Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về giai cấp công nhân”, giới thiệu với bạn đọc tư tưởng của Bác về vai trò, đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân; về bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta; sự cần thiết phải xây dựng giai cấp công nhân về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng,… Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Nhân kỷ niệm 199 năm Ngày sinh C.Mác (5-5-1818 – 5-5-2017), chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, PGS, TS. Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có bài “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - minh chứng sinh động dự báo thiên tài của C.Mác”. Bài viết đã khái quát quan điểm của C.Mác về vai trò của khoa học, công nghệ trong nền sản xuất xã hội, khẳng định dự báo thiên tài của C.Mác về những thay đổi khi “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Tác giả phác họa một số đặc điểm và tác động chủ yếu của cuộc cách mạng này, nhất là liên hệ đến những tác động của nó đối với Việt Nam hiện nay.
Nhân kỷ niệm 90 năm tác phẩm nổi tiếng “Đường cách mệnh” (1927-2017) và 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2017), TS. Trần Thị Phúc An có bài “Phương pháp phân tích thực tiễn trong “Đường cách mệnh”. Từ một cách tiếp cận, một phương pháp nghiên cứu, tác giả nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của tác phẩm. Đây là tác phẩm đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam; là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta về đường lối cách mạng Việt Nam. Tác phẩm “Đường cách mệnh” vẫn đang tiếp tục soi sáng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
Cũng trong chuyên mục này, qua bài “Một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong quy hoạch cán bộ” tác giả Diệp Chi đã phân tích những ưu điểm, hạn chế khi thực hiện Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương thời gian qua, tác giả nêu rõ những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24-2-2017 “Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu tại Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012”.
Bài viết “Công tác quy hoạch cán bộ - 20 năm nhìn lại”, tác giả Lê Xuân Lịch đi sâu phân tích, so sánh giữa 2 giai đoạn trước và sau khi có Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Bài “Quy hoạch, luân chuyển cán bộ ở Quân chủng Phòng không - Không quân” Trung tướng, TS. Lê Huy Vịnh (UVTƯ Đảng, Tư lệnh Quân chủng) khẳng định những kết quả đạt được của Quân chủng trong quá trình thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; đồng thời đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để làm tốt công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ của Quân chủng.
Bài “Luân chuyển, bố trí cán bộ không là người địa phương trong Công an nhân dân”, Đại tá Nguyễn Hải Trung (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND) khẳng định những kết quả và ưu điểm qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/BCA ngày 7-8-2012 về bố trí giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trưởng công an cấp huyện không là người địa phương và Kế hoạch số 76/KH-BCA-X11 ngày 3-4-2013 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, chỉ huy kết hợp với bố trí giám đốc công an tỉnh, thành phố và trưởng công an cấp huyện không là người địa phương. Bài viết nêu ra một số kinh nghiệm và giải pháp trong thời gian tới.
Bài viết “Luân chuyển cán bộ về cơ sở ở Sơn La - Thực tiễn và kinh nghiệm”, tác giả Xuân Vinh chỉ rõ một số kinh nghiệm của các cấp uỷ đảng ở Sơn La quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm nhằm điều động, luân chuyển và tăng cường cán bộ cho cấp xã.
Bài viết“Thái Bình luân chuyển cán bộ không là người địa phương”, tác giả Minh Phương đề cập đến những đề án, kế hoạch, giải pháp và kinh nghiệm của Thái Bình trong công tác luân chuyển cán bộ nhằm góp phần khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ và hiện tượng cục bộ, trì trệ, quan liêu, tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bài “Luân chuyển cán bộ ở Đắk Lắk - Những vấn đề đặt ra”, tác giả Minh Anh đi sâu phân tích cách làm phù hợp của Đắk Lắk để có được những kết quả nhiều mặt trong công tác luân chuyển cán bộ. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.
Bài “Thấy gì từ luân chuyển cán bộ ở Vĩnh Long”, tác giả Phan Thanh Toản (Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) nêu bật kết quả trong công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua. Bài viết cũng chỉ ra không ít hạn chế, vướng mắc, những kinh nghiệm và một số kiến nghị để tiếp tục thực hiện chủ trương này đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Để luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả” của tác giả Bùi Văn Tiếng. Từ việc phân tích những hạn chế đang bộc lộ trong quá trình thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, tác giả đề xuất những giải pháp để luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả. Theo tác giả, giải pháp căn bản nhất nằm ở chính trong nhận thức chủ quan của bản thân những cán bộ luân chuyển.
Bài “Cơ chế kiểm soát quyền lực khi bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND” của PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tập trung nghiên cứu những hạn chế, khuyết điểm của mô hình này và biện pháp khắc phục. Tác giả nhấn mạnh cần tập trung thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bí thư cấp uỷ, nhất là cơ chế đặc thù khi bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND do các tổ chức đảng có thẩm quyền ban hành. Từ đó, tác giả đề xuất 6 nhóm giải pháp cần thực hiện đối với mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp.
Bài “Khắc phục tính hình thức trong xây dựng nghị quyết của cấp uỷ” của tác giả Nguyễn Văn Biết (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp). Bài viết trao đổi những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết (từ khâu chuẩn bị, khâu thông qua nghị quyết đến thành viên cơ quan quyết định), đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ ở TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Đinh Thành đề cập đến kinh nghiệm của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ chủ chốt, tạo bước chuyển biến tích cực. Đó là: Gắn quy hoạch với các khâu trong công tác cán bộ; chủ động luân chuyển cán bộ và một số đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương để làm tốt hơn công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ thời gian tới.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) trong Đảng bộ Quân đội” của TS. Đỗ Văn Dạo (Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị QĐNDVN). Tác giả viết về cách làm sáng tạo của Đảng bộ Quân đội đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và bước đầu thu được những kết quả quan trọng.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Lương Tài học và làm theo lời Bác” của Mai Anh viết về kinh nghiệm các cấp uỷ đảng của huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) triển khai thực hiện học và làm theo Bác với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, ra sức thi đua, xây dựng quê hương Kinh Bắc ngày càng giàu đẹp.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức số này có bài viết “Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác tổ chức” của Hồng Chương. Tác giả chia sẻ những suy ngẫm về tiêu chuẩn cán bộ tổ chức hiện nay. Cần phải làm như thế nào để có được một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ sức tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị, nhất là trong thời kỳ đổi mới.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Gần dân” của Tuấn Minh, bình luận qua giải quyết điểm “nóng” Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Ý nghĩa sâu xa của vấn đề này, theo tác giả mọi nguyên nhân, bức xúc nếu được gỡ nút thắt ngay từ cơ sở, huyện thì sẽ được giải quyết ổn thoả, không thể dẫn đến tình trạng bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm. Tác giả nhấn mạnh gần dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng là một bài học không bao giờ cũ.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Nơi góc nhỏ khơi nguồn con chữ”, tác giả Nguyễn Hạnh giới thiệu về đảng viên cao tuổi Phạm Thị Huyền Dung tâm huyết với quầy sách, báo miễn phí ở khu vực Gò Đống Đa (Hà Nội), trân quý văn hoá đọc, tạo nơi giao lưu tình cảm, tấm lòng giữa con người với con người.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Nghệ thuật sống chung” tác giả Ma Văn Kháng chia sẻ những suy ngẫm sống quả là cả một nghệ thuật lớn, trước hết là tìm ra mẫu số chung của một tập thể, một cộng đồng, đồng thời cần nhịn nhường, tôn trọng những bản sắc, giá trị khác biệt của nhau. Một sự thống nhất trong đa dạng - là một triết lý sống.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đoàn khảo sát Đề án Trung ương 6 (khoá XII) làm việc tại một số địa phương, đơn vị” của Hồng Phúc; “Hội nghị công tác luân chuyển cán bộ” của Phạm Giang.
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài: “Phương pháp đánh giá công chức ở một số quốc gia” của tác giả Trần Thiết. Bài viết giới thiệu với bạn đọc vài nét về kinh nghiệm đánh giá công chức của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Bài “Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào” của tác giả Sa-vát Chăn-tha-pri-xay đề cập đến những kết quả và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về nghiệp vụ công tác đảng viên; xét công nhận người hoạt động cách mạng…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 5-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng