Trên thế giới, hiếm có cuộc cách mạng nào như cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga - cuộc Cách mạng đã tạo ra bước ngoặt lịch sử nhân loại, làm đảo lộn trật tự thế giới lật đổ chế độ Sa hoàng, lập ra nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng Tháng Mười chiếu sáng năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.”
Mặc dù từ điểm xuất phát thấp, lại trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản ngay từ khi mới hình thành, nhưng Liên Xô đã đạt được những bước tiến phi thường trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, vươn mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành siêu cường thế giới, về kinh tế chỉ đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Liên Xô không chỉ góp phần quan trọng gìn giữ hòa bình thế giới và cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít mà còn là điểm tựa của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là nước đi đầu bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa. Từ Cách mạng Tháng Mười, từ Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc để làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Chính những thành tựu của Liên Xô và các nước XHCN đã tạo nên sức ép buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh, phát huy triệt để khoa học công nghệ, tăng cường phúc lợi xã hội để thích nghi với tình hình mới.
Nhưng những thập niên cuối thế kỷ 20, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm nhiều sai lầm về đường lối chính trị, tư tưởng cũng như tổ chức, Ðảng xa rời những mục tiêu và nguyên tắc của CNXH, buông lỏng vai trò lãnh đạo, xa rời nhân dân. Nhất là sai lầm trong cải tổ, trong công tác cán bộ đã đẩy đất nước vào tình trạng trì trệ kéo dài và dẫn đến tan rã Đảng, tan rã Liên Xô năm 1981 sau 74 năm tồn tại và phát triển. Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga, lịch sử hình thành, phát triển, tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết đã cho chúng ta nhiều bài học đắt giá, trong đó sâu sắc nhất là bài học xây dựng Đảng, trong đó có công tác cán bộ, được đánh dấu từ Đại hội 23 của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 4-1966).
Đại hội 23 của Đảng Cộng sản Liên Xô là Đại hội đầu tiên sau khi L.Bre-giơ-nhep trở thành Tổng Bí thư. L.Bre-giơ-nhep thực hiện sự ổn định của đội ngũ cán bộ một cách phiến diện, phát triển thành chế độ chức vụ suốt đời áp dụng với cán bộ lãnh đạo. Các cán bộ cao cấp của Liên Xô thời đó đều qua đời khi còn đương chức. Chính sách cán bộ này đã khiến cho các thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô gần như không có biến động trong suốt một thời gian dài. Tại Đại hội 25, không tính số ủy viên trung ương đã qua đời thì tỷ lệ ủy viên Trung ương liên nhiệm cao tới 90%. Trong hai nhiệm kỳ đại hội đảng cấp tỉnh từ năm 1978 đến năm 1981, chỉ có năm trong số 156 vị trí bí thư tỉnh ủy có sự thay đổi về nhân sự. Năm 1978, độ tuổi bình quân của 58 phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng và bộ trưởng là 70. Thực tế này đã tạo ra một đội ngũ lãnh đạo già nua, thiếu tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ. Hậu quả của chế độ cán bộ này là vừa khiến cho tầng lớp lãnh đạo thiếu đi sức sống vừa hình thành một lực lượng đông đảo đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng gây bất bình trong nhân dân và ngay cả trong đội ngũ đảng viên. Ngược lại, khi M.Goóc-ba-chốp trở thành Tổng Bí thư của Đảng (1985), đã nhân danh “cải tổ” để thực hiện sự thay đổi lớn về nhân sự trong đội ngũ cán bộ: 8 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ, 92,5% trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị thay thế. Trong ba năm 1987-1989 có khoảng 50% cán bộ cơ quan chiến lược của quân đội, hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch-chiến lược và 30% tướng lĩnh bị cách chức hoặc cho ra quân với lý do “tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ”. Việc thay thế không có sự kế thừa tước bỏ dần khả năng lựa chọn hành động đúng đắn của Đảng trước tình hình biến động khó lường. Ngày 24-8-1991, với tư cách Tổng Bí thư, M.Goóc-ba-chốp tự ý tuyên bố giải tán Ban chấp hành Trung ương, giải tán Đảng. Ngày 29-8-1991 với tư cách là Tổng thống Liên Xô, M.Goóc-ba-chốp ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ 1-9-1991 chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội. Ngày 25-12-1991, M.Goóc-ba-chốp tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho B.En-sin, đánh dấu sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô. Vì sao Tổng Bí thư của Đảng có thể làm mưa, làm gió như vậy? Điều đó chỉ có thể lý giải vì những sai lầm về nguyên tắc tổ chức của Đảng đã tích tụ lâu ngày không được sửa chữa kịp thời và bị vi phạm nghiêm trọng, trong Đảng mất dân chủ, những quyết định quan trọng không còn là tiếng nói đúng đắn của đa số, Đảng thoái hóa, biến chất, tê liệt, mất tính chiến đấu.
Về những nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Mười và nguyên nhân tan rã của Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô Viết sẽ còn được nghiên cứu sâu sắc dưới nhiều góc độ khác nhau để rút ra những bài học bổ ích, thiết thực cho hôm nay. Với chúng ta, bài học xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân luôn là bài học nóng bỏng tính thời sự. Đó cũng là việc làm thiết thực nhất kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga.
Đặng Thu Nga