Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về thương binh - liệt sĩ”, giới thiệu với bạn đọc những tình cảm và sự trân trọng của Bác đối với sự cống hiến, hy sinh anh dũng của các thương binh, liệt sĩ. Bác nhắc nhở bổn phận của mỗi người chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Bác cũng mong muốn đối với thương binh, quân nhân phục viên, phải phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội bất kỳ đi đâu, làm gì đều phải gương mẫu, phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của người quân nhân cách mạng.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017), chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, đồng chí Đào Ngọc Dung (UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) có bài “Tập trung giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng - việc làm thiết thực tri ân người có công với cách mạng”. Tính đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công được hưởng trợ cấp một lần và hằng tháng. Trong đó có 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng; hàng chục ngàn con thương binh, con liệt sỹ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, y tế; gần 15 ngàn cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ về nhà ở… Bài viết đã khái quát quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công. Với mục tiêu người có công phải được hưởng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác rà soát với nhiều hình thức và đem lại nhiều kết quả thiết thực. Bài viết đề ra những giải pháp cần tập trung thực hiện để tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Cùng mạch bài kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Trung tướng Lê Văn Hân (Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam) có bài “Tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Bài viết nhấn mạnh đến các giải pháp mà mỗi cấp bộ đảng, chính quyền, mỗi người dân và tổ chức chính trị - xã hội cần phải tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ.
Với chủ đề trọng tâm về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong chuyên mục này, qua bài “Đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở” tác giả Trần Xuân đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bất cập của hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập này.
Bài viết “Sắp xếp bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ cơ sở - Kinh nghiệm từ một số địa phương”, tác giả Trương Nguyệt đi sâu phân tích thực trạng tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị cơ sở, những kết quả bước đầu và những vấn đề cấp bách phải đổi mới, sắp xếp lại.
Bài “Đổi mới, sắp xếp hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập” tác giả Trần Việt khẳng định đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là nhằm thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, giải phóng nguồn lực đất đai, tài sản, nhân lực, giảm gánh nặng cho ngân sách, nâng cao năng lực cung cấp, chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân tốt hơn.
Bài “Phú Thọ sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở”, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lại Tiến Thịnh chỉ rõ những kết quả của Phú Thọ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở.
Bài viết “Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế ở Móng Cái (Quảng Ninh)”, tác giả Mai Anh đề cập đến kinh nghiệm của Thành ủy Móng Cái trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3-3-2015 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản biên chế”, nhờ đó, hệ thống chính trị từng bước được củng cố, tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp lại đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ xã hội và nhân dân. Bài viết cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện và những nhiệm vụ đặt ra cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Bài “Về kiện toàn tổ chức, biên chế hệ thống chính trị ở Nghệ An”, tác giả Đậu Văn Thanh (Giám đốc Sở Nội vụ) đi sâu phân tích cách làm phù hợp với tình hình thực tế của Nghệ An và đã có những kết quả bước đầu trong đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế. Theo tác giả, điểm nổi bật trong các giải pháp là Tỉnh ủy và UBND tỉnh tập trung chuẩn bị tốt hệ thống văn bản hướng dẫn, xây dựng cơ cấu lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Xác định trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân trong tình hình hiện nay” của GS, TS. Vũ Văn Hiền (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương). Từ việc phân tích bản chất mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, thực trạng và những vấn đề đặt ra, tác giả đi sâu phân tích những giải pháp cơ bản để giữ vững và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân ngày càng thêm bền chặt, thực chất, hiệu quả.
Bài “Về tiêu chuẩn, tố chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của tác giả Phạm Văn Định phân tích về sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, về cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới, từ đó tác giả đề xuất những tiêu chuẩn và tố chất cơ bản, cần có của người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta để đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này.
Bài “Về tổ chức bộ máy, cán bộ trong hệ thống chính trị ở cấp huyện” của tác giả Hồng Văn. Bài viết trao đổi những kinh nghiệm, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp huyện trong thời gian tới.
Bài “Kinh tế thị trường và đạo đức” của tác giả Vũ Lân. Bài viết khẳng định về sự cần thiết phải có sự tổng kết và kiểm điểm sâu sắc việc giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN qua tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Bởi vì, theo tác giả, giữa kinh tế thị trường và đạo đức có mối quan hệ hữu cơ và đặc biệt quan trọng ở nước ta hiện nay khi mối quan hệ này chưa được nhận thức đầy đủ và có những giải pháp hữu hiệu. Đây chính là nguyên nhân của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Thực hiện tinh giản biên chế ở TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Đinh Thành đề cập đến kinh nghiệm của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, phân công rõ người, rõ việc hướng tới mục tiêu giảm được 10% biên chế theo chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ.
Bài “Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa”, tác giả Nguyễn Đức Hòa (Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh) viết về kinh nghiệm của Đảng ủy Khối cùng các cấp cơ sở đã quan tâm đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức sau cổ phần hóa, tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, vị trí của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Những mô hình đối thoại hiệu quả ở Châu Thành” của Sơn Tra. Tác giả viết về cách làm sáng tạo của huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) triển khai nhiều mô hình lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, góp phần tạo sự gắn kết, đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và bước đầu thu được những kết quả quan trọng.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Học Bác ở Cần Đước: Những mô hình hay, cách làm hiệu quả” của Thanh Nga viết về kinh nghiệm các cấp uỷ đảng của huyện Cần Đước (tỉnh Long An) triển khai thực hiện học và làm theo Bác với việc đề cao vai trò người đứng đẩu và có những cách làm hay, mô hình hiệu quả.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức số này có bài viết “Quản lý công chức trong các cơ quan đảng dưới góc nhìn của người làm nghề tổ chức” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Tác giả chia sẻ những ý kiến về đổi mới công tác quản lý công chức các cơ quan đảng cấp tỉnh và cấp huyện hiện nay.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Bước đổi mới” của Bảo Yến, bình luận qua việc Ban Tổ chức Trung ương ban hành Kế hoạch số 81-KH/BTCTW ngày 12-6-2017 về thi tuyển vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ, Cơ sở đảng và Địa phương III. Đây là lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương thực hiện thi tuyển chức danh quản lý cấp vụ và cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện việc thí điểm thi tuyển trong số 14 bộ, ngành ở Trung ương, 22 địa phương được chọn thực hiện thí điểm đợt này. Việc làm này hứa hẹn đem đến nhiều sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Người thương binh vượt khó làm giàu”, tác giả Nguyễn Bá Thắng giới thiệu về đảng viên, cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Tiến Chức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tiến. Ông là tấm gương sáng về ý chí kiên cường và nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Sức mạnh của đồng tiền và năng lực chống trả” tác giả Ma Văn Kháng chia sẻ những suy ngẫm về những phẩm chất mà người cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cần có. Những người làm công tác cán bộ phải có con mắt tinh đời nhận biết, để tham mưu, đề xuất sử dụng.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức - cán bộ và quản lý công chức, viên chức” của Bá Thắng; “Tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số” của Mai Anh.
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến lược công nghiệp mới ở quốc gia phát triển” của tác giả Đình Anh. Bài viết giới thiệu với bạn đọc lược sử 3 cuộc cách mạng công nghiệp và nội hàm khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chiến lược công nghiệp mới ở một số nước phát triển (Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc).
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2017), cũng trong chuyên mục này có bài “Tỉnh Luông Nậm Thà với công tác phát triển đảng viên” của tác giả Sa-vát Chăn-tha-pri-xay đề cập đến những kết quả và giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng công tác phát triển đảng viên.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên; công tác bầu cử; chính sách cán bộ…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 7-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.