Hoà bình, ổn định là lợi ích chung của Việt Nam và Trung Quốc
Ngày 18-1-1950, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp cùng Phó Chủ tịch Trung Quốc Chu Đức năm 1950.

Ngày 18-1-1950 Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 11-9-1954, ông La Quý Ba là đại sứ nước ngoài đầu tiên trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. 65 năm qua dù có những thăng trầm lịc sử, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc luôn là quan hệ láng giềng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh.  
     
Với các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, hai bên đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ song phương là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Quan hệ giao lưu, trao đổi giữa hai đảng, giữa các bộ ngành liên quan và các địa phương vùng biên giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, thể thao, y tế, khoa học kỹ thuật... giữa hai nước đã xây dựng được các cơ chế hợp tác rõ ràng, chặt chẽ và đạt được nhiều thành quả. Hai nước đã ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Quan hệ kinh tế - thương mại hai nước phát triển nhanh chóng, với kim ngạch thương mại song phương tăng từ mức 32 triệu USD năm 1991 đến mức trên 55 tỷ USD năm 2014.  Đồng thời các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa các địa phương khu vực biên giới, giữa các thế hệ trẻ hai nước được tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và củng cố nền tảng hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
      
Trong tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề Biển Đông đòi hỏi hai nước tuân thủ những thỏa thuận cụ thể giữa hai bên, mà quan trọng nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, cũng như “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Để giải quyết vấn đề Biển Đông cần duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Điều đó đòi hỏi cả hai nước cùng nỗ lực kiên trì tháo gỡ khó khăn, tôn trọng lợi ích chính đáng, giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Là hai nước láng giềng nnúi liền núi, sông liền sông Việt Nam và Trung Quốc đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước. Mới đây nhất, ngày 15-1, tại Phủ Chủ tịch, khi tiếp đã tiếp thân mật đoàn đại biểu Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc do bà Hội trưởng Lý Tiểu Lâm dẫn đầu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ láng giềng, hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; mong muốn hai bên thường xuyên duy trì tiếp xúc cấp cao và giao lưu, hợp tác, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các lĩnh vực đã cam kết; giải quyết tốt các bất đồng, không ngừng phát triển hợp tác vì lợi ích của hai nước, của khu vực và thế giới. Đây cũng là chính sách nhất quán, lâu dài của Việt Nam. Việc củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai nước có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển của quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất