Trang 1, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về dân chủ trong Đảng”, giới thiệu với bạn đọc tư tưởng của Bác về mở rộng dân chủ nội bộ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình… Theo Bác, mọi việc đều phải bàn bạc một cách dân chủ và tập thể, có thế mới xây dựng nội bộ đoàn kết,... Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu gương mẫu trong việc thực hành dân chủ: “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ… Toàn thể đảng viên - trước hết là các cán bộ phụ trách - phải làm gương mẫu về tự phê bình và phê bình”.
Trang 2, Tạp chí thông tin về những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV với tiêu đề: “Quyết tâm cao, giải pháp đột phá, quyết liệt”.
Kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2016), chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, Tạp chí giới thiệu bài viết của PGS,TS. Trần Quang Nhiếp “Bài học về công tác cán bộ từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga”. Bài viết nhấn mạnh những bài học sâu sắc, thiết thực về lý luận và thực tiễn trong công tác cán bộ, đảng viên của đảng cộng sản cầm quyền từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin. Đó là, đảng cầm quyền phải luôn luôn chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đảng viên. Quan điểm bao quát trong công tác cán bộ là coi trọng chất lượng về mọi mặt, đi vào thực chất công việc, thực hiện thanh Đảng, làm trong sạch Đảng. Để bố trí, sử dụng cán bộ có hiệu quả, cần khách quan, công tâm, đúng người, đúng việc và có nguyên tắc. Theo V.I.Lê-nin, 3 kẻ thù chính của công tác cán bộ cần phải cảnh giác và có thái độ kiên quyết là: tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; nạn mù chữ, sự ngu dốt, cản trở việc giáo dục chính trị và nạn hối lộ, tham nhũng. Bài viết cho thấy, những chỉ dẫn của V.I.Lê-nin vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác cán bộ của Đảng ta ngày nay.
Kỷ niệm 196 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28-11-1820 - 28-11-2016), PGS,TS. Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có bài viết “Từ quan điểm về dân chủ của Ph.Ăng-ghen”. Bài viết đã khái quát những tư tưởng sâu sắc, khá toàn diện của Ph.Ăng-ghen về bản chất dân chủ XHCN. Từ đó, tác giả có những suy nghĩ liên hệ về thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ hiện nay: Một là, đội ngũ bí thư, cấp uỷ viên các cấp cần nhận thức đúng vai trò quan trọng, yêu cầu bức thiết về thực hành dân chủ trong Đảng. Hai là, trong tuyển chọn cán bộ cần quán triệt và đề cao tính dân chủ, minh bạch, khách quan, công bằng. Ba là, mở rộng dân chủ trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và đề cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu. Bốn là, xây dựng cơ chế bảo đảm các quyền của đảng viên về thông tin, phê bình, chất vấn cán bộ, cơ quan lãnh đạo. Năm là, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống sự lạm dụng quyền lực.
Bài viết “Quan điểm quần chúng trong công tác cán bộ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh” của Nguyễn Phi Long đã khái quát những nội dung cơ bản về quan điểm quần chúng trong công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là: Lựa chọn cán bộ phải đặt trong mối quan hệ với quần chúng; Cán bộ phải là người có quan điểm vì quần chúng; Bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong phong trào quần chúng; Đánh giá cán bộ phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn phong trào quần chúng; Rèn luyện phong cách quần chúng của người cán bộ cách mạng.
Bài viết “18 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” của Minh Anh phản ánh về kết quả đạt được sau 18 năm mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động tham gia vào xây dựng, triển khai, giám sát và phản biện xã hội theo Quy chế dân chủ ở cơ sở; góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả việc xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và thực hành chính sách ở cơ sở.
Bài viết “Để phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ”, tác giả Thuỷ Anh cho rằng cần thực hiện tốt một số biện pháp sau: Loại trừ “căn bệnh” dân chủ hình thức; Tạo môi trường thân thiện, khuyến khích đảng viên trong chi bộ bày tỏ chính kiến; Dân chủ, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên phù hợp; Lựa chọn bí thư chi bộ có phẩm chất và năng lực.
Bài viết “Thái Bình mở rộng dân chủ trong tuyển chọn cán bộ”, tác giả Phạm Giang nhấn mạnh đến 2 vấn đề quan trọng và có nhiều đổi mới là: Từ thi tuyển cán bộ, công chức đến đổi mới quy trình tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là kết quả mở rộng dân chủ trong tuyển chọn cán bộ đã, đang được Tỉnh uỷ Thái Bình coi trọng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tạo dư luận tốt trong xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Bài viết “Quảng Bình qua 10 năm phòng, chống tham nhũng”, tác giả Võ Việt Hùng (Ban Nội chính Tỉnh uỷ) đã tổng hợp những kết quả nổi bật của 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp ở Quảng Bình đã ban hành 549 văn bản, sửa đổi 239 văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi, TS. Lê Thị Thu Hằng (Phó Vụ trưởng Vụ IV, BTCTƯ) có bài viết “Nhìn lại việc thực hiện phân cấp quản lý cán bộ”. Trên cơ sở chỉ ra một số hạn chế, bất cập, có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn sau gần 10 năm thực hiện Quyết định 67-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị quy định về phân cấp quản lý cán bộ, tác giả đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bài viết “Về tổ chức bộ máy, cán bộ ở cơ sở”, trên cơ sở phân tích, đánh giá cụ thể tình hình ở một địa phương, tác giả Hồng Văn đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Bài viết “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong xây dựng Đảng” của tác giả Vũ Lân là sự tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và sự cần thiết phải phát huy vai trò của nhân dân tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng Đảng. Trong bài viết, tác giả đã bàn đến những vấn đề, nội dung trong công tác xây dựng Đảng mà người dân cần biết biết, bàn, làm và kiểm tra.
Với bài viết “Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu”, tác giả Lê Quang nhấn mạnh sự nêu gương là một yêu cầu và biện pháp quan trọng, cấp bách để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, chắc chắn; cán bộ, đảng viên phải xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầu tớ thật trung thành của nhân dân. Tác giả nêu ra 5 giải pháp cơ bản để thực hiện tốt hơn nữa Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này có hai bài viết. Bài “TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ” của tác giả Nguyễn Thị Tô Châu (Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ) đã nêu lên những kết quả, khó khăn và biện pháp tháo gỡ sau 3 năm Ban Thường vụ Thành uỷ có Kết luận số 143-KL/TU ngày 23-10-2013 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của thành phố giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 2459-QĐ/TU ngày 23-10-2013 về ban hành Quy chế Chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ thành phố.
Bài viết “Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh quy mô chưa tương xứng”, tác giả Đinh Thành nhấn mạnh sau 3 năm thành lập, Đảng uỷ Khối đã phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, chương trình hoạt động theo sự chỉ đạo của Thành uỷ và Nghị quyết của Đảng bộ Khối. Tuy nhiên, thực tế tổ chức và hoạt động cho thấy vai trò của Đảng bộ Khối và các tổ chức đảng trực thuộc còn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, cần tổng kết thực hiện Quy định số 294-QĐ/TW của Ban Bí thư, ngày 23-3-2010, để có sự bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống, bài viết “5 kinh nghiệm của Quảng Nam trong xây dựng đội ngũ cán bộ” của Trần Việt viết về các kinh nghiệm của Quảng Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30-5-2011 về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu chùm bài viết “Xứng danh ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải” của Nguyễn Bá Thắng viết về Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, TP. Hà Nội) - ngôi trường trưởng thành trong gian khó, biết chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện, chăm lo đội ngũ giáo viên, phát huy vai trò hạt nhân chính trị, đã đạt những thành tích đáng tự hào. Bài viết “Điểm tựa vững chắc của cán bộ, hội viên phụ nữ” của Nguyễn Đăng Quang (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Pleiku) viết về Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã luôn đồng hành và trở thành điểm tựa vững chắc cho cán bộ, hội viên qua các mô hình, phong trào thi đua của Hội và trong công tác xây dựng đảng, chính quyền.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức, bài viết “Từ việc kỷ luật và kết nạp lại một đảng viên” của tác giả Nguyễn Hồng Chương. Tác giả chia sẻ, suy ngẫm và rút ra những vấn đề về công tác tổ chức - cán bộ và đảng viên, nhấn mạnh trong xử lý kỷ luật đảng viên phải có lý, có tình, không gò bó, cứng nhắc, những cũng không được xuê xoa và bản thân đảng viên bị kỷ luật cũng phải nỗ lực sửa chữa vi phạm để tiếp tục phấn đấu trở lại đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này có bài “Phòng, chống “tự diễn biến” và “Tự chuyển hoá” của ThS. Bùi Thị Oanh (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, TP. Hà Nội), nêu ý kiến bình luận nhân Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Còn sức là còn cống hiến”, Bá Thắng giới thiệu chân dung đảng viên - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh. Là người sáng lập và điều hành một trong những trường ngoài công lập đầu tiên của Thủ đô từ năm 1991, đảng viên - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh bằng tầm nhìn và khát vọng đã xây dựng Trường Nguyễn Siêu thành trường chất lượng cao và là trường ngoài công lập đầu tiên của TP. Hà Nội được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Cái tiếng để đời” tác giả Ma Văn Kháng chiêm nghiệm, triết lý về những tấm gương mẫu mực của đạo lý làm người, về bổn phận của người cán bộ, đảng viên, những người “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Cái tiếng thơm của một con người sau khi mất đi là di sản tinh thần vô cùng quý giá để lại cho hậu thế, không gì so sánh được. Đó là một thứ của cải có khả năng tạo nên những giá trị mới lớn lao cho những thế hệ sau thừa kế.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải nội dung “Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Yên Bái” của Minh Tuấn; “Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác tổ chức năm 2016” của Gia Lương.
Chuyên mục Quốc tế, tác giả Trần Thiết có bài viết: “Vài nét về Liên đoàn các đảng cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô”. Bài viết giới thiệu với bạn đọc về liên minh chính trị tự nguyện của các đảng cộng sản tại các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô trước đây. Hiện nay, Liên đoàn các đảng cộng sản vẫn đang thực hiện sứ mệnh đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động, giữ gìn và bảo vệ các thành quả của chế độ Xô-viết, củng cố và khôi phục mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trong Liên Xô cũ trên cơ sở nhà nước liên bang tự nguyện. Bài viết “Chống tham nhũng ở Trung Quốc” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, BTCTƯ) giới thiệu với bạn đọc nhận diện về tham nhũng, các chiến dịch chống tham nhũng và kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về: nghiệp vụ công tác đảng viên; xét công nhận người hoạt động cách mạng…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 11-2016, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng