Nghị quyết về tự do hàng hải và hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (mã số S.RES.412) do Thượng viện Mỹ với toàn bộ phiếu thuận đã nhất trí thông qua ngày 10-7-2014 khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Nghị quyết nêu rõ mặc dù không phải là một bên có yêu sách ở biển Đông nhưng Mỹ là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của tuyến hàng hải qua biển Đông, cho rằng việc gia tăng các hoạt động tuần tra và đưa ra các quy định đối với các vùng biển và không phận có tranh chấp ở biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ đối đầu.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bản quy tắc sáu điểm về biển Đông của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nghị quyết S.RES.412 liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Cụ thể, ngày 1-5 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), với sự tháp tùng của hơn 25 tàu, đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.
Sau đó, Trung Quốc điều động thêm hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự, và sử dụng máy bay trực thăng, vòi rồng để ngăn chặn hoặc có những hành động đe dọa, nhiều lần cố tình đâm húc tàu của Việt Nam. Trung Quốc cũng thiết lập vùng bất khả xâm phạm xung quanh giàn khoan Hải Dương-981…
Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động trên đây của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.
Nghị quyết cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các lực lượng ra khỏi các vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1-5-2014.
Chung tiếng nói phản đối Trung Quốc, trong 2 ngày 10 và 11-7-2014, các học giả, nhà hoạch định chính sách tham dự Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 4 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington DC đã chỉ trích mạnh mẽ hành xử của Trung Quốc trong vùng biển quan trọng này
Ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ chỉ rõ: Cái mà họ đang làm là nhằm thay đổi thực trạng trong khu vực, từ bãi này sang bãi khác, từ đảo này sang đảo khác. Họ đang cố gắng làm thay đổi động lực trong quan hệ giữa các nước trong khu vực. Trong vài tháng qua, họ đã dịch chuyển một giàn khoan dầu cỡ như sân bóng về gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng nước của Việt Nam. Đảo nhân tạo được họ xây dựng ở Trường Sa. Ông nhận định: Trung Quốc đã xây dựng lực lượng quân đội, phát triển hải quân nước sâu trong suốt 20 năm qua để thực hiện những gì mà họ đang làm tại biển Đông. Ông gọi đây là những hành động gây hấn. Theo ông, Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật dần dần từng bước “một vết sâu với nhiều nhát cắt” và đạt đến mức hết sức nguy hiểm. Ông khẳng định: Không ai muốn đối đầu, không ai tìm kiếm xung đột nhưng phải có hành động ngăn chặn với cái mà Trung Quốc cho là thế giới không quan tâm đó là hành động của họ đối với các nước láng giềng ở biển Đông…
Giải thích về những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, và cả biển Hoa Đông, học giả Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế nhận định: Đây là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng, không đơn thuần là một loạt các chiến thuật nhỏ hoặc phản ứng của Trung Quốc trước hành động của Mỹ hay các nước khác.
Tổng Lãnh Sự Philippines tại San Francisco, ông Henry Bensurto khẳng định việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa Trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển là hợp lý vì nó không liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ mà chỉ là tranh chấp lãnh hải. Đơn khởi kiện chỉ yêu cầu tòa xác định những yếu tố đi kèm trong các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trong vùng lưỡi bò.
Các học giả đề cập đến vai trò, chính sách của nước Mỹ trong khu vực, yêu cầu Trung Quốc ngưng việc khoan thăm dò tại khu vực này, rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực Hoàng Sa.
Đặng Thu Nga