Cuối năm 1953 và đầu 1954, khi chiến tranh lạnh đến đỉnh cao, thế giới xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực. Biểu hiện rõ nhất của xu thế hòa hoãn này là các nước lớn Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô triệu tập Hội nghị ngoại trưởng bốn nước tại Béc-lin tháng 2 năm 1954 bàn về vấn đề Đức - Áo. Do bất đồng quá lớn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị tồn tại sau chiến tranh lạnh, Hội nghị thất bại nên chuyển sang bàn về vấn đề Biển Đông. Ngày 18-2-1954, Hội nghị ngoại trưởng bốn nước ra tuyên bố cuối cùng, trong đó Hội nghị sẽ xem xét vấn đề Đông Dương. Điều này đã mở ra một hướng mới cho khả năng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Đông Dương thông qua biện pháp thương lượng hòa bình.
Vài nét về diễn biến Hội nghị Giơ-ne-vơ
Việc Hiệp định đình chiến ở Triều tiên ngày 27-3-1953 được ký kết, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 và sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp đã thúc đẩy việc khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng.
Trước tình hình thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu rõ lập trường, sẵn sàng thương lượng để giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam. Ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng là giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam...". Ngày 19-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Ngày 15-3-1954, Báo cáo trước Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: "Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi... Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”.
Thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã bước vào giai đoạn quyết định. Từ năm 1952, quân và dân ta càng chiến đấu càng trưởng thành và lớn mạnh. Nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân, quân và dân ta từ thế bị động chuyển sang thế chủ động tiến công và liên tiếp giành thắng lợi. Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục trong 56 ngày đêm, ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam; làm phá sản kế hoạch Navarre của địch; làm thất bại mưu đồ giành thế mạnh về quân sự hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao trào, tạo phân hóa trong chính giới Pháp, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng chủ hòa trong chính giới Pháp, đặc biệt trong Quốc hội Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ, tạo thế vững vàng cho đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ với thế thắng, thế mạnh nhờ có thắng lợi quân sự khắp chiến trường Việt Nam.
Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng bốn nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Béc-lin tháng 2-1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương. Hội nghị khai mạc ngày 8-5-1954 và kết thúc vào ngày 21-7-1954.
Mặc dù đến Hội nghị với mục tiêu và lợi ích khách nhau nhưng do tương quan lực lượng quốc tế lúc đó, Hội nghị đã bị các nước lớn chi phối. Hội nghị Giơ-ne-vơ trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, chia thành 3 giai đoạn.
Trải qua 75 ngày đàm phán gay go, căng thẳng, với 31 phiên họp, cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, cuối cùng các bên tham gia hội nghị, trừ Mỹ, đã thỏa thuận và ký kết được các văn bản.
Kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương không đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu của Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra lúc ban đầu như phân chia giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề vùng tập kết của các lực lượng kháng chiến Lào Itsala và Khmer Itsarak... nhưng nó phản ánh được tương quan lực lượng giữa ta và đối phương trong hoàn cảnh lúc đó, cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán, nhưng đạt được thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia: Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước. Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương… Về Thỏa thuận riêng với mỗi nước. Trong đó, các Hiệp định liên quan đến Việt Nam với 4 nội dung chính: 1-Những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến. 2-Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (Sông Bến Hải), vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới chính trị hay lãnh thổ, cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam, cấm xây dựng căn cứ quân sự mới, cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào, cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ một chính sách quân sự nào. 3- Những điều khoản chính trị như tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Hiệp thương hai miền vào tháng 7-1955, tổng tuyển cử 7-1956, tự do chọn vùng sinh sống trong khi chờ đợi, không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh. 4- Những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định: Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập.
Ý nghĩa to lớn việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ
Thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi cơ bản trên là do đường lối chính trị, đường lối quân sự và đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quân đội và nhân dân ta đã đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng suốt 9 năm, giành thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược Đông xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc bọn đế quốc, thực dân phải ngồi vào bàn hội nghị, cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh quân sự, chính trị và sức mạnh ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp và thế chủ động trên bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Cuộc đấu tranh của nhân dân ta là chính nghĩa, được bạn bè quốc tế và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ, cổ vũ, góp phần tạo nên sức mạnh của thời đại cho thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954.
Đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức được lợi ích và mục tiêu của dân tộc, có hiểu biết sâu sắc và trình độ học vấn uyên bác, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tự chủ trên bàn đàm phán, biết phân tích đánh giá tình hình chính xác và đã đạt được kết quả to lớn trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó.
Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc sau này.
Hiệp định này là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia trong khuôn khổ một Hiệp định ngừng bắn đơn thuần, kiểu Triều Tiên. Về mặt chính trị và pháp lý, các nước tham gia Hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hiệp định đã ghi nhận thắng lợi to lớn có tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc, xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của một đế quốc hùng mạnh, đánh dấu sự mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên quy mô toàn cần, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc thuộc địa.
Hiệp định là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia.
Hiệp định đã tạo nên một cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh sau này đặc biệt là trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.
Những bài học kinh nghiệm
Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Hiệp định Pa-ri 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán tiếp theo tại Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập. Các bài học kinh nghiệm đó là:
Kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong bối cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu tác động của các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để đạt được lợi ích của mình. Lợi ích cao nhất của chúng ta lúc đó tại Hội nghị Giơ-ne-vơ là buộc đối phương phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và chúng ta đã đạt được.
Đánh giá và xử lý đúng tình hình, những yêu cầu và lợi ích của các nước có liên quan. Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị, nhờ sự phân tích đánh giá tình hình chính xác, kịp thời, chúng ta đã nắm bắt những “thời cơ cách mạng” và đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng suốt nên đã đạt được những kết quả to lớn. Tuy nhiên, lúc đó, các phương tiện truyền thông, báo chí chưa thực sự phát triển, nguồn thông tin còn hạn chế, hơn nữa chúng ta chưa có nghiên cứu chiến lược, chưa hiểu hết ý đồ của các nước lớn nên thắng lợi của chúng ta chưa trọn vẹn.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý. Trước, trong và sau Hội nghị Giơ-ne-vơ và trong suốt quá trình đấu tranh, giành độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh chính nghĩa, thái độ thiện chí của mình, vạch rõ âm mưu của địch và nhờ đó chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới, tác động tích cực tới phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh của ta tại Hội nghị giành thắng lợi.
Tăng cường đối thoại và hợp tác, sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết các vấn đề xung đột trong quan hệ quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình. Trước tình hình thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực; cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, Hồ Chí Minh cùng Đảng Lao động Việt Nam chủ trương dùng biện pháp đàm phán hoà bình để kết thúc chiến tranh. Thiện chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh. Các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh Đông Dương, phá khung chiến tranh lạnh, phá được khuôn mẫu hai phe đối lập nhau.
Tăng cường tiềm lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển.
Văn Hùng