Năm 2014 thế giới đầy biến động, khó định. Việt Nam chịu tác động toàn diện, đa chiều từ kinh tế, chính trị đến an ninh, quốc phòng. Trong bối cảnh đó, bản lĩnh, ý chí kiên cường, trí tuệ của dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ khi chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhận diện thời cơ, hóa giải thách thức, bình tĩnh, sáng suốt, chủ động và tích cực xử lý khôn khéo những vấn đề phức tạp nảy sinh, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định, hoà bình, phát triển đất nước.
Chủ động và tích cực xử lý tình huống diễn biến trên Biển Đông là điểm nhấn đặc biệt. Đây là thách thức lớn nhất về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong gần 30 năm qua. ứng phó với thách thức ngặt nghèo, phối hợp chặt chẽ ba kênh ngoại giao, Việt Nam kiên quyết, khôn khéo và kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Lần đầu tiên sau 20 năm, ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông. Kết quả khẳng định bản lĩnh đối ngoại khi vẫn giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, duy trì quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, chủ động thúc đẩy đối thoại và duy trì quan hệ trên các mặt, đáp ứng và phù hợp với truyền thống hữu nghị và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Đặc biệt, mặc dù khác biệt với Việt Nam về chế độ chính trị và giữa các chính đảng ở các nước khác cũng có sự khác biệt về quan điểm, nhưng các chính đảng đều thể hiện sự ủng hộ, thống nhất cao chủ trương tăng cường, củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, coi đó là ưu tiên không thay đổi trong chính sách đối ngoại của họ. Đây là một biểu hiện thành công đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Chủ động và tích cực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là phục vụ phát triển kinh tế. Nội hàm đối tác chiến lược được đẩy mạnh, đưa quan hệ hợp tác với nhiều nước đi vào chiều sâu với những kết quả rất cụ thể: EU tăng ODA giai đoạn 2014-2020 lên 400 triệu USD. Ký Bản ghi nhớ (MOU) 12 tỷ USD với Hàn Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng. Nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên đối tác chiến lược sâu rộng. Thúc đẩy Mỹ thông qua Hiệp định hạt nhân dân dụng 123. Tăng cường xúc tiến, thúc đẩy hợp tác kinh tế - đầu tư ở các địa bàn tiềm năng như Trung Đông. Việt Nam vận động thêm 12 nước công nhận quy chế thị trường, nâng tổng số nước công nhận lên 56, duy trì tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế. Tiến trình hội nhập đa tầng nấc vào nền kinh tế quốc tế có những bước đi mạnh mẽ, nhất là trong đàm phán khu vực mậu dịch tự do (FTA) với các đối tác quan trọng. Nước ta đã kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc và Liên minh hải quan Nga, Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan (Liên minh kinh tế á Âu - EAES) góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm quan trọng trong kết nối chiến lược tại khu vực.
Chủ động và tích cực thực hiện đối ngoại đa phương, chuyển từ “tham gia” sang “chủ động, tích cực đóng góp, đề xuất các ý kiến”, định hình luật chơi. Sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc họp cấp cao ASEAN - EU lần đầu tiên bên lề Hội nghị cấp cao ASEM được đánh giá cao và hưởng ứng tích cực, hai bên đã khởi động lại đàm phán FTA, ASEAN - EU. Những thông điệp chính sách mạnh mẽ của Lãnh đạo cấp cao về hòa bình, phát triển, thượng tôn luật pháp... tại các diễn đàn đa phương để lại dấu ấn đậm nét về một Việt Nam là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam chủ động tham gia hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN, đóng góp vào các tiến trình xây dựng lòng tin ở khu vực. Tham gia hợp tác khu vực, thế giới, Việt Nam có điều kiện thể hiện chính nghĩa, yêu cầu các quốc gia khác tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Năm 2015 là năm các nhân tố bất trắc, khó lường trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm và rất khó đoán định. Nước ta có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, trong đó, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Cơ hội và thách thức luôn đan xen, trong cơ hội có thách thức và ngược lại.
Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước ta đang là một thách thức. Nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy cao độ sức mạnh dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thời cơ gắn lợi ích của Việt Nam với lợi ích của cộng đồng quốc tế, từ đó thu hút sự quan tâm của khu vực và thế giới tạo thành một mặt trận rộng rãi ủng hộ Việt Nam. Từ thách thức về an ninh, chúng ta không chỉ hóa giải được nguy cơ, mà còn giúp tạo ra sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tăng sức mạnh của chúng ta lên gấp nhiều lần. Tác động từ khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam vẫn tiếp tục là một thách thức. Tuy vậy, việc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN là ba cú hích quan trọng từ bên ngoài có khả năng thúc đẩy đồng thời, tạo ra sự cộng hưởng mạnh. Cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và mỗi người dân cần nhận thức cơ hội, có những chuẩn bị cần thiết nhằm tận dụng để tạo sự phát triển về lượng và chất. Cạnh tranh giữa các nước lớn ở Đông Nam á là một thách thức đối với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam. Nhưng là thời cơ tăng vai trò của Việt Nam và của ASEAN khi các nước lớn đều muốn tranh thủ phát triển quan hệ, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng và thực hiện sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, củng cố ASEAN và vai trò của Việt Nam trong tổ chức này, từ đó cân bằng lợi ích và hóa giải sức ép, các thách thức an ninh từ bên ngoài.
Đơn cử ba thách thức đồng thời là cơ hội nêu trên để thấy đường lối đối ngoại đúng đắn của ta cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ, toàn diện, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế - văn hóa, quốc phòng - an ninh. Đây là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; vì sự thịnh vượng, hùng cường và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Nguyễn Thuý Hoàn