Sinh hoạt chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần hoặc sinh hoạt đột xuất khi cần. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ; thông qua sinh hoạt chi bộ, làm cho mọi đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện tốt 4 nhiệm vụ đảng viên và nhiệm vụ cụ thể do cấp trên và chi bộ giao; cấp ủy nắm chắc tình hình đảng viên, có biện pháp cụ thể để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực tiễn đã khẳng định: “Nơi nào, lúc nào sinh hoạt chi bộ bị buông lỏng, thì nơi đó có nguy cơ kỷ luật của Đảng bị lỏng lẻo, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên bị giảm sút, các biểu hiện tiêu cực dễ nảy sinh, sự gắn bó giữa Đảng và quần chúng bị suy yếu”. Qua sinh hoạt chi bộ, đảng viên sẽ đóng góp kiến vào chủ trương, chính sách của Đảng.
Qua tìm hiểu ở một số đảng bộ cơ sở, chúng tôi có chung một nhận xét là những năm gần đây, hoạt động của các loại hình chi bộ đã có nhiều chuyển biến. Hầu hết đều thực hiện tương đối tốt chế độ sinh hoạt định kỳ. Nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới, thiết thực. Một số đảng bộ đã hướng dẫn các chi bộ, ngoài sinh hoạt định kỳ còn tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Việc ghi chép biên bản sinh hoạt chi bộ được hầu hết các chi bộ coi trọng. Số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt ngày càng cao.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ một thực trạng là không ít chi bộ, nhất là chi bộ doanh nghiệp, nông thôn chất lượng sinh hoạt chưa cao; nội dung sinh hoạt đơn điệu, tính chiến đấu hạn chế. Nhiều cuộc họp, việc ghi chép biên bản thiếu cẩn thận, chưa phản ánh đúng tinh thần và nội dung của cuộc họp. Cá biệt, có chi bộ, khi tổ chức đảng cấp trên kiểm tra mới “lần” từng tháng để đối phó.
Từ thực trạng chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, xuất phát từ yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực sự là vấn đề cấp thiết. Theo ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên của tỉnh Nam Định... việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc nhiều yếu tố, song, trước hết là phụ thuộc vào năng lực, trình độ của bí thư chi bộ. Nhận thức rõ vấn đề này, nhiều năm nay, đảng bộ các huyện trong tỉnh Nam Định đã thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhất là nghiệp vụ công tác xây dựng đảng cho đội ngũ bí thư chi bộ cơ sở. Thông qua việc quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chương trình học tập lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên đề, hầu hết bí thư các chi bộ cơ sở đã tích lũy thêm được những kiến thức cần thiết, cùng cấp ủy lãnh đạo chi bộ triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, chi bộ duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần. Đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tham gia sinh hoạt chi bộ, phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ của người đảng viên. Vấn đề này đã và đang được nhiều chi bộ thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể, có những chi bộ vài ba tháng mới sinh hoạt một lần. Có những đảng viên, thậm chí là cán bộ chủ chốt vin vào lý do khách quan, không tham gia sinh hoạt chi bộ thường kỳ nhiều lần. Mặc dù, tại Điều 8 Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên”. Rõ ràng, việc tham gia sinh hoạt chi bộ được coi là một trong những tiêu chí để xem xét đánh giá tư cách đảng viên. Những vấn đề trên, cấp ủy biết, đảng viên trong chi bộ biết, nhưng việc góp ý, phê bình lại rất hạn chế. Đây đang là bất cập mà các chi bộ cần khắc phục.
Đến các xã Quang Trung, Hiển Khánh, Cộng Hoà của huyện Vụ Bản; Yên Thắng, Yên Lợi, Yên Tiến, Yên Dương của huyện Ý Yên; Mỹ Trung, Mỹ thuận, Lộc Hạ của huyện Mỹ Lộc, trao đổi với một số bí thư chi bộ thôn, thấy hầu hết thực hiện tương đối nghiêm các bước tiến hành sinh hoạt chi bộ. Tại đây, bí thư các chi bộ làm tốt các khâu như, chuẩn bị nội dung, chương trình, thời gian, tài liệu... cho một buổi sinh hoạt chi bộ, trong đó việc chuẩn bị nội dung được các bí thư chi bộ chuẩn bị khá công phu. Nhiều chi bộ trước khi chuẩn bị nội dung sinh hoạt, ban chi ủy họp, thảo luận, tranh thủ ý kiến cấp ủy cấp trên phụ trách để thống nhất nội dung, đồng thời thực hiện việc thông báo nội dung, thời gian sinh hoạt để đảng viên biết trước, bố trí sắp xếp công việc, chuẩn bị ý kiến phát biểu. Ghi nhận của chúng tôi, bí thư chi bộ ở nhiều nơi là những người có năng lực, trình độ lý luận chính trị, kiến thức công tác đảng, có khả năng tổng hợp, bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của đảng viên để kết luận đúng nội dung mà đảng viên đã thảo luận tại buổi sinh hoạt. Nhiều chi bộ, nhất là các chi bộ thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan đảng, chính quyền, thư ký buổi sinh hoạt chi bộ ghi chép đầy đủ nội dung, diễn biến hội nghị, ý kiến thảo luận, kết luận của chủ tọa. Tình trạng ghi biên bản chung chung từng bước được khắc phục. Cách làm này đang từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Bí thư chi bộ có vai trò quan trọng đối với hoạt động chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Năng lực và trách nhiệm của bí thư chi bộ được nâng lên là một trong những nhân tố quan trọng đối với việc xây dựng chi bộ và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Trần Thông
Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định