Xuân này, trước tình hình mới, bên chén trà tôi muốn cùng nhau bàn luận về chữ “Đồng” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đất nước vừa kỷ niệm lần thứ 70 ngày Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Sự kiện Bác Hồ về nước gắn liền với việc tiến hành Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa I do Người chủ trì họp tại Cốc Bó - Cao Bằng tháng 5-1941. Hội nghị đã có những quyết định lịch sử, chuyển hướng chiến lược cách mạng nước nhà mà Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khởi đầu, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Đại đoàn kết là nội dung lớn trong tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. Trong không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa, cách đây đúng 70 năm trên báo Việt Nam Độc Lập do Người trực tiếp chỉ đạo số tháng 8-1942 đã đăng bài thơ “Chơi trăng” của Người trong đó có câu “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”.
Chữ “Đồng” theo suốt cuộc đời Bác chúng ta, là đạo đức, là phong cách, là tư tưởng sâu sắc của Người muốn nhắn gửi lại muôn đời sau:
“Khuyên ai nên nhớ chữ Đồng;
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Muốn tạo nên sự liên kết giữa các lực lượng trong một “đồng minh” thì phải tạo điều kiện “đồng tình”, “đồng lòng”, thống nhất ý chí mới có thể “đồng sức” làm nên sự nghiệp lớn.
Chữ Đồng của Bác Hồ không chỉ là sách lược nhất thời mà là triết lý tư duy và hành động cụ thể của Người, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn nhưng những lúc khó khăn lại càng quan trọng, do đó Người đã dặn lại trong Di chúc về “truyền thống cực kỳ quý báu” này.
Thời nào cũng thế, trong xã hội có nhiều giai cấp, tầng lớp với những tâm tư, yêu cầu, lợi ích không hoàn toàn giống nhau do đó có thể có những suy nghĩ không giống nhau. Đất nước trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, sự giống nhau và khác nhau của mỗi người là điều dễ hiểu, nhưng truyền thống con Lạc, cháu Hồng thì vẫn gắn bó con dân đất Việt với nhau.
Muốn cùng nhau “đồng lòng” thì phải cùng nhau xác định mục tiêu chung; mỗi thời kỳ có những mục tiêu chung không hoàn toàn giống nhau.
Chuẩn bị khởi nghĩa tháng Tám 1945 là tìm sự đồng thuận của các giai cấp, tầng lớp trong Chương trình Việt Minh với “Chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết, chiến đấu để đánh đuổi Pháp Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”, “thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là cờ Tổ quốc”.
Sau ba mươi năm chiến đấu gian khổ giành thắng lợi, thống nhất nước nhà nhưng xã hội có những giằng xé rất phức tạp do lịch sử để lại. Rồi đất nước đổi mới bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử thì cũng tồn tại không ít vấn đề xã hội phát triển phong phú nhưng phân hóa sâu sắc, có ông chủ và thợ thuyền làm thuê, có người rất giàu và nhiều người còn nghèo, rất nghèo. Để tạo sự đồng thuận xã hội trong tình hình mới, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết định của các kỳ Đại hội Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã nêu rõ: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng”, “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”, “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.
Trên tinh thần luôn luôn “nhớ chữ Đồng” theo lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tình hình mới cần “thực hiện dân chủ rộng rãi” như Bác Hồ căn dặn, tăng cường đối thoại; trước hết những người lãnh đạo, quản lý chân thành, nghiêm túc lắng nghe mong muốn của nhân dân, giải tỏa các bức xúc của nhân dân, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực có hiệu quả rõ ràng… Cùng với việc phát triển kinh tế bền vững cần quan tâm sâu sắc tới các vấn đề văn hóa xã hội, kiên quyết và khôn khéo giữ vững hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia; sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến khác với những gì đã quyết định và sẵn sàng đối thoại. Đối thoại bình đẳng sẽ tạo nên sự đồng thuận thực sự để xã hội đồng thuận cùng chung sức hoàn thành sự nghiệp.
Nhâm Thìn 2012
Nhà báo Hữu Thọ
Nguồn: Suckhoedoisong,vn