Thử tính, một người lớn tuổi, có bậc lương cao, đang công tác ở một cơ quan hành chính, mỗi tháng thực nhận được 4.500.000 đồng. Vợ có mức lương 3.500.000 đồng. Như vậy tổng thu của toàn gia đình là 8.000.000 đồng. Gia đình có bốn khẩu, bình quân thu nhập mỗi người 2.000.000 đồng, nếu chỉ tính về lương thì thuộc loại trung lưu trong xã hội hiện nay. Thế nhưng hãy tính kỹ tất cả các khoản chi tiêu cần thiết ta sẽ thấy thực tế đời sống ra sao.
Chỉ là những chi tiêu rất khiêm tốn, dè xẻn, cần thiết thôi: Tiền ăn, điện, ga, nước, đi lại; tiền cho các khoản vệ sinh, tiền may mặc; tiền phải chi như mừng đám cưới, nhà mới, giỗ chạp; các khoản chi tiêu đột xuất như chữa bệnh, tiếp khách; tiền cho con theo học… Tổng số tiền chi trong một tháng của gia đình (không tính hết) lên trên 10.000.000 đồng. Như vậy thực chi rất dè xẻn nhưng đã vượt thực thu.
Và thử tính thu chi của một gia đình công chức ở độ tuổi 25-30, có trình độ đại học, có một hoặc hai con nhỏ. Công chức trẻ thường có mức lương không quá 2.500.000 đồng. Như vậy hai vợ chồng có thu nhập từ lương mỗi tháng khoảng 5.000.000 đồng. Nhưng phải có cho những khoản chi sau: Tiền gửi mẫu giáo và nhà trẻ; tiền sữa, thức ăn, quần áo, thuốc men, đồ chơi và cả khoản tiền chi tất yếu khác. Ở lứa tuổi này nếu đáp ứng nhu cầu của họ thì còn thâm hụt nhiều hơn. Vì, họ còn phải học thêm để nâng cao trình độ, nhu cầu hưởng thụ văn hoá, ăn mặc… cũng tốn kém hơn. Thử hỏi họ sống như thế nào trong thời buổi này. Trong khi đó công chức phải làm việc đủ 8 giờ mỗi ngày, đa số trong họ không có vốn và cũng vô cùng khó để tìm được việc làm thêm, nâng cao thu nhập. Đây là mâu thuẫn rất gay gắt giữa khả năng tài chính và nhu cầu chi tiêu tối thiểu cần thiết của lớp trí thức trẻ làm việc trong khu vực hành chính, sự nghiệp hiện thời.
Đối với công nhân thì tình hình còn "căng" hơn. Ở Quảng Nam thu nhập bình quân của công nhân khoảng 2.000.000 đồng. Tình hình trong cả nước cũng chẳng có gì khả quan hơn. Có nhiều công nhân nữ không dám có chồng vì không đủ tiền nuôi bản thân thì lấy gì nuôi con. Nếu có người chồng có thu nhập thấp như vậy, suốt đời cũng không có được một chỗ để xây dựng tổ ấm. Có em còn tâm sự rằng “với thu nhập thế này thì đời mẹ em có thể sinh được 5,7 con, vì thời đó có quan niệm “trời sinh voi thì sinh cỏ”, nhưng với thời hiện đại này bọn em không dám”. Ngoài nông dân ra thì đây là thành phần đa số trong dân cư và lại là bộ phận có trình độ học vấn và nghề nghiệp cao nằm trong bộ máy quản lý nhà nước, trong các cơ quan sự nghiệp, trong lực lượng chủ yếu để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang sống với mức thu nhập thấp như vậy. Mức thu nhập đó không đủ để tái sản xuất sức lao động.
Quan sát cuộc sống, tôi suy ngẫm, trên những khuôn mặt bình thường, vui vẻ với những trang phục vừa phải lành lặn, lịch sự khi ở cơ quan, nhà máy, khi ra chợ hay lúc chạy xe hối hả trên đường phố, nhưng có lẽ họ đang khoả lấp những lo toan về cơm áo, gạo tiền mà từng giờ, từng ngày phải đối mặt để hoà cùng dòng chảy của cuộc sống. Đặc biệt người cán bộ, đảng viên luôn phải tự ý thức được mình là người có nhân cách, có trách nhiệm với dân, phải thấu đáo lẽ đời thường này. Đội ngũ này phải biết cân đối mức chi tiêu tối thiểu tùy theo khả năng và tài năng lao động chân chính của mình mới có thể giữ mình được trong sạch. Họ phải xem đây là một trong những phẩm chất đạo đức tiên quyết của người cán bộ, đảng viên để có thể giữ mình trong sạch, theo đó mới làm lợi được cho nước, cho dân.
Chỉnh đốn Đảng là phải gắn thật chặt với thực tế cuộc sống của nhân dân, của đại đa số công nhân, viên chức, cán bộ, đảng viên. Đảng phải làm cho đội ngũ của mình, nhất là người có quyền, có chức phải thấu đáo mình cần làm gì và không nên, không được làm gì một cách rất cụ thể, thiết thực trước nhân dân như Bác Hồ đã dạy: “cán bộ phải biết lo đến tương, cà, mắm, muối của dân”. Người có trách nhiệm với xã hội mỗi khi lên xe con, lên máy bay, ngồi vào tiệc tùng tiếp khách phải nghĩ tới tốc độ phát triển của đất nước có tương ứng với mức chi tiêu này không. Thậm chí khi cầm chai rượi ngoại mở ra thì nghĩ tới nó tương ứng với bao nhiêu cân lúa, với mấy tháng lương tối thiểu… Có như vậy, cuộc chỉnh đốn Đảng lần này mới có thể đưa lại lợi ích thiết thực cho dân, cho nước.
Phạm Thông