Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của cấp trên và Kế hoạch triển khai thực hiện của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ đầu tháng 5-2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân đã ban hành Quyết định thành lập Bộ phận Thường trực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có 7 thành viên. Tổ giúp việc Bộ phận Thường trực có 9 thành viên. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quy chế làm việc của Bộ phận Thường trực và Tổ giúp việc, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Bộ phận Thường trực, Tổ giúp việc và các cơ quan chức năng.
Đầu tháng 6-2012, Ban Thường vụ Huyện ủy có Công văn lấy ý kiến góp ý của Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đối với cá nhân các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy. Ở cấp huyện, lấy ý kiến của 14 ban thường vụ đảng ủy trực thuộc Huyện ủy; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và ban thường vụ các tổ chức đoàn thể; tập thể lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện (những nơi không có ban thường vụ đảng ủy); các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, nguyên thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện đã nghỉ hưu đang sinh sống và sinh hoạt đảng trong Đảng bộ huyện. Ngoài ra, đối với cá nhân các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy còn yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng nơi cơ quan từng đồng chí công tác và cấp ủy, tổ chức đảng nơi cơ quan từng đồng chí cư trú góp ý kiến bằng văn bản, gửi trực tiếp cho đồng chí Bí thư Huyện ủy.
Bộ phận Thường trực đã nhận được ý kiến góp ý của 81 cơ quan cấp tỉnh và các tập thể, cá nhân trong huyện góp ý cho tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy. Đối với cá nhân các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy, có trên 30 tổ chức, cá nhân; 13 chi bộ cơ quan và 13 chi bộ nơi cư trú của 13 đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Nhìn chung, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy được chuẩn bị chặt chẽ, đúng quy định. Văn bản yêu cầu góp ý nêu rõ các nội dung cần góp ý bám sát theo 3 nội dung nêu trong Nghị quyết Trung ương 4. Bộ phận Thường trực đã tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý đối với tập thể và từng thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý cho thấy: Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và cá nhân đã góp ý cho Ban Thường vụ Huyện ủy với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, chân tình, xây dựng, tập trung vào 3 vấn đề chính của Nghị quyết Trung ương 4; trong góp ý, hầu hết góp ý cả về ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm. Ngoài 3 nội dung cần góp ý theo Nghị quyết Trung ương 4, còn góp ý thêm một số vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy trên các lĩnh vực công tác.
Sau khi tổng hợp góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân, Bộ phận Thường trực dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy. Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành kiểm điểm thành 2 đợt: đợt 1 vào các ngày 4 và 5-10; đợt II vào các ngày 10 và 11-10-2012. Trong đợt 1, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và cá nhân các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Đợt 2, kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy còn lại.
Quá trình kiểm điểm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, cách tiến hành theo Nghị quyết Trung ương 4. Sau kiểm điểm tập thể, từng đồng chí soi gọi lại mình để bổ sung hoàn chỉnh bản kiểm điểm cá nhân. Dự thảo Báo cáo kiểm điểm tự phê bình tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy gồm có 3 phần, về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; về công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm. Biện pháp khắc phục khuyết điểm. Báo cáo đã được xây dựng với tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào dự thật, đánh giá đúng sự thật, không né tránh. Trong từng nội dung, báo cáo tập trung làm rõ những ưu, khuyết điểm chủ yếu của Ban Thường vụ Huyện ủy đương nhiệm, nhưng trong một số vấn đề cụ thể có liên hệ kiểm điểm đến các nhiệm kỳ trước để làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo huyện. Trong từng nội dung kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, tập trung chủ yếu là làm rõ khuyết điểm, báo cáo còn lồng ghép nêu khái quát những ưu điểm chính và xác định rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém để từ đó đề ra biện pháp khắc phục. Không khí thảo luận dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, chân tình, cởi mở.
Sau phần kiểm điểm tập thể, xác định những khuyết điểm, nguyên nhân của khuyết điểm và những biện pháp khắc phục, trong đó, đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể để khắc phục từng khuyết điểm; những khuyết điểm khắc phục được ngay thì khắc phục, những vấn đề có thời gian thì phải xác định lộ trình cụ thể để khắc phục với tinh thần khắc phục hiệu quả và với thời gian nhanh nhất có thể. Đối với kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân, tất cả thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy đều phát biểu ý kiến góp ý cho từng đồng chí với tinh thần dân chủ, đoàn kết, xây dựng, thẳng thắn, cởi mở, khách quan, trung thực, không né tránh, không ngại va chạm. Bản kiểm điểm tự phê bình của từng đồng chí được chuẩn bị kỹ, nghiêm túc. Từng đồng chí được phê bình đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình của tập thể với tinh thần cầu thị và nêu biện pháp khắc phục khuyết điểm.
Thực tế cho thấy, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân đã thực hiện tốt một số nội dung: Tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, nắm vững nội dung Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và địa phương. Kế hoạch chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, cách thức tiến hành và thời gian thực hiện từng công việc cụ thể. Bộ phận Thường trực và Tổ giúp việc gồm những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm trong công tác tổng hợp, soạn thảo, biên tập văn bản; Quy chế làm việc quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Bộ phận Thường trực... Tổ chức lấy ý kiến góp ý đúng đối tượng và đạt yêu cầu về nội dung; tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đầy đủ. Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành kiểm điểm chặt chẽ, đúng quy định và đạt yêu cầu.
Sau khi hoàn thành việc kiểm điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân sẽ thông báo kết quả kiểm điểm đến các tổ chức, cá nhân đã có ý kiến góp ý đối với tập thể và cá nhân theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy và các tập thể lãnh đạo các cơ quan cấp huyện chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình, phê bình theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy theo những nội dung đã xác định trong kiểm điểm tự phê bình.
Võ Thanh Nhủ