác Hồ trước khi thực hiện nghĩa vụ người làm báo và được thể hiện thông qua việc tích cực tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng).
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức số này có bài viết “Từ chuyện ở một đảng bộ” của Hồng Chương. Tác giả chia sẻ những suy ngẫm về công tác xây dựng đảng ở cơ sở, về vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình, vai trò của cơ quan tham mưu về cán bộ, kiểm tra của cấp ủy cấp trên…
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Cần có sự đồng bộ” của Mai Anh, bình luận qua việc một số cán bộ cấp cao bị xem xét, thi hành kỷ luật. Tác giả nhấn mạnh xây dựng, thực hiện quy chế nhân dân tham gia giám sát cán bộ cùng với rà soát, bổ sung, sửa đổi, quy chế, quy định trong các khâu của công tác cán bộ sẽ góp phần “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực không chỉ trong công tác cán bộ mà trong hoạt động của các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Từ con số không tròn trĩnh đến một nhà báo đầy kinh nghiệm”, tác giả Ngô Ngọc Nhâm (Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc) giới thiệu về đảng viên - nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Pháp luật và đạo đức” tác giả Ma Văn Kháng chia sẻ những suy ngẫm một triết lý sống - có lương tâm, đạo đức cùng với việc thượng tôn pháp luật, thể chế mới đủ điều kiện để con người và xã hội trở nên tốt đẹp.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Trần Phương; “Họp báo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ hai - năm 2017” của Bá Thắng.
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài “Vị trí việc làm và tuyển chọn công chức” của tác giả Đình Anh. Bài viết giới thiệu với bạn đọc vài nét về kinh nghiệm tuyển chọn công chức theo vị trí việc làm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Xin-ga-po.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chính sách cán bộ.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 6-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.