Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công tác tư tưởng”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng. Người khẳng định: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Người lưu ý: “Phải học cách nói của quần chúng… mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu” thì công tác tuyên truyền mới có hiệu quả.
Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2017), chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, TS. Trương Thị Bích Hạnh (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ) có bài “Khi khát vọng độc lập, tự do là điểm tương đồng”. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra trang sử huy hoàng, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên CNXH. Những kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám được tiếp tục nghiên cứu, khai thác. Bài viết đi sâu khai thác khía cạnh kinh nghiệm về chính sách đại đoàn kết dân tộc giai đoạn trước khi giành chính quyền và những năm 1945-1946 khi chọn độc lập, tự do làm điểm tương đồng để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Bài học này vẫn còn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với chủ đề trọng tâm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các tác giả Nguyễn Khắc Dịu - Nguyễn Thanh Hùng (Ban Tổ chức Trung ương) có bài “Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp - Những kết quả bước đầu”. Bài viết đề cập đến các kết quả bước đầu thực hiện Thông báo số 98-TB/TW ngày 29-6-2012 của Bộ Chính trị, kết luận về việc mở lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp.
Bài “Một số vấn đề về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh”, TS. Trần Quốc Dương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đi sâu phân tích thực trạng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh; nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức trong Đảng, trong xã hội, những mặt được và chưa được về vấn đề quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới, từ đó cần có những giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bài “Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu dân cử” tác giả Nguyễn Bá Thắng phản ánh những kết quả cũng như những hạn chế trong việc trang bị kiến thức và những kỹ năng cơ bản cho các đại biểu dân cử và những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.
Bài “Bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện - Kết quả và kiến nghị”, PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định vai trò của bí thư cấp ủy cấp huyện, chỉ rõ những kết quả và kiến nghị trong việc bồi dưỡng đối tượng này trong quá trình thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về “Chế độ bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên”; Hướng dẫn số 82-HD/TW ngày 12-6-2013 của Ban Tổ chức Trung ương.
Bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc”, TS. Trương Thị Bạch Yến đề cập đến kinh nghiệm và những giải pháp của cấp ủy đảng các tỉnh vùng Tây Bắc nỗ lực phối hợp, phát huy vai trò của các lực lượng để triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số.
Bài “Đào tạo cán bộ, công chức cấp xã - Kinh nghiệm của một số địa phương miền Bắc”, tác giả Bảo Nam đi sâu phân tích cách làm phù hợp với tình hình thực tế của Bắc Giang, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Bài “Bồi dưỡng bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở - Kinh nghiệm từ Thanh Hóa”, tác giả Lê Việt (Trường Chính trị tỉnh) nêu bật cách làm, kết quả và kinh nghiệm từ thực tiễn của Thanh Hóa đối với việc bồi dưỡng bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở.
Bài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh - Từ thực tiễn ở Phú Yên” của tác giả Nguyễn Đình Phúc (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) tập trung khai thác kết quả, những vướng mắc, hạn chế và 6 kinh nghiệm của Phú Yên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh.
Bài “Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở ngoài nước” của TS. Nguyễn Văn Du (Chánh Văn phòng Đề án 165) phản ánh những nét mới, kết quả nhiều mặt của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (Đề án 165) từ khi có Quyết định số 08-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XII) ngày 14-4-2016 chính thức đi vào hoạt động đến nay.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Vấn đề trang bị tri thức Lãnh đạo học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương). Từ việc phân tích tính cấp thiết về đào tạo, bồi dưỡng tri thức về Lãnh đạo học tác giả đưa ra một số đề xuất để trang bị cho người học về tri thức và kỹ năng lãnh đạo trong tương lai hoặc nâng cao năng lực cho những người đang đảm nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, cả trong khu vực tư và công.
Bài “Đổi mới công tác cán bộ trong các cơ quan đảng cấp tỉnh” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cần đổi mới công tác cán bộ trong các cơ quan đảng như thế nào để vừa nâng cao hiệu quả tham mưu cho cấp ủy trong bối cảnh có sự đổi mới về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị hiện nay.
Bài “Giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý hành chính Nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh” của PGS, TS. Trương Thị Hiền. Bài viết phân tích những yêu cầu bức thiết cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mô hình chính quyền đô thị từ thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh và phát huy tiềm năng, sức mạnh của thành phố với vai trò, vị trí là trung tâm về nhiều mặt của khu vực và cả nước.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Nhân tố tạo nên những thành tựu nổi bật của TP. Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới”. Tác giả Nguyễn Minh Trí - Vũ Văn Thành đề cập đến kinh nghiệm của Đảng bộ và nhân dân thành phố vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa thành phố trở thành một trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)” của Nguyễn Quốc Toản (Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Tác giả viết về cách làm sáng tạo của Ninh Bình trong triển khai kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Công an Gia Bình làm theo lời Bác” của Lê Loan viết về Công an huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần “Vì Nước quên thân, vì Dân phục vụ”, lập nên nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài viết “Chuyện về người thủ trưởng” của Hồng Văn. Nhân một câu chuyện cụ thể, tác giả chia sẻ những suy nghĩ, cách thức về việc lựa chọn cán bộ tham mưu, giúp việc cho người thủ trưởng, về phẩm chất của người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp trên (ban tổ chức và ủy ban kiểm tra)... phải như thế nào.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Một biểu hiện suy thoái” của Đình Tùng, bình luận qua việc gần đây dư luận xã hội, báo chí đưa nhiều tin, bài về những biệt thự, biệt phủ rộng lớn, nguy nga, lộng lẫy của các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều địa phương.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Còn sức, tôi còn cống hiến”, tác giả Phạm Giang giới thiệu về bà Tạ Thị Ngọc Thanh, “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016, tấm gương của người đảng viên về nhiệt huyết và trách nhiệm với công tác xã hội.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Lời nói dối bôi trơn” tác giả Ma Văn Kháng triết lý về bản chất vấn đề đằng sau những lời nói ngọt ngào trơn tru, nhận diện và cách ứng xử kể cả trường hợp xuất phát từ thiện tâm, thiện ý. Đừng tự ru ngủ mình bởi những câu nói bôi trơn, cần nhận thức và phân biệt thật - giả, đúng - sai trong cuộc sống hằng ngày.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đảng bộ cơ quan Ban Tổ chức Trung ương triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017” của Mai Anh; “Kinh nghiệm xây dựng bộ máy chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, cải cách hành chính ở Nhật Bản” của Xuân Sơn; “Trang thông tin điện tử Giải Búa liềm vàng chính thức đi vào hoạt động”; “Thực hiện chính sách BHXH: Hướng tới nền y tế công bằng, hiệu quả”.
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài: “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan Cảnh sát Nhân dân Lào” của tác giả Bun-hương Thăm-mạ-cột (Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào). Bài viết giới thiệu với bạn đọc Đảng ủy Cảnh sát Nhân dân Lào đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng lực lượng, trọng tâm là công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ sĩ quan Cảnh sát Nhân dân Lào mạnh về chính trị, chuyên sâu về nghiệp vụ, mẫu mực về tác phong công tác và sinh hoạt.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác bầu cử; công tác cán bộ; chính sách cán bộ…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 8-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.