Hữu nghị thuỷ chung Việt Nam - Ấn Ðộ

Việt Nam và Ấn Độ có truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, tình hữu nghị thuỷ chung không ngừng phát triển bền chặt.

Ngay sau khi Hà Nội vừa được giải phóng (17-10-1954), Thủ tướng Gia-oa-ha-lan Nê-ru là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam. Cũng trong năm này, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li. Ngày 7-1-1972 hai nước nâng quan hệ lên cấp đại sứ. Mối quan hệ vững bền đó ngày càng đơm hoa kết trái từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007.

Ấn Ðộ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Ðông và Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Ðộ. Ðây là nền tảng, cơ hội và điều kiện rất thuận lợi để hai nước thúc đẩy các cơ hội và tiềm năng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Dưới thời kỳ Nê-ru với Đảng Quốc đại đứng đầu, Ấn Ðộ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, có tổng GDP hơn 1.870 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tài khóa 2012-2013 đạt 1.535 USD; uy tín đối ngoại ngày càng nổi bật tại khu vực và quốc tế.

Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện khóa 16 tháng 5 vừa qua, Đảng Nhân dân Ấn Ðộ (BJP) đứng đầu Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) đã trở lại chính trường Ấn Ðộ sau hơn 25 năm, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Chính phủ mới do Thủ tướng N.Mô-đi đứng đầu thực hiện sứ mệnh dẫn dắt "xứ sở sông Hằng" tiếp tục phát triển và hội nhập, duy trì đà tăng trưởng GDP cao, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của Ấn Ðộ ở khu vực và thế giới.

Trong nhiều năm, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều cuộc thăm và làm việc. Năm 2013, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, nâng quan hệ đối tác kinh tế trở thành một trong những nội dung chính của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Từ đó đến nay, cả hai nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhau nhằm tăng thương mại song phương lên 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, cơ sở hạ tầng, dầu khí, năng lượng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, dệt, công nghệ thông tin và dược. Việc trao đổi đoàn hằng năm theo “Chương trình Khách quý” giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trên các lĩnh vực quản trị, chính sách công, thách thức đối với phát triển và vấn đề tăng trưởng kinh tế.

Mới đây nhất, tháng 9-2014, Tổng thống Ấn Độ Pờ-ra-náp Mu-khơ-gi đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một vị nguyên thủ Ấn Độ sau khi Ấn Độ vừa kết thúc bầu cử Hạ viện và thành lập Chính phủ mới, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp hiện nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Trong chuyến thăm này, các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước đã ký 7 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định về tín dụng đô la Mỹ; Hiệp định về hợp tác Hải quan; các Thỏa thuận về hợp tác lập trang trại cá basa tại Ấn Độ, hợp tác thú y, hợp tác thanh niên, hợp tác thúc đẩy mở đường bay thẳng và hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại Biển Đông.  Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc, trao đổi giữa Tổng thống Ấn Độ với các Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, hai bên cùng chia sẻ những tình cảm sâu đậm và đánh giá tốt đẹp về mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ. Tổng thống Ấn Độ cho rằng “quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt hơn ngày hôm nay”, nhấn mạnh “để bảo vệ được lợi ích dân tộc và lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau” và “Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy và thủy chung của Việt Nam”.  Đặc biệt, Tổng thống Ấn Độ nhiều lần khẳng định “tại Ấn Độ, mọi đảng phái chính trị đều nhất trí coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam”.

Việt Nam và Ấn Độ và nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí, văn hóa, kết nối nhân dân, và hợp tác khu vực, đa phương. Hai nước coi trọng khai thác các tiềm năng và tăng cường hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, thúc đẩy việc thành lập các liên doanh; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, dệt may và nông nghiệp và xem đây là những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước, đồng thời góp phần giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung cấp hàng nhập khẩu. Lãnh đạo hai nước khẳng định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước trong các hoạt động đầu tư tại mỗi nước. Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam cần như công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, sinh học, chế tạo, dược phẩm, điện tử, cơ khí. Đồng thời hai nước tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân…

Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ quan điểm chung đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết… Việt Nam đã dành sự ủng hộ nhất quán cho vị trí thành viên thường trực của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ chế này được cải cách và mở rộng. Hai nước cam kết ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam là nhiệm kỳ 2020-2021 và Ấn Độ là nhiệm kỳ 2021-2022. 

Cả hai nước đều quan tâm về vấn đề biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ quyết tâm cùng hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á, khẳng định tự do hàng hải ở biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); tuân thủ và thực hiện DOC, tiến tới thông qua COC trên cơ sở đồng thuận. Ấn Độ cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ P.Mu-khơ-gi thể hiện tầm vóc to lớn và thêm một mốc son mới trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống thuỷ chung và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Bằng những hành động thiết thực, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được củng cố, vun đắp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất