Sau 30 năm kháng chiến gian khổ, ngày 2-12-1975, nhân dân các bộ tộc Lào giành được quyền tự do, độc lập với sự ra đời của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (CHDCND). Từ đó đến nay, trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (NDCM), nhân dân các bộ tộc Lào đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế-xã hội dần khôi phục, phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng, vị thế nước Lào ngày càng cao trên trường quốc tế. Thành công của CHDCND Lào để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho những giai đoạn phát triển tiếp theo, trong đó bài học về sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước là quan trọng nhất, được thể hiện trên các mặt:
Đảng NDCM Lào kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển nước đất nước.
Là một dân tộc trải qua nhiều năm chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân các bộ tộc Lào hiểu được giá trị của tự do, độc lập, bởi vậy nhiệm vụ cách mạng quan trọng bậc nhất trong giai đoạn mới là phải giữ vững nền độc lập và xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Nhận thức sâu sắc sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó, trong suốt 35 năm qua, Đảng NDCM Lào luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH - sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là ngọn cờ bách chiến, bách thắng của cách mạng Lào. Khi đất nước bị các thế lực phản động chống phá, Đảng NDCM Lào đã lãnh đạo nhân dân đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Trong hai năm 1977-1978, quân và dân Lào ngăn chặn kịp thời các cuộc bạo loạn ở vùng núi Phu Bia, thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Tháng 4-1984, đập tan cuộc tấn công lấn chiếm của quân đội nước ngoài vào 3 bản: Bản Mày, Bản Cang, Bản Xá thuộc huyện Pạc Lai, tỉnh Xay Nhạ Bu Ly...
Từ năm 1986, Lào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với Lào ngày một tăng. Kẻ thù lúc này không trực tiếp mang súng đạn đến xâm chiếm lãnh thổ Lào, nhưng bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, chúng gây cho cách mạng Lào nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gian khổ, khó khăn càng khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Đảng NDCM Lào. Với việc đề ra đường lối xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, quân dân Lào lần lượt làm thất bại các âm mưu chống phá của địch như: vụ gây rối ở tỉnh Luông Pha Băng (1994), Hủa Phăn (8-2003), Bò Kẹo (7-2007)...
Mặc dù bị các thế lực phản động trong và ngoài nước tìm cách chống phá, đặc biệt là sự biến động nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới, nhưng trước sau như một, Đảng NDCM Lào luôn kiên trì con đường XHCN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có cách làm và bước đi phù hợp với thực tiễn cách mạng Lào.
Tổng kết 20 năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội VIII (2006) Đảng NDCM Lào chỉ rõ: Trong 20 năm qua, Lào đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,2%/năm, tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người tăng hơn 2 lần, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, kể từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, kinh tế Lào luôn giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức cao: GDP năm 2007 đạt 8%, năm 2008 đạt 7,9%, năm 2009 đạt 7,6%. 6 tháng đầu năm 2010, dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng GDP của Lào vẫn đạt mức tăng trưởng 7,6%. Thành tựu trên là minh chứng rõ nét nhất về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng NDCM Lào.
Với quan điểm dân là gốc, dựa vào dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân, Đảng NDCM Lào đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức sáng tạo của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng NDCM Lào không ngừng chăm lo xây dựng khối liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân với đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, coi đây là nền tảng để mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Trong khi chú trọng lợi ích toàn dân tộc, Đảng luôn chăm lo lợi ích của từng giai cấp, từng bộ phận, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Đảng đề ra chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo đúng đắn nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa đồng bào theo đạo và không theo đạo cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của cách mạng là xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập và phồn vinh.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với thường xuyên chăm lo xây dựng và chỉnh đốn Đảng về mọi mặt.
Suốt 35 năm qua, trong hoàn cảnh nào, Đảng NDCM Lào cũng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, với lợi ích của giai cấp công nhân, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học.
Do đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, đặc biệt là sự chống phá các thế lực thù địch đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Lào, Đảng luôn nâng cao năng lực lãnh đạo chính quyền, làm cho chính quyền phát huy bản chất là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền các cấp cũng như toàn bộ hệ thống chính trị, làm cho toàn bộ hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. Trong công tác xây dựng đảng, Đảng NDCM Lào luôn coi trọng đoàn kết, coi đó là truyền thống quý báu và là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển và vững mạnh của Đảng.
Nhằm tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, một mặt Đảng NDCM Lào quan tâm mở rộng dân chủ trong Đảng, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, mặt khác chăm lo công tác tự phê bình và phê bình, coi đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Trải qua hơn nửa thế kỉ xây dựng chiến đấu và trưởng thành, Đảng NDCM Lào đã lớn mạnh không ngừng. Hiện Đảng có khoảng 162.000 đảng viên, sinh hoạt trong hơn 13.000 chi bộ ở khắp nơi trên đất nước Lào. Đảng viên luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, là ngọn cờ tập hợp nhân dân tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đảng NDCM Lào kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để dựng xây, phát triển đất nước.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nước CHDCND Lào đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, đất nước bị tàn phá nặng nề, cơ sở kinh tế lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt nguồn nội lực của quốc gia, từ sức mạnh vật chất đến sức mạnh tinh thần, văn hoá, khoa học-công nghệ... đất nước Lào đã từng bước phục hồi và phát triển. Từ một nền sản xuất nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, đến nay cơ cấu kinh tế của Lào đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Ngành công nghiệp từ số không sau giải phóng nay cũng bắt đầu phát triển với thế mạnh là công nghiệp khai thác, chế biến gỗ, khai thác khoáng sản và phát triển thủy điện. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục đem lại nguồn thu cho đất nước Lào. Những trung tâm thương mại lớn ở Luông Pha Băng, Chăm Pa Sắc đang tạo đà cho một thời kì tăng tốc mới của kinh tế Lào.
Đặc biệt, với đường lối đối ngoại độc lập, rộng mở, trên tinh thần hợp tác cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, Lào đã tranh thủ được tiềm lực khoa học công nghệ của thế giới, đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ về vốn đầu tư của các nước để phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, Lào thiết lập quan hệ ngoại giao với 130 nước, đặt đại sứ quán ở 25 nước, 5 tổng lãnh sự quán, 2 cơ quan đại diện ở Niu-Oóc, Giơ-ne-vơ và có quan hệ với gần 100 chính đảng ở các nước; là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế (Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, ACMEC...). Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng NDCM Lào xác định vấn đề đầu tiên là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải không ngừng được tăng cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác của các nước, từng bước đưa nước Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển theo nghị quyết các kì đại hội Đảng đề ra.
Sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công cuộc xây dựng và phát triển nước CHDCND Lào trong suốt 35 năm qua. Năm tháng đi qua, đất nước Lào đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt trên bước đường đổi mới và hội nhập, nhưng bài học về Đảng lãnh đạo toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển nước CHDCND Lào vẫn là nguyên tắc quan trọng để xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh
Lê Văn Phong
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam