Bước leo thang và phản ứng của quốc tế

16g ngày 26-5, tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa, ngư dân Đà Nẵng ở khu vực cách vị trí hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý về phía nam tây nam. 10 ngư dân đã được các tàu Việt Nam cứu sống. Đây là bước leo thang mới của Trung Quốc sau hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích những hành động xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản ngư dân Việt Nam của lực lượng chức năng Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ B.Ca-đin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ  khẳng định: "Việc đâm chìm tàu cá rõ ràng là hành động đơn phương và nguy hiểm của Trung Quốc. Hành vi như thế rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Nó mang lại những rủi ro rất lớn về tài sản cũng như nhân mạng". Ông cho biết Mỹ đánh giá tình hình hiện nay là nguy hiểm,  kêu gọi Trung Quốc có các hành động nhằm giảm căng thẳng, chứ không leo thang và Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đang cân nhắc và đưa ra một nghị quyết về tình hình hiện nay ở Biển Đông.

Thượng nghị sĩ B.Ca-đin cùng 5 thượng nghị sĩ của Tiểu ban Đối ngoại ra một tuyên bố chung, mô tả việc Trung Quốc di dời giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và "những chiến thuật tấn công sau đó" của các tàu nước này, trong đó có việc đâm vào và gây hư hỏng cho các tàu của Việt Nam, là thực sự đáng quan ngại.

"Những hành động này đe dọa dòng chảy tự do của thương mại toàn cầu trong một khu vực sống còn", tuyên bố viết. "Chúng tôi hối thúc chính quyền làm rõ với Trung Quốc ở cấp cao nhất rằng các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng bức và hăm dọa đều không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới bất ổn".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y. Xu-ga khẳng định hành động tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam: "Là hành động vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người dân". Ông nhấn mạnh, "điều quan trọng là các nước liên quan phải kiềm chế hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I. Ô-nô-đê-ra cho rằng, việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là một "vấn đề nghiêm trọng". Phát biểu với báo giới cùng ngày, ông I. Ô-nô-đê-ra nêu rõ những sự việc trên "cần phải được công bố một cách đúng đắn với cộng đồng quốc tế".

Hãng tin AFP của Pháp nhận định việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam là một "hành động cực kỳ nguy hiểm".

Dưới bài viết mang tiêu đề: "Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam", trang tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá, vụ việc là màn "đối đầu nghiêm trọng nhất" của hai nước kể từ năm 2007. Tờ Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Xin-ga-po K. Shanmugam cho rằng, giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ cần tới một thời gian dài, chính vì thế, những gì có thể làm được hiện nay là các bên nỗ lực thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó quy định rõ điều gì được làm, điều gì có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được tại vùng biển này.

Đưa tin về sự kiện, Thời báo Niu-oóc (Mỹ) nhận xét: Vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào Biển Đông ngày 1-5. Tờ báo dẫn lời ông J.Blasko, cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá: Vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì có thể khiến tình hình tiếp tục gia tăng căng thẳng. Trang điện tử CNBC (Mỹ) nêu quan điểm cho rằng, các báo cáo về việc tàu cá của Trung Quốc đâm chìm  tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông đã làm gia tăng quan ngại về những rủi ro địa chính trị tại châu Á, cũng như phản ứng của Bắc Kinh trước tình hình xung đột trong khu vực.

Bài viết: “Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông, đâm chìm tàu cá của Việt Nam” trên tờ International Bussiness Times (Anh) nêu bật những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể từ sau khi chính quyền Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông và bước leo thang mới, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt khi bất chấp trật tự và luật pháp quốc tế. Trong bài viết trên báo The National Interest (Mỹ), nhà bình luận Brát Glô-xman (Brad Glosserman) cho rằng, uy tín của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng khi bị coi là nhân tố khiêu khích gây bất ổn trong khu vực.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất