Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ tỉnh Nghệ An
Sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết 4 (khóa XI) của Đảng ủy Báo Nghệ An.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ


Sau khi có Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã ban hành Hướng dẫn số 24-HD/BTCTU ngày 11-9-2007 và Hướng dẫn số 25-HD/BTCTU ngày 30-10-2007 hướng dẫn việc khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng sinh hoạt đối với tất cả các loại hình chi bộ và cụ thể hoá nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chỉ thị và hướng dẫn của Trung ương. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc hằng năm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các đồng chí bí thư chi bộ, chi uỷ viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành đối với hoạt động của chi bộ, đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời tham mưu việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện của các cơ sở về các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương; tham mưu quy định thống thất từ ngày 3 đến ngày 5 hằng tháng là ngày sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh; chỉ đạo tăng  cường đi cơ sở của cấp uỷ cấp trên vừa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, vừa dự họp với các chi bộ khối, xóm, bản, chi bộ cơ quan để nắm tình hình từ đó tham mưu cho ban thường vụ cấp uỷ chỉ đạo phù hợp, sát đúng với thực tiễn; ban hành công văn kèm theo các biểu mẫu, nội dung, biên bản sinh hoạt cụ thể đối với từng loại hình chi bộ theo hướng dẫn. Đối với các xã, thị trấn địa bàn vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số giáp biên giới, vùng có đông đồng bào có đạo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đảng ủy Biên phòng tỉnh tham mưu triển khai chủ trương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới, vùng ven biển của tỉnh trong đó cử cán bộ tổ, đội công tác của các đồn biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ xóm, bản yếu kém, địa bàn phức tạp và các thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ; tham mưu ban hành quy định về nhiệm vụ, mối quan hệ của đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ Biên phòng tỉnh về tham gia sinh hoạt tại chi bộ xóm, bản thuộc các đảng bộ xã, thị trấn khu vực biên giới; phối hợp Đảng uỷ Biên phòng tỉnh tham mưu thực hiện chủ trương đưa đảng viên thuộc Đảng bộ Biên phòng tỉnh về tham gia sinh hoạt tại chi bộ xóm, bản khu vực biên giới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt chi bộ.


Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hằng tháng biên soạn tài liệu cung cấp đến tận các chi bộ để phổ biến, quán triệt giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt thông tin nhằm thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc xây dựng những giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như tổ chức thi bí thư chi bộ giỏi, nhằm động viên những bí thư chi bộ xuất sắc, mặt khác giúp các bí thư chi bộ nắm sâu hơn nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tổ chức trao đổi kinh nghiệm; đối thoại giữa ban tổ chức huyện uỷ với các bí thư chi bộ; phân công các đồng chí cấp uỷ viên (cấp huyện, cấp xã) phụ trách địa bàn trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng với chi bộ khối, xóm, bản. Tuỳ theo tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, các chi bộ sắp xếp thời gian hợp lý để đảng viên của chi bộ cũng như đảng viên là cán bộ ở xã, phường, thị trấn được phân công có điều kiện tham gia sinh hoạt một cách đầy đủ. Các cấp uỷ cấp trên cơ sở còn hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ từng loại hình chi bộ gắn với hướng dẫn nội dung, hình thức, phương pháp, cách thức tiến hành sinh hoạt chi bộ, ghi biên bản, nghị quyết, lưu trữ tài liệu, hằng năm sơ kết đánh giá và tập huấn nghiệp vụ cho các chi uỷ, bí thư chi bộ. Đảng uỷ cơ sở phân công đảng uỷ viên phụ trách và tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ để chỉ đạo, rút kinh nghiệm kịp thời.

Kết quả


Nhờ làm tốt việc quán triệt, hướng dẫn nên đại đa số các chi bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sinh hoạt chi bộ. Kết quả khảo sát ở 221 chi bộ thuộc các loại hình khối phố, xóm, bản và đơn vị hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang trong 14 đảng bộ huyện, thị, thành (năm 2011) và kiểm tra tại các đảng bộ trực thuộc (năm 2013, năm 2014) thấy có nhiều chuyển biến tích cực:


Duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, đảng viên tham gia sinh hoạt đạt tỷ lệ cao: Hầu hết các chi bộ đều duy trì khá tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, kể cả sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt đột xuất theo chủ trương của đảng ủy cấp trên, bình quân mỗi chi bộ sinh hoạt 11,2 kỳ/năm, trong đó sinh hoạt chuyên đề bình quân 3,3 cuộc/chi bộ. Số lượng đảng viên tham dự các kỳ sinh hoạt đạt tỷ lệ bình quân 91,3%.


Nội dung sinh hoạt chi bộ cụ thể, thiết thực: Qua kiểm tra, khảo sát có  89% số kỳ sinh hoạt có nội dung bàn về chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị, 73% số kỳ họp có đánh giá về tư tưởng đảng viên và công tác tư tưởng của chi bộ; 71,3% có nội dung xây dựng tổ chức đảng; 55,3% bàn về công tác lãnh đạo đoàn thể… Mỗi kỳ họp, các chi bộ dành 15 đến 25 phút thông báo những sự kiện thời sự, chính trị, phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng nhận thức, hiểu biết cho đảng viên.


Hình thức sinh hoạt chi bộ đa dạng: bên cạnh hình thức sinh hoạt định kỳ hằng tháng, bàn thảo nhiều nội dung thì nay, các chi bộ tiến hành sinh hoạt chuyên đề, chủ yếu bàn sâu một hai vấn đề mà chi bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lãnh đạo và vận động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng; xây dựng thôn bản, làng bản văn hóa; công tác an ninh, trật tự địa bàn; công tác phát triển đảng viên…


Dân chủ và trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt đảng được phát huy: Hầu hết đảng viên đều phát huy tốt trách nhiệm trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ, chấp hành tốt quy định, thời gian sinh hoạt khá nghiêm túc, có gần 83% số đảng viên dự họp đúng thời gian. Trong phát biểu ý kiến, tranh luận của đảng viên khi bàn thảo những nội dung trọng tâm được khuyến khích. Thông qua sinh hoạt chi bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy, đảng viên từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động học tập nâng cao trình độ, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, giúp nhau cùng tiến bộ.


Năng lực lãnh đạo của chi ủy, bí thư chi bộ được nâng lên: Các chi ủy, bí thư chi bộ đều chuẩn bị nội dung trước kỳ sinh hoạt, bàn bạc thống nhất về nội dung, chương trình, hình thức sinh hoạt. Công tác điều hành, chủ trì hội nghị chủ động, tự tin hơn, xử lý các tình huống đặt ra linh hoạt hơn. Việc truyền đạt chủ trương, gợi ý trao đổi ngắn gọn, tập trung vào các nội dung trọng tâm. Có sự tiến bộ trong tổng hợp, khái quát những nội dung đã được chi bộ thảo luận và biểu quyết thông qua tập thể chi bộ.


Nâng cao vai trò của cấp ủy cơ sở: Hầu hết đảng ủy cơ sở đều cử cấp ủy viên phụ trách theo dõi một số chi bộ, những chi bộ khó khăn, phức tạp thì phân công đồng chí bí thư, phó bí thư trực tiếp phụ trách. Việc đó đã giúp đảng uỷ chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nội dung, phương pháp sinh hoạt của các chi bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và đề cao tự phê bình và phê bình, nâng cao nhận thức cho đảng viên trong sinh hoạt đảng. Đồng thời, qua đó đảng uỷ nắm bắt được tình hình tư tưởng, những tâm tư nguyện vọng của đảng viên, kịp thời có kế hoạch và biện pháp giải quyết phù hợp...


Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Nghệ An còn những hạn chế: một số chi bộ chưa duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ, nhất là các loại hình chi bộ doanh nghiệp, chi bộ xã vùng sâu, vùng xa, các đơn vị có địa bàn hoạt động phân tán, lưu động; một số chi bộ chưa chú ý sinh hoạt chuyên đề. Trong thảo luận ý kiến mang tính phản biện chưa nhiều; thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa thường xuyên, còn nể nang, né tránh, nhất là các chi bộ ở khu vực cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở nhiều chi bộ chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác quản lý đảng viên ở một số nơi chưa chặt chẽ.


Một số kinh nghiệm


Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu nội dung Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ; coi việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là giải pháp quan trọng để đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ.


Hai là, các chi uỷ mà đứng đầu là đồng chí bí thư cần nắm vững về mục đích, yêu cầu, nội dung, quy trình, phương pháp tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ, đồng thời quán triệt để đảng viên thấy được ý nghĩa quan trọng của sinh hoạt chi bộ, giúp đảng viên nêu cao ý thức, tinh thần tự giác tham gia sinh hoạt chi bộ.


Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và thời gian sinh hoạt cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi loại hình chi bộ. Mở rộng hình thức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề để nội dung sinh hoạt được phong phú, hấp dẫn, góp phần nâng cao nhận thức cho đảng viên. Các đảng viên là cấp ủy viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải gương mẫu thực hiện nền nếp sinh hoạt đảng; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.


Bốn là, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, qua đó phát huy được năng lực, sáng kiến, nhiệt huyết của cán bộ, đảng viên, phát huy được trí tuệ của tập thể. Để phát huy dân chủ trong chi bộ, đồng chí bí thư chi bộ phải có tác phong dân chủ trong điều hành cuộc họp, tạo điều kiện cho đảng viên mạnh dạn nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thể hiện tốt tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu.


Năm là, các cấp ủy cấp trên, đặc biệt là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nền nếp, nội dung và chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ. Coi trọng sơ kết rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, uốn nắn kịp thời những nơi thực hiện chưa tốt.


Sáu là, cung cấp kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới của Trung ương, của tỉnh, huyện và các tài liệu phục vụ cho sinh hoạt chi bộ. Quan tâm hơn đối với các chi bộ ở khu vực nông thôn, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc thù, vùng đặc biệt khó khăn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất