Ngày 30-1-1950 Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước, hai dân tộc.
Sự ủng hộ nhiệt tình, giúp đỡ to lớn của Liên Xô trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Việt Nam. Hàng chục ngàn cán bộ, chuyên gia, được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1991, Liên Xô giải thể, 15 nước cộng hòa thành viên của Liên Xô trở thành những quốc gia độc lập. Liên bang Nga trở thành nước kế thừa Liên Xô trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Liên bang Nga có diện tích rộng nhất thế giới (17.075.400km2), dân số 142,9 triệu người với trên 180 dân tộc. Liên bang Nga có nhiều dạng khí hậu, tuy nhiên phần lớn lãnh thổ có khí hậu lục địa với chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng rất lớn. Nga là nền kinh tế lớn thứ chín thế giới.
Quan hệ hữu nghị đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga ngày càng phát triển. Điều đó thể hiện trước hết qua các chuyến thăm và tiếp xúc lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, nhất là những năm gần đây: năm 2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Nga, Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga V. I. Mát-vi-ên-cô thăm và làm việc tại Việt Nam. Năm 2013 các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống V. Pu-tin và năm 2014 có các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đu-ma quốc gia (Hạ viện) S. E. Na-rư-xkin. Hai nước đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, nhất là Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh, tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.
Mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nga phát triển năng động với kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh từ 300-400 triệu USD những năm 1990 lên 1,98 tỷ USD năm 2011; năm 2012, đạt gần 2,45 tỷ USD, tăng 23%. Hợp tác đầu tư khởi sắc. Nga đứng thứ 18 trong 101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 93 dự án và tổng số vốn đăng ký 2,07 tỷ USD. Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 1,7 tỷ USD. Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan hoàn thành đàm phán thành lập khu vực mậu dịch tự do trong năm 2015. Dầu khí và năng lượng là những lĩnh vực hợp tác truyền thống và có hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Việt Nam và LB Nga. Hai nước đã thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây dựng và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam, trong đó có xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Nga được đẩy mạnh. Hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch... được tăng cường mạnh mẽ. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Nga với mức tăng trung bình 30%. Nga là một trong những nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính của Việt Nam, Việt Nam là nước được cấp học bổng lớn nhất về đào tạo cán bộ tại các trường đại học của Nga, không kể các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập. Hằng năm Nga cấp cho Việt Nam gần 400 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học. Hiện nay Việt Nam có gần 5 nghìn công dân đang theo học ở Nga, trong số đó gần 2 nghìn sinh viên là thuộc diện đi học theo kênh Nhà nước.Cộng đồng người Việt Nam ở Nga khoảng 60 - 80 nghìn người. Nhiều doanh nhân thành đạt đã tăng cường đầu tư tại Nga và đầu tư trở lại Việt Nam.
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy, Việt Nam và Nga phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, như LHQ, APEC, ASEM, ASEAN, EAS. Cơ chế đối thoại chiến lược Việt Nam - Nga được thiết lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Nga nhất trí cho rằng các tranh chấp trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga luôn kế thừa, phát triển những giá trị tốt đẹp từ quá khứ. Đó là sự tôn trọng, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích quốc gia của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và trên toàn thế giới.
Nguyễn Hoàng Giang