Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có nguồn gốc từ Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2 năm 1951, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết thành lập ba đảng đại diện cho ba nước Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia. Ngày 22-3-1955, Đảng Nhân dân Lào được thành lập với gần 400 đảng viên, đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Lào, mở ra một trang sử mới cho nhân dân các bộ tộc Lào. Cương lĩnh hành động trước mắt Đảng Nhân dân Lào được trình bày tại Đại hội thành lập đã khẳng định nhiệm vụ của Đảng là: “Đoàn kết lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Lào hòa bình, dân chủ, thống nhất và độc lập”(1). Đồng thời xác định: “Ra sức xây dựng Đảng Nhân dân Lào trở thành Đảng vững mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để có đầy đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Lào đi đến thắng lợi cuối cùng”(2).
Đại hội II Đảng Nhân dân Lào (1972) quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (Phắc Pa-xa-xôn Pa-ti-vat Lào). Trải qua hơn nửa thế kỷ, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khắc vào lịch sử oai hùng của đất nước và dân tộc Lào những mốc son chói lọi. Đảng đã lãnh đạo nhân dân Lào giành thắng lợi vang dội ngày 2-12-1975, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Trong ba thập kỷ qua, Đảng lãnh đạo nhân dân Lào vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, đạt những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng liên tục, tình hình chính trị ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng, là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN). Nước CHDCND Lào tham gia ngày càng tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, khẳng định uy tín và địa vị của đất nước trên trường quốc tế.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có quan hệ và truyền thống hữu nghị lâu đời, gắn bó, chia sẻ giúp đỡ nhau bằng tình cảm “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch của hai dân tộc Lào, Việt Nam. Mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa hai dân tộc, hai Đảng nảy sinh, phát triển từ mục tiêu cách mạng và tình nghĩa của hai dân tộc láng giềng bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đã trở thành động lực mạnh mẽ, là cội nguồn sáng tạo và niềm tin tất thắng, biến sức mạnh tổng hợp của hai dân tộc trở thành sức mạnh vô địch trong sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước từ nô lệ, bị chia cắt, nghèo nàn, lạc hậu trở thành những dân tộc độc lập, tự do, thống nhất, có vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế.
Trên thế giới có nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác, hình thành các cộng đồng quốc gia. Nhưng mối quan hệ Việt Nam - Lào đặc biệt, thắm đượm các yếu tố nhân văn dựa trên nguyên tắc, phương pháp đúng đắn về xây dựng, phát triển mối quan hệ quốc gia - quốc tế, được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đồng thuận và cùng chung sức thực hiện, đưa đến những thành tựu to lớn và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt cho cả hai dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình và tiến bộ xã hội. Quan hệ Việt Nam - Lào được thiết lập và xây dựng trên nguyên tắc dân tộc tự quyết, quyền độc lập, tự do của các dân tộc ở Đông Dương. Đảng và nhân dân Việt Nam giúp Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế, “giúp bạn là tự giúp mình”. Hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam, Lào coi đó là nền tảng tư tưởng và phương pháp ứng xử của quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào, biến những hy sinh cao cả hai bên dành cho nhau thành lẽ sống của hai dân tộc. Tư duy và hành động đó càng có ý nghĩa sâu sắc khi ngày nay trên thế giới đồng thời với xu thế hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển, vẫn diễn ra những cuộc đấu tranh dân tộc, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt.
Trong hợp tác toàn diện, hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ được lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước đặt ở tầm chiến lược, liên tục phát triển từ thời kỳ chống đế quốc Mỹ cho dù phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ của chiến tranh và những biến động phức tạp của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong những năm chiến tranh, nhiệm vụ giúp Lào về giáo dục được Việt Nam dành ưu tiên chủ yếu cho giáo dục phổ thông. Sau năm 1975, hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ giữa Việt Nam - Lào phát triển toàn diện cả về cấp độ và loại hình, với trọng tâm là đào tạo đại học, trên đại học. Trong đó, số cán bộ thuộc hệ thống chính trị của Lào chiếm tỷ lệ cao, học tập trung và tại chức, dài hạn và ngắn hạn, chủ yếu do Trường Đảng Cao cấp Nguyễn ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đảm nhiệm. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chứa đựng nhiều kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của hai nước trên các chặng đường cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới. Đó là những kiến thức thiết thực cho đội ngũ cán bộ Lào. Lào giúp đỡ Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về Lào, phiên dịch tiếng Lào, đã phát huy tốt kết quả học tập để giữ gìn và phát triển theo chiều sâu quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Quá trình hợp tác Lào - Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ đã góp phần to lớn tạo nên nguồn lực cơ bản, bền vững cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Lào. Đây là di sản văn hóa đậm đà truyền thống hữu nghị của hai dân tộc Lào - Việt Nam, nơi hội tụ giá trị cao đẹp và sâu sắc mà trí tuệ và tình cảm của nhân loại hằng ngưỡng mộ, tôn vinh, thể hiện bằng nhận định Chủ tịch Xu-pha-nu-vông: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi”. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi bền chặt nghĩa tình như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
Việt - Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Nguyễn Thuý Hoàn
-----
(1) Cương lĩnh hành động trước mắt Đảng Nhân dân Lào, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào ngày 22-3-1955, Hủa Phăn, 1955. (2) Điều lệ Đảng Nhân dân Lào, tháng 3-1955.