Các chính đảng ở Cộng hoà Liên bang Đức
Một góc Thủ đô Béc- lin, Cộng hòa Liên bang Đức.

1. Cộng hoà Liên bang Đức gồm 16 bang nằm giữa lòng châu Âu, được biết đến là một cường quốc công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Sự phát triển các chính đảng ở Đức gắn liền với sự phát triển lâu đời của nền dân chủ nghị viện và phong trào công nhân. Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1848, các chính đảng hình thành như những tập hợp xã hội, dần dần được thành lập theo nhiều quan điểm tư tưởng khác nhau. Các chính đảng đảm nhận những chức năng quan trọng: 1) Là diễn đàn cho các cuộc thảo luận. 2) Là nhân tố trong các cuộc thảo luận. 3) Là người trung gian trong các xung đột chính trị ở xã hội dân sự. Theo Luật cơ bản (có hiệu lực từ năm 1949), các chính đảng ở Đức có nhiệm vụ tham gia tạo lập ý nguyện chính trị của nhân dân. Do đó, việc các đảng cử ứng viên của mình vào các chức vụ chính quyền và tổ chức tranh cử, vận động cử tri trở thành một nhiệm vụ lập pháp. Vì lý do này, các đảng nhận được từ Nhà nước một khoản tài chính để cân đối những chi phí nảy sinh khi ra tranh cử. Ngoài khoản này, tài chính của các đảng chủ yếu thu từ đảng phí và quyên góp.

Các chính đảng luôn luôn là công cụ điều tiết xung đột và phản ánh lợi ích đa dạng của xã hội. Luật về đảng phái của Đức thừa nhận sự tồn tại bình đẳng, có nghĩa vụ chung phục vụ xã hội, sự cạnh tranh của các chính đảng. Để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, có nhiều điều kiện được ghi nhận: tự do, công bằng, công khai, minh bạch trong bầu cử, bảo đảm tự do của đảng đối lập, tự do cá nhân và các nhóm xã hội… Một đảng hoặc một đảng liên minh muốn được thành lập đảng đoàn trong Quốc hội liên bang phải đạt được tỷ lệ 5% phiếu bầu khi tranh cử. Đảng đoàn Quốc hội quyết định chức chủ tịch ủy ban và các ủy viên tương ứng với số nghị sỹ của đảng mình. Đảng sẽ mất vị trí pháp lý với tư cách một chính đảng nếu 6 năm liền đảng này không tham gia vào bất kỳ một cuộc bầu cử Quốc hội nào ở cấp liên bang hoặc bang. Có thể bị cấm hoạt động nếu đảng có hoạt động làm phương hại đến thể chế dân chủ, tự do. Hiến pháp Đức một mặt thừa nhận và đề cao vai trò của các chính đảng trong xã hội, mặt khác quy định trách nhiệm xã hội của các đảng bằng cách cấm các đảng hoạt động trái Hiến pháp, chống lại chế độ hiện hành của Cộng hòa Liên bang Đức. Nước Đức hiện có nhiều chính đảng nhưng có ảnh hưởng nhiều hơn cả là 6 đảng sau:

Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) hiện là đảng cầm quyền của Thủ tướng A.Mác-ken, được thành lập năm 1945 gồm những lực lượng được thống nhất từ Đảng Trung tâm Đức. Đảng có khuynh hướng bảo thủ nhưng không có cương lĩnh. Chỉ sau thất bại tại cuộc bầu cử Quốc hội liên bang 1969, Đảng mới coi trọng cải cách trong Đảng và lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh của Đảng năm 1978. Đảng quan tâm thu hút mọi tầng lớp dân cư, quan hệ với nhiều nhóm cử tri khác nhau nhưng đặc biệt là giới chủ của các tập đoàn kinh tế lớn. Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo luôn có quan hệ liên minh chặt chẽ với Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo. Tại Quốc hội Đức, nghị sĩ của hai đảng này sát nhập lâu dài với nhau trong một đoàn nghị sĩ chung.

Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) - chính đảng lớn và lâu đời nhất nước Đức. Tiền thân của Đảng là Tổng hội Công nhân Đức thành lập năm 1863 và Đảng Công nhân Dân chủ xã hội thành lập năm 1869. Khác với Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo, Đảng Dân chủ xã hội Đức là một chính đảng được tổ chức chặt chẽ, có cương lĩnh ngay từ thời kỳ đầu thành lập. Đảng luôn đề cao giá trị cơ bản: Tự do, công bằng, đoàn kết. Đảng là thành viên của Đảng Dân chủ xã hội châu Âu và Liên hiệp Xã hội chủ nghĩa quốc tế - một tổ chức có sự tham gia của hơn 160 đảng và tổ chức từ tất cả các châu lục. Là đảng mạnh thứ hai trong hệ thống đảng chính trị ở Đức với hơn 700 ngàn đảng viên. Hiện tại Đảng tham dự vào chính phủ của 13 tiểu bang, trong đó thủ hiến của 9 tiểu bang là người của Đảng Dân chủ xã hội.

Đảng Dân chủ tự do (FDP) được thành lập năm 1948 là một chính đảng trung hữu, lớn thứ ba ở Đức, thường xuyên có đảng đoàn trong Quốc hội liên bang nhờ vượt tỷ lệ 5% phiếu bầu tại các cuộc bầu cử Quốc hội. Quan điểm chính trị chủ đạo của đảng này là chủ nghĩa tự do, nhà nước can thiệp ít nhất vào thị trường. FDP nhận được sự ủng hộ chủ yếu từ những tầng lớp có thu nhập và học thức cao hơn trong xã hội.

Đảng Xanh bắt nguồn từ phong trào xã hội - sinh thái theo quan điểm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, khẳng định mối quan hệ sống còn giữa con người và tự nhiên. Do đó, mặc dù “sinh sau, đẻ muộn” (1980) so với những chính đảng khác nhưng lớn mạnh rất nhanh, được mọi tầng lớp cư dân ủng hộ, nhất là giới trẻ và vượt 5% phiếu bầu ngay tại cuộc bầu cử Quốc hội chỉ sau 3 năm thành lập. Từ năm 1998 đến nay, Đảng Xanh thường liên minh với đảng cầm quyền trong Chính phủ liên bang.

Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo là chính đảng duy nhất ở Đức chỉ hoạt động ở một bang Ba-va-ri-a nhưng lại có tầm ảnh hưởng cả liên bang bởi luôn có quan hệ chặt chẽ với Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo và các chính đảng trong khối liên minh cầm quyền. Ra đời năm 1946, Đảng lấy tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng Thiên chúa giáo làm thế giới quan.

Đảng Chủ nghĩa xã hội dân chủ Đức (PDS) kế thừa Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức - chính đảng duy nhất lãnh đạo ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Về nội dung, Đảng dựa trên lý tưởng xã hội chủ nghĩa và trong các đảng phái đứng về phía cánh tả của Đảng Dân chủ xã hội Đức. Thắng lợi quan trọng trong bầu cử hiện nay được giới hạn trong miền Đông của nước Đức. Đảng Chủ nghĩa xã hội dân chủ Đức hiện đã đổi tên thành Đảng Cánh tả.

2. Dù là chính đảng cầm quyền hay đối lập, các chính đảng ở Đức luôn có quan điểm hữu nghị và đều đánh giá cao sự phát triển và vị trí của Việt Nam ở khu vực Đông Nam á. Trước khi nước Đức thống nhất (10-1990), Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức. Việt Nam đã xác lập quan hệ toàn diện với Cộng hòa Dân chủ Đức - bạn hàng kinh tế lớn thứ hai sau Liên Xô. Đồng thời là một trong những nước đi đầu cung cấp kỹ thuật - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ cho Việt Nam. Đây chính là tiền đề, điều kiện khách quan để Việt Nam thiết lập quan hệ với nước Đức thống nhất sau này.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1975), quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Việc trao đổi đoàn cấp cao của lãnh đạo hai nước từ Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội liên bang của Đức đến Việt Nam và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang Đức đã tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức A.Mác-ken (tháng 10-2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập từ 2008.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD/năm, bằng tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu khác cộng lại. Theo số liệu của Đức, tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch song phương thậm chí lên tới 6 tỷ USD. Đức là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức cung cấp hơn 1,5 tỷ USD cho các dự án ODA thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Chính phủ Đức cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA gần 100 triệu USD trong giai đoạn 2014-2015 tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững (còn gọi là tăng trưởng xanh). Đồng thời, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, khoa học - công nghệ… diễn ra sôi động. Đức được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam với số lượng khoảng 100 nghìn lượt khách/năm trong những năm gần đây.

Việt Nam và Đức ngày càng tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, trong đó có Liên hiệp quốc, đặc biệt về những vấn đề toàn cầu, khu vực và chính sách an ninh, việc ủng hộ lẫn nhau khi ứng cử vào các vị trí tại các diễn đàn này. Hai bên ủng hộ một cuộc cải tổ toàn diện, hướng tới tương lai của Liên hiệp quốc và các cơ quan trực thuộc, kể cả Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Hiện nay cộng đồng Việt Nam ở Đức có khoảng 125 nghìn người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức, 80% còn lại đã có quy chế cư trú hợp pháp, cuộc sống ổn định. Phần lớn các tổ chức hội đoàn của người Việt Nam tại Đức có tinh thần yêu nước, là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng với quê hương. Thế hệ người Việt Nam thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao.

Kết quả 40 năm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Đức là cơ sở thúc đẩy những bước phát triển mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong mỗi khu vực và trên thế giới.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất