Nghĩ về thái độ “dĩ hòa vi quý” khi tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng hiện nay

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/W ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, ngày 2-3-2012, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ số 09-HD/BTCTW thay thế Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 25-5-2007. Một trong những mục đích, yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn số 09 nêu rõ: “… nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự phê bình (TPB) và phê bình (PB); tăng cường đoàn kết thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong chi bộ”.

Trong thực tế hiện nay, đã sau 5 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư nhưng TPB và PB trong Đảng nói chung, trong sinh hoạt chi bộ nói riêng vẫn chưa tạo được những chuyển biến tích cực. Thậm chí như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “nguyên tắc TPB và PB thực hiện rất kém”(1).

Theo thiển ý của tôi, có thể hiểu “rất kém” ở một số khía cạnh sau:

Do động cơ của người TPB và PB không trong sáng, tìm cách ca ngợi nhau, bao che khuyết điểm cho nhau. Hoặc lợi dụng dịp PB để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau.

Phương pháp phê bình không sát hợp đối tượng PB, nặng định tính, nhẹ định lượng nên thiếu sức thuyết phục.

Một thực tế rất phổ biến khi thực hiện TPB và PB trong sinh hoạt chi bộ hiện nay là thái độ “dĩ hòa vi quý” với các biểu hiện xuề xòa, né tránh, ngại va chạm… Thái độ “dĩ hòa vi quý” trong TPB và PB được xem như một biểu hiện của cách ứng xử “khôn ngoan”, lấy sự hòa thuận trong nội bộ theo quan niệm “chín bỏ làm mười”, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, dẫn đến thủ tiêu tính chiến đấu của TPB và PB.

“Dĩ hòa vi quý”, theo Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa - Thông tin) giải thích là xuề xòa, né tránh sự va chạm, phê bình nhau cốt để cho yên chuyện, cho không khí hòa thuận vui vẻ”.

Từ điển tiếng Việt (Nxb Đà Nẵng năm 2000) cũng giải thích: Dĩ hòa vi quý là thái độ coi sự hòa thuận, êm thấm là quý hơn cả; có thể từ đó sinh ra xuê xoa, không phân biệt phải trái.

Vì vậy, thái độ “dĩ hòa vi quý” không thể song hành với TPB và PB trong sinh hoạt đảng hiện nay. Bác Hồ từng chỉ rõ: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”(2).

Nhưng tại sao thái độ “dĩ hòa vi quý” lại tồn tại với TPB và PB trong sinh hoạt đảng hiện nay? Theo tôi có một số lý do sau đây:

Về phía người phê bình: Do ngại va chạm, sợ người bị PB trù dập, trả đũa nên khi  PB người khác, nhất là những người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì những người PB thường nhận xét qua loa, đại khái như: Đồng chí… ưu điểm là chính… mặt yếu là tinh thần TPB và PB đôi lúc chưa cao!”. Nghĩa là ý kiến PB chung chung, vô thưởng, vô phạt, không mất lòng ai, vừa “êm tai” những người lãnh đạo, vừa “an toàn” cho bản thân.

Mặt khác, còn do người PB (đa phần là những đảng viên thường, đảng viên đã nghỉ hưu) thiếu thông tin, nhất là những thông tin thuộc loại “thâm cung bí sử” về người được PB, đặc biệt là những người lãnh đạo, quản lý đương chức, đương quyền. Do vậy, người PB chỉ góp ý qua loa, đại khái với thái độ “dĩ hòa vi quý” cũng là đễ hiểu.

Về phía người được phê bình: Có những đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự cầu thị, đã động viên, khích lệ các đảng viên trong chi bộ PB, góp ý cho mình thấy rõ ưu điểm, nhận rõ khuyết, nhược điểm để kịp thời sửa chữa tiến bộ. Mặc dầu có những lời PB “trung ngôn”, nhưng người được PB cũng không thấy “nghịch nhĩ”. Ở đây chỉ có thái độ thẳng thắn, trung thực, thật thà của cả người PB và người được PB.

Ngược lại, cũng không ít đảng viên, nhất là những người lãnh đạo, quản lý đương chức, đương quyền thì lại rất e sợ ý kiến PB, góp ý của đảng viên. Ngoài mặt tỏ ra “chân thành”, vui vẻ lắng nghe, tiếp thụ ý kiến PB nhưng trong tâm can thì “hãy đợi đấy!”. Họ “bịt mồm” người PB bằng cách thanh minh, đổ lỗi cho “cơ chế”, cho “hoàn cảnh khách quan”, cho “tập thể lãnh đạo”. Người PB muốn đấu tranh, tìm ra sự thật, phân tích rõ đúng, sai nhưng lại thiếu thông tin, thiếu chứng cứ cụ thể, nên đành phải “dĩ hòa vi quý”.

Để thực hiện phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, theo tôi trong TPB và PB cần thực hiện một số việc cụ thể như sau:

Một là, phải tạo bầu không khí dân chủ thật sự trong sinh hoạt đảng nói chung, trong TPB và PB nói riêng. Chỉ có dân chủ thật sự trên cơ sở chấp hành đúng nguyên tắc dân chủ tập trung và những quyết định, quy định, quy chế của Đảng (ví như Quy chế chất vấn trong Đảng), mới tạo được thái độ PB không nể nang, né tránh. Chỉ có thực hiện dân chủ thật sự gắn với công khai, minh bạch mới khắc phục được tình trạng đảng viên thiếu thông tin hoặc thông tin một chiều, sai lệch, thiếu khách quan. Chỉ có dân chủ thật sự thì những đảng viên có trách nhiệm với Đảng, với nhân dân, có tư duy sắc sảo và năng lực sáng tạo mới có môi trường và điều kiện để thực hiện tâm nguyện của mình cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. Cũng chỉ có dân chủ thật sự thì những cán bộ, đảng viên có sai lầm, khuyết điểm, nhất là những đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, quản lý mới tiếp nhận được nhiều ý kiến PB của đảng viên và nhân dân, giúp “rửa mặt” hằng ngày, sửa chữa kịp thời khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Có dân chủ thật sự thì đảng viên trong chi bộ mới “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”.

Hai là, để PB thực sự đem lại hiệu quả, trước hết là PB những cán bộ lãnh đạo, quản lý thì cấp ủy cấp trên cần thông tin đầy đủ, khách quan, chân thật cho đảng viên trong chi bộ về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao để mọi ngườì có đủ thông tin về người được PB, giúp cho việc  góp ý, PB đạt lý, thấu tình. Những trường hợp cần thiết, cấp ủy cấp trên cần cử đồng chí có uy tín về dự sinh hoạt để làm chỗ dựa tinh thần và khích lệ đảng viên thẳng thắn PB cán bộ. Qua đó, giúp cấp ủy cấp trên hiểu hơn về cán bộ thuộc quyền quản lý của mình.

Ba là, người được PB phải TPB thật sự theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không né tránh. Có như thế thì TPB và PB trong Đảng mới đạt “mục đích là cốt sửa chữa chứ không phải để công kích; cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”(3).

Tóm lại, để TPB và PB thật sự là quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, trở thành phương pháp cơ bản trong đổi mới, chỉnh đốn Đảng thì người PB và người được PB đều phải có thành ý tốt, với “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đồng thời phải có dũng khí của người đảng viên cộng sản, dám thẳng thắn PB những sai sót, khuyết điểm của đồng chí; dám dũng cảm TPB và tiếp thu, nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm; tìm những giải pháp thiết thực để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Theo đó, khắc phục thái độ cực đoan, lợi dụng PB để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau. Cùng với đó, khắc phục thái độ trung dung “dĩ hòa vi quý”, xuê xoa, ca ngợi, phỉnh nịnh lẫn nhau, không chỉ rõ đúng, sai, làm cho việc TPB và PB trong sinh hoạt đảng mang nặng tính hình thức, không thể hiện đúng tính chiến đấu, tính giáo dục của nó.

Trương Tử Kỳ

-----------------------

(1) Báo Nhân Dân ngày 28-2-2012. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG-Sự Thật, H.2002, tập 5, tr 232. (3) Hồ Chí Minh: Về Đảng cầm quyền, NXB Sự Thật, H.1986, tr 31.

Phản hồi (3)

diepvien 07/07/2012

Cảm ơn tác giả Trương Tử Kỳ về bài viết rất hay này, đây là một thực trạng trong công tác phê bình và tự phê bình hiện nay. Tôi không phải là đảng viên nhưng qua việc tiếp xúc với các hoạt động của đảng hiện nay tôi thấy thái độ phê bình và tự phê bình của đảng viên ta còn quá kém, nguyên do bởi: Tâm lý dĩ hòa vi quý; Tâm lý số đông; Tâm lý "Sợ" hoặc tâng bốc lãnh đạo. Đặc biệt công tác phê bình còn bị rào cản rất lớn đó là sợ cấp trên trù dập và thực tại trong cuộc sống không ít đảng viên dũng cảm phê bình cấp trên phải ngậm ngùi "về vườn", có những cán bộ gần 20 năm ở vị trí lãnh đạo xã nhưng chỉ vì phê bình cấp trên mà bị cắt chức bí thư chi bộ, chủ tịch HĐND xã, nếu lấy ý kiến về sự tín nhiệm của nhân dân với cán bộ này thì 100% là tín nhiệm tốt, vậy thì ai dám đứng ra phê bình nữa? Tôi nghĩ việc chúng ta cần làm bây giờ phải là những việc cụ thể, bằng những việc làm thiết thực chứ không phải những câu khẩu hiệu sáo rỗng nữa.

Phạm Đức Long 06/05/2012

Là một đảng viên trong chi bộ, tôi thấy bài viết này phản ánh rất đúng tình trạng chung hiện nay. Chỉ xuất phát từ tình đồng chí thương yêu nhau như căn dặn của Bác Hồ và tinh thần thực sự cầu thị của mỗi đảng viên chúng ta mới có thể làm cho PB và tự PB thành vũ khí sắc bén.

Nguyễn Thế Trung 05/05/2012

Cám ơn tác giả Trương Tử Kỳ ! Bài viết thật sâu sắc và rất sát thực tế. Tôi cũng đã chịu nhiều hậu quả xấu của chính cái gọi là tính chiến đấu của tinh thần đảng viên trong sinh hoạt rồi, trăn trở lắm, suy tư lắm. Về bản chất chính là do chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội mà ra. Không biết tác giả đã làm được những gì như bài viết không vậy ?

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất